Bao gồm, giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus; Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ; Rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19 phù hợp tình hình dịch.
Thống kê cho thấy, số ca mắc trung bình tháng giảm 68 lần so với năm 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng). Tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 8/2023), tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%).
Nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19 và là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới.
Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn), nhất là khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở những nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng… để không chỉ phòng chống dịch bệnh COVID-19, mà còn phòng chống các bệnh truyền nhiễm khác.
Những người mắc COVID-19, phải đeo khẩu trang trong 10 ngày kể từ ngày có triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính với COVID-19; người chăm sóc, tiếp xúc với người mắc COVID-19 cũng nên đeo khẩu trang.
Đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine năm 2023, trong đó có khuyến cáo đầy đủ cho những người chưa tiêm đủ các mũi; những đối tượng ưu tiên cao là người lớn tuổi, người có bệnh nền. Hiện nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn miễn phí.
Theo Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19/10, Bộ Y tế điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg về việc sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày. Việc sửa đổi thời gian ủ bệnh trung bình giảm xuống từ 14 ngày còn 4 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh COVID-19 mới giảm từ 28 ngày còn 8 ngày căn cứ trên cơ sở khoa học; diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay; đồng thời theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.