Có cần xét nghiệm để phát hiện cúm A/H1N1?

24-03-2023 18:52 | Y tế
google news

SKĐS - Virus cúm A/H1N1 có tốc độ lây lan rất nhanh và rất dễ nhầm lẫn với các virus gây bệnh hô hấp khác. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm não...Vậy, có cần thiết phải xét nghiệm virus cúm A/H1N1 khi xuất hiện triệu chứng?

TP.HCM đã ghi nhận chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10) khiến rất nhiều phụ huynh hoang mang và lo lắng. Trước việc xuất hiện nhiều chùm ca bệnh cúm A, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) về vấn đề này.

- TP.HCM đã ghi nhận chùm 20 ca bệnh cúm A/H1N1 tại một trường tiểu học. Được biết, cúm A/H1N1 rất dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Vậy, theo bác sĩ phụ huynh có cần thiết làm xét nghiệm dịch mũi họng để xác định bệnh hay không?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến: Virus cúm A/H1N1 là một loại cúm mùa và có các triệu chứng không đặc trưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như sốt, mệt mỏi, đau cơ bắp, đau đầu, ho khan, nghẹt mũi, đau họng, nôn ói...

Dù bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nhưng phụ huynh không cần thiết phải cho con làm các xét nghiệm để xác định bệnh. Do ngoài cúm A/H1N1 thì có rất nhiều virus khác cũng gây nên các triệu chứng tương tự điển hình là COVID-19, RSV... Ngoài ra, trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính thì phụ huynh cũng chỉ có theo dõi diễn tiến bệnh ở trẻ.

Có cần thiết xét nghiệm để phát hiện cúm A/H1N1? - Ảnh 1.

Cúm A/H1N1 gây các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như sốt, ho, sổ mũi...

Chúng ta chỉ cần tiến hành xét nghiệm khi xuất hiện chùm ca bệnh nhằm xác định, xử lý và kiểm soát dịch. Hoặc, bệnh nhân diễn tiến quá nhanh, nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, phải thở CPAP, thở không xâm lấn hoặc thở máy xâm lấn. Lúc này cần phải thử nhanh để xác nhận nguyên nhân gây bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhằm cứu sống bệnh nhân.

Vậy nên việc xét nghiệm để xác định cúm A/H1N1 không thực sự cần thiết khi xuất hiện các ca lẻ tẻ. Nếu chỉ xuất hiện một vài ca bệnh thì chúng ta chỉ cần theo dõi và phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ tới bệnh viện.

- Bác sĩ có thể chỉ ra các dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm A/H1N1 trở nặng ở trẻ?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến: Thông thường bệnh có thời gian ủ bệnh rất ngắn nên bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong vòng 2-5 ngày, trẻ em sẽ khỏi từ 3-5 ngày, tối đa là 7-14 ngày. Đối với các trường hợp mắc cúm A, bệnh nhân cần được thăm khám, chăm sóc hợp lý để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh và cộng đồng.

Phụ huynh cần chăm sóc, quan sát trẻ để phát hiện sớm những triệu chứng cảnh báo nặng như trẻ có biểu hiện khó thở, thở bất thường, thở nhanh, thở rút hõm ngực, trẻ tím tái, trẻ bỏ ăn, bỏ bú, thở rít khi hít vào (giống viêm thanh quản), ly bì khó thức... Ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện ngay trong đêm để được điều trị kịp thời.

- Được biết, đây là loại virus có tốc độ lây lan nhanh và có thể để lại các di chứng nặng nề, bác sĩ có thể chỉ ra những đối tượng nào cần đặc biệt cẩn trọng để tránh bệnh trở nặng khi mắc cúm A/H1N1?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến: Virus cúm A/H1N1 có thể gây ra những biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm não, viêm cơ tim, tổn thương đa cơ quan, suy đa cơ quan... Trong một số trường hợp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công vào tế bào phổi gây viêm phổi, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, phụ huynh không cần quá lo lắng vì tỷ lệ bệnh trở nặng của bệnh rất thấp từ 0.1-0.1-1%. Các đối tượng cần cẩn trọng để tránh mắc virus cúm A vì dễ gây trở nặng như trẻ sinh non, trẻ có bệnh nền, trẻ suy giảm miễn dịch, trẻ thừa cân béo phì và trẻ mắc các bệnh về tim, gan, thận.... người già, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền đái tháo đường, những đối tượng này có nguy cơ biến chứng rất cao so với các đối tượng khác.

- Bác sĩ có thể khuyến cáo một số biện pháp phòng ngừa bệnh cúm A/H1N1 hiệu quả?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến: Virus cúm A/H1N1 có khả năng lây nhiễm từ người sang người vô cùng mạnh mẽ và tấn công vào lá phổi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có thể bị lây nhiễm cúm A thông qua nhiều nguồn lây khác nhau như hít phải không khí có chứa dịch tiết của người nhiễm bệnh khi họ sổ mũi, ho, hắt hơi. Hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, chạm tay vào đồ vật có virus cúm A/H1N1 bám và sau đó đưa tay trực tiếp lên mũi, miệng…

Để phòng ngừa cúm A/H1N1 cần:

  • Người dân, đặc biệt là trẻ em cần rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường tập luyện thể dục thể thao, đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng cúm đúng lịch...
  • Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn các vật dụng, đồ chơi, tay nắm cửa...
  • Hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng, nên mang khẩu trang khi ra ngoài.
  • Chủ động đến các cơ sở y tế khi có những triệu chứng đau ngực, khó thở…

- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Phát hiện chùm 20 ca cúm A/H1N1 tại một trường tiểu học ở TP.HCMPhát hiện chùm 20 ca cúm A/H1N1 tại một trường tiểu học ở TP.HCM

SKĐS - 20 học sinh tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản đồng loạt xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói, nhiều học sinh có dấu hiệu sốt đến 39℃. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 6/6 mẫu có kết quả dương tính với cúm A/H1N1.


P.Thương
Ý kiến của bạn