Có chữa chứng đổ mồ hôi nhiều cho trẻ được không?

17-07-2021 09:54 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ở hầu hết trẻ em, chúng ta không thể biết chính xác vì sao lại đổ mồ hôi nhiều như vậy. Đổ mồ hôi nhiều có phải là một bệnh và làm cách nào để hết? Đây là những câu hỏi được rất nhiều phụ huynh quan tâm.

Đổ mồ hôi nhiều biểu hiện thế nào?

Đổ mồ hôi nhiều có vai trò quan trọng của tuyến mồ hôi và hoạt động của hệ thần kinh. Hệ thần kinh sẽ gửi tín hiệu tới tuyến mồ hôi để yêu cầu tuyến này tiết mồ hôi. Việc tiết mồ hôi quá mức không rõ nguyên nhân gọi là tăng tiết mồ hôi nguyên phát cục bộ. Đây là dạng phổ biến nhất, có thể có tính chất gia đình.

Mồ hôi nhiều thường có tính chất gia đình.

Hiếm hoi ở một số trẻ, sự tăng tiết mồ hôi là do có bệnh lý hoặc do sử dụng một số loại thuốc gây tăng tiết mồ hôi. Trường hợp này gọi là tăng tiết mồ hôi thứ phát.

Chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát cục bộ thường ảnh hưởng đến các khu vực như bàn tay, bàn chân, và/hoặc nách.

Điều trị đổ mô hôi nhiều như thế nào?

Không có phác đồ chung, cụ thể cho tình trạng này. Việc điều trị phụ thuộc vào từng cá nhân. Tuy nhiên, chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát cục bộ có thể được dùng một số thuốc sau:

Muối nhôm: Muối nhôm được thoa trực tiếp lên vùng da đổ mồ hôi nhiều, có tác dụng bít các ống tuyến lại và giảm tiết mồ hôi. Hiện nay có nhiều sản phẩm chống mồ hôi trên thị trường có chứa muối nhôm.

Ngâm chân với nước muối ấm cũng là biện pháp tốt cho chứng đổ mồ hôi.

Thoa ngày 2 lần vào buổi sáng và trước khi ngủ buổi tối để cho da được khô. Nếu trẻ dễ bị kích ứng da thì có thể thoa cách ngày.

Thuốc kháng cholinergic: Thuốc kháng cholinergic có thể  ức chế tín hiệu thần kinh tới tuyến mồ hôi. Thuốc này dùng điều trị chứng tiết mồ hôi có nhiều dạng bào chế như dạng cream, lotion, miếng đắp, thuốc uống. Khi dùng các thuốc này phải theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời nhớ uống đủ nước và tránh nắng, nóng. Nếu dùng dạng thoa thì nhớ rửa tay ngay sau thoa và không sờ tay lên mắt.

Trong trường hợp đổ mồ hôi tay, chân nhiều, bác sĩ có thể cho sử dụng liệu pháp điện chuyển ion.

Khi các biện pháp trên đều thất bại, bác sĩ có thể cho sử dụng độc tố botulinum nhằm ức chế tín hiệu thần kinh tới tuyến mồ hôi. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc trực tiếp vào vùng da bị ảnh hưởng 6-12 tháng/lần.


BS.Trần Công
Ý kiến của bạn