Tại Nghị quyết số 26/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2024, Chính phủ đã quyết nghị 10 nội dung, trong đó có 5 dự án luật và 5 đề nghị xây dựng luật.
5 dự án luật gồm: Dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
5 đề nghị xây dựng luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chính phủ đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm các yêu cầu: Thể hiện rõ chủ trương phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; loại bỏ cơ chế xin cho, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính;
Có cơ chế để bảo đảm tối đa quyền tiếp cận thuốc của người dân, nhất là những thuốc mới trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả trong đăng ký, sản xuất, lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc; thể chế hóa các chính sách phát triển dược liệu, khuyến khích phát triển thuốc sản xuất trong nước theo Chiến lược phát triển ngành dược đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành;
Cần thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý chuyên ngành, trong đó về vấn đề quản lý giá thuốc cần tuân thủ theo đúng quy định tại Luật giá và yêu cầu quản lý chuyên ngành để kiểm soát, tránh tăng giá đột biến, bất thường gây ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như quyền lợi của người bệnh.
Về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm các yêu cầu: Dự thảo luật phải thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; khuyến khích hoạt động bảo tàng ngoài công lập; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn tiếng nói, văn hóa của các dân tộc…
Dự thảo luật cần tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Theo đó, quy định bảo đảm cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mua bán, không để mất cổ vật, mất giá trị di sản…
Đối với đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với các Điều ước quốc tế, quy định, khuyến cáo mới của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực hàng không dân dụng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật Hàng không dân dụng về: an toàn hàng không; an ninh hàng không; đầu tư, khai thác cảng hàng không, sân bay; vận chuyển hàng không và công tác quản lý nhà nước về hàng không....