Hà Nội

Có chăng thuốc "cải lão hoàn đồng"?

23-08-2013 09:41 | An toàn dùng thuốc
google news

Hiện nay, trên mạng quảng cáo rất nhiều về thuốc có tên Super Strength H3 với những lời “có cánh”: “Thuốc chứa Gerovital H3 đã được các bác sĩ trên toàn thế giới công nhận là một “Phép Lạ Mới”, một thứ “Thuốc Tiên”, “Thần Dược” có thể đảo ngược được tiến trình của lão hóa giúp con người “cải lão hoàn đồng” để “sống trường thọ”. có thật thế không?

Hiện nay, trên mạng quảng cáo rất nhiều về thuốc có tên  Super Strength H3 với những lời “có cánh”: “Thuốc chứa Gerovital H3 đã được các bác sĩ trên toàn thế giới công nhận là một “Phép Lạ Mới”,  một thứ “Thuốc Tiên”, “Thần Dược” có thể đảo ngược được tiến trình của lão hóa giúp con người “cải lão hoàn đồng” để “sống trường thọ”. có thật thế không?

Một số thông tin ghi chế phẩm này là thuốc, nhưng xem kỹ thì đây là thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc. Nếu chế phẩm chứa Gerovital H3 là thuốc bắt buộc phải thông tin Gerovital H3 có thể gây tác dụng phụ có hại là gây dị ứng, run rẩy, loạn nhịp tim, bồn chồn, lo âu, kích thích, choáng váng, nhìn mờ, co giật, và đặc biệt, không dùng chế phẩm chung với các thuốc nhóm sulphonamid, eserin hoặc prostigmin (thông tin về Super Strength H3 hoàn toàn không đề cập đến tác dụng phụ). Hơn nữa, nhìn kỹ bao bì của Super Strength H3 ta thấy có ghi “Dietary Supplement” tức là đây là chế phẩm “bổ sung dinh dưỡng” hay là “thực phẩm chức năng”. Nhà sản xuất đã có sự lập lờ vì trên nhãn, bao bì của thực phẩm chức năng bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.

Gerovital H3 là gì?

Thực chất đây là procain, là thuốc gây tê, trước đây dùng ở dạng muối hydroclorid (biệt dược Novocaine) và phải tiêm để gây tê, dùng trong nha khoa nhổ răng và nay ít dùng do thời gian tác dụng ngắn và dễ gây sốc phản vệ hơn các thuốc gây tê khác. Hiện nay, đôi khi procain được dùng gây tê vùng, gây tê tủy sống, phong bế dây thần kinh giao cảm hoặc dây thần kinh ngoại biên để làm giảm đau trong một số trường hợp.

Có chăng thuốc "cải lão hoàn đồng"? 1
Ảnh minh họa

Vào những năm 50 của thế kỷ XX, procain được nữ bác sĩ Anna Aslan thuộc Viện lão khoa Quốc gia Rumani nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm có tên là Gerovital H3 (có khi viết tắt GH3) với thành phần chính là procain và một số chất khác (acid benzoic, kali metasulfit, natri phosphate…). Kết quả nghiên cứu thử trên súc vật ghi nhận, sau khi sử dụng sản phẩm này thì khả năng cải thiện tuổi thọ của chuột cống trắng tăng lên 18 - 21%, thông qua cơ chế ức chế các yếu tố làm lão hóa của cơ thể.

Tuy nhiên, sản phẩm này khi đó chưa được ghi nhận thử nghiệm trên người nhưng đã sử dụng đại trà. Procain còn được gọi là vitamin H3 vì được tin rằng đó là yếu tố của sự sống (nghĩa của chữ vitamin là vậy) và khi đưa vào cơ thể người nó được cho là có tác dụng “thần kỳ” vì được chuyển hóa thành hai chất là para-amino benzoic acid (viết tắt PABA) và diethyl aminoethanol (DEAE). Chế phẩm Gerovital H3 đã được đồn đại có những tác dụng “thần kỳ” mà chẳng rõ thực hư như thế nào nhưng nó được ngành Lão khoa lúc ấy rất ưa chuộng. Gerovital H3 bắt đầu được truyền bá khắp nơi, chu du sang tận Âu, Mỹ. Gerovital H3 đã được thổi phồng là được sử dụng bởi những người nổi tiếng như tổng thống Mỹ John F. Kennedy, tài tử điện ảnh gạo cội Kirk Douglas, họa sĩ siêu thực Salvador Dali… 

Từ khi ra đời đưa vào thị trường tiêu thụ (năm 1951) cho đến thời kỳ vàng son (những năm 60, 70), Gerovital H3 vẫn là chế phẩm gây rất nhiều tranh cãi. Có một số thử nghiệm lâm sàng ở Rumani ghi nhận chế phẩm có làm chậm quá trình lão hóa như: làm quá trình tập trung, nhận thức ở người cao tuổi khá hơn, cải thiện giấc ngủ, giảm thiểu mỏi mệt kinh niên, kích thích ăn ngon… Trong khi đó, có rất nhiều công trình nghiên cứu lại cho rằng Gerovital H3 chẳng có hiệu quả gì cả (so sánh với thuốc vờ - placebo chẳng có gì hơn).

Ở nước ta, có một thời gian Gerovital H3 được một công ty dược phẩm trong nước bào chế và cho lưu hành nhưng không gây tiếng vang nào cả và nay thì không ai còn nhớ đến nó.

Năm 1982, Cơ quan Quản lý  Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ cấm lưu hành Gerovital H3 vì cho rằng đó là thuốc không chứng minh được tác dụng.

Đừng nghe lời đồn đại

Trở lại chế phẩm Super Strength H3 để thấy rằng các thành phần của chế phẩm được quảng cáo và ghi trên bao bì hoàn toàn không giống Gerovital H3. Nó được ghi chứa paraamino benzoic acid (tức chuyển hóa chất PABA do Gerovital H3 khi dùng vào trong cơ thể tạo thành đã nêu ở trên) và dimethyl aminolethanol bitartrat (khác với chuyển hóa chất DEAE của Gerovital H3). Ngoài ra, Super Strength H3 có chứa thêm một số acid amin như: glutamin, tyrosin, taurin, chất được xem bổ dưỡng xương khớp là chondroitin, chất giúp chuyển hóa mở lecithin. Chỉ có các thành phần được ghi như thế nhưng chế phẩm này lại quảng cáo có sự kết hợp các chất bổ dưỡng, các acid amin, các vitamin, muối khoáng và vi lượng (hoàn toàn chẳng biết các vitamin, muối khoáng và vi lượng là gì). Điều quan trọng hơn hết là không có bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào cho thấy chế phẩm Super Strength H3 có khả năng cải lão hoàn đồng, giúp con người sống thọ đến 130 - 150 tuổi như quảng cáo.

 PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Lời khuyên của thầy thuốc

Cho tới nay, vẫn chưa có thuốc hay chế phẩm nào có tác dụng là làm cho “cải lão hoàn đồng”, hay “trường sinh bất lão”. Nhưng ta có thể tác động tích cực vào quá trình lão hóa, tức là tìm cách bảo vệ duy trì sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ bằng các biện pháp: bảo vệ môi trường, vệ sinh cá nhân đúng phép, dinh dưỡng hợp lý, chú ý sử dụng nhiều các nguồn cung cấp chất chống oxy hóa là rau cải, trái cây tươi, tránh nghiện rượu, thuốc lá, phòng các bệnh viêm nhiễm, có cuộc sống lành mạnh để sao luôn thư thái, lạc quan, yêu đời, không bị stress. Đừng nghe lời đồn đại mà tìm cách mua chế phẩm kiểu như Super Strength H3 “cải lão hoàn đồng”, chỉ mất tiền một cách vô ích mà thôi.



Ý kiến của bạn