Bệnh viêm da dị ứng là tổn thương viêm cấp hay mạn tính, hay gặp ở người có cơ địa dị ứng. Cha mẹ và bản thân bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như: hen suyễn, chàm... Khi tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như: bụi, phấn hoa, cánh bướm, thực phẩm lạ, thay đổi thời tiết… bệnh dễ tái phát mạnh. Tổn thương thường gặp ở các vị trí: da mặt, da đầu, nếp gấp chi… Triệu chứng chính là: da vùng tổn thương tấy đỏ, chảy nước, đóng váng đóng vẩy. Vòng xoắn bệnh lý là: ngứa - gãi - nổi ban - càng ngứa. Đôi khi bệnh gây bội nhiễm, viêm hạch bạch huyết vùng lân cận với tổn thương da.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Điều trị bằng một hay phối hợp trong các loại thuốc: mỡ corticoid, kháng histamin để giảm ngứa; kháng sinh chống bội nhiễm. Bạn nên khám ở chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng, bệnh có thể ổn định hoặc khỏi hẳn nếu không còn tiếp xúc với các dị ứng nguyên gây bệnh. Phòng bệnh: cần tránh tiếp xúc với các chất dễ gây dị ứng như: khói, bụi, phấn hoa, thức ăn lạ, quần áo lông thú, đồ dùng bằng nhựa, cao su…
BS. Nguyễn Bùi Kiều Linh