Có những chiếc xe gặp phải trường hợp “khó”, không rõ hư hỏng ở chỗ nào trong máy, khi ấy cần sự ra tay của thợ “xịn” mới định được đúng “bệnh” và có định được đúng “bệnh” thì mới sửa được xe - đó là điều tất nhiên. Chữa bệnh cũng thế… có những căn bệnh không rõ ràng, không dễ dàng gì khi chẩn đoán cho đúng, cần sự can thiệp của các bác sĩ chuyên môn giỏi, thậm chí là cả một hội đồng mới tìm ra căn nguyên bệnh, từ đó mới có được hướng điều trị để giúp người bệnh khỏi bệnh.
Có thể lấy một ví dụ điển hình như sau: cháu T. được người nhà chuyển đến BV. Nhi Đồng 1, trong tình trạng xuất huyết âm đạo kéo dài. Khai thác bệnh sử từ người nhà, ban đầu chỉ ghi nhận, bệnh nhi có biểu hiện ra dịch âm đạo màu vàng từ hơn nửa năm nay. Cháu T. đã được điều trị tại bệnh viện địa phương, nhưng tình trạng bệnh tái đi tái lại và ngày càng trở nặng dẫn đến xuất huyết, có mùi hôi thối khiến bé phải mang bỉm suốt ngày.
Đầu tiên, cháu được kiểm tra tại khoa Thận nội tiết, BS. Nguyễn Hữu Chí - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Siêu âm cho hay: “Sau nhiều lần siêu âm kiểm tra nhưng không tìm ra nguyên nhân, chúng tôi nghĩ nhiều tới lý do bệnh nhi có thể gặp phải tình trạng dậy thì trước 9 tuổi bởi dấu hiệu đáng tin cậy nhất là ra huyết âm đạo. Tuy nhiên, bé lại không có những biểu hiện liên quan khác như ngực to, xét nghiệm máu định lượng không thấy sự thay đổi nội tiết tố… Bên cạnh đó, tình trạng kinh nguyệt ở trẻ dậy thì thường không hôi thối như bệnh nhi gặp phải”.
Sau nhiều tuần điều trị, tình trạng xuất huyết và ra dịch âm đạo của bệnh nhi chỉ thuyên giảm nhưng không hết hoàn toàn. BS. Nguyễn Hữu Chí cho biết, khi siêu âm qua ngả tầng sinh môn, bác sĩ phát hiện có bất thường trong lòng âm đạo. “Tuy nhiên, khi hỏi lại người nhà có tiền căn huyết gì không, người nhà vẫn nói bình thường. Sau đó, chúng tôi cho bé gái đi khám chuyên khoa sản, nhưng vẫn cho kết quả vẫn bình thường”, BS. Chí cho biết thêm.
Điều đáng nói, khi các bác sĩ nghi ngờ có một khối u ở đại trực tràng và cho tiến hành chụp MRI cộng hưởng từ nhưng chỉ phát hiện một ít dịch âm đạo, không có dấu hiệu gì bất thường. Điều này khiến các bác sĩ càng cảm thấy lo lắng, vì vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân. Riêng BS. Chí vẫn kiên quyết khẳng định rằng nhận định có dị vật trong âm đạo của bé T. là đúng, nhưng tất cả mọi xét nghiệm đều chống lại ông... Sau nhiều ngày suy nghĩ, BS. Chí quyết định gửi cháu T. cho khoa Ngoại tổng hợp để nội soi cho cháu. “Có lẽ đây cũng là phương án gần như cuối cùng để xem khẳng định của mình có đúng hay không?”, BS. Nguyễn Hữu Chí tâm sự… Và kết quả sau khi nội soi đã rõ: trong âm đạo cháu T. có một búi lưới nhỏ, được lấy ra sau một ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.
“Việc điều trị kháng sinh trong trường hợp trên trở thành “cái bẫy” đánh lừa thầy thuốc vì có lúc tưởng bệnh nhi đã khỏi bệnh”, BS. Chí cho hay. Thế mới thấy, việc xác định đúng căn bệnh cho người bệnh quan trọng đến mức nào.