Khi nào trẻ biếng ăn cần phải được chăm sóc, điều trị?
Đã có nhiều nghiên cứu, tài liệu, bài viết về vấn đề này và về các sản phẩm hỗ trợ dành cho trẻ biếng ăn. Tuy nhiên, cũng có trường phái các mẹ cho rằng không nên kích ép hay thúc giục trẻ ăn uống, mà để thuận theo sức trẻ, “có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn”.
Có 14-20% cha mẹ cho biết con họ rất kén ăn trong giai đoạn 2-5 tuổi. Sự kén chọn này thường giảm đi khi trẻ lên 6 tuổi, nhưng vẫn có một số ít tình trạng sẽ trầm trọng thêm. Tình trạng biếng ăn ở trẻ phổ biến đến mức một số bác sĩ coi đó như một phần phát triển bình thường của trẻ giai đoạn mẫu giáo.
Tuy nhiên, ngoài biếng ăn thông thường, có những trẻ biếng ăn do gặp vấn đề về hành vi ăn uống sẽ cần được chăm sóc, điều trị để tránh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển.
Trẻ biếng ăn thường ăn ít về số lượng và chủng loại thực phẩm, ăn lâu, hoặc chỉ ăn một số dạng chế biến nhất định và không hào hứng với bữa ăn. Một dấu hiệu quan trọng giúp phân biệt giữa trẻ biếng ăn thông thường và trẻ gặp vấn đề về hành vi ăn uống là số lượng chủng loại thức ăn trẻ có thể ăn. Biếng ăn thông thường trẻ có thể ăn được 30 loại thực phẩm khác nhau, với trẻ gặp vấn đề về hành vi ăn uống, con số này không vượt quá 20 loại thực phẩm.
Trẻ có vấn đề về hành vi ăn uống hay rối loạn hấp thu thực phẩm do hạn chế (ARFID – Avoidant/Restrictive Food Intake Disorder) thường gặp ở trẻ có rối loạn xử lý cảm giác (SPD – Sensory Processing Disorder), hoặc những trẻ mắc bệnh tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD – Attention Deficit Hyperactivity Disorder), cần được điều trị chuyên khoa phù hợp càng sớm càng tốt.
Trong một nghiên cứu quan sát 300 trẻ biếng ăn thông thường giai đoạn 3 tuổi, đánh giá sự tăng trưởng và chỉ số khối cơ thể trẻ trong suốt quá trình phát triển tới khi trẻ trưởng thành ở tuổi 17. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dù trẻ có biếng ăn thời thơ ấu, nhưng chỉ số BMI trung bình không cho thấy sự khác biệt so với nhóm trẻ có hành vi ăn uống bình thường. Nghĩa là trẻ vẫn lớn lên, tăng trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, chỉ số thành phần cơ thể giữa nhóm trẻ biếng ăn và ăn uống bình thường là khác nhau. Chỉ số khối lượng mỡ (FMI – Fat Mass Index) không có sự khác biệt đáng kể, nhưng chỉ số khối lượng nạc cơ thể (LMI – Lean Mass Index) ở nhóm trẻ biếng ăn thấp hơn so với nhóm trẻ ăn bình thường, khác biệt rõ rệt ở nhóm trẻ nam. Có nghĩa khi trẻ trưởng thành, khối lượng khối cơ của trẻ biếng ăn thấp hơn nhóm trẻ ăn bình thường. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới sức bền và khả năng vận động của cơ thể.
Một nghiên cứu khác kéo dài 5 năm, đánh giá sự hấp thu dinh dưỡng ở gần 7.500 trẻ biếng ăn từ 2-2,5 tuổi. Kết quả cho thấy sự khác biệt về năng lượng đưa vào cơ thể giữa hai nhóm trẻ, cũng như khác biệt về các đại dưỡng chất (đạm, đường, béo) được hấp thu. Tuy nhiên khác biệt có ý nghĩa thống kê nhất đó chính là các vi chất dinh dưỡng. Trong đó, nhóm trẻ biếng ăn thiếu hụt trầm trọng 4 vi chất có mức hấp thu thấp dưới ngưỡng dinh dưỡng tham chiếu (LRNI): Caroten (tiền chất của vitamin A), Sắt, Kẽm và Selen. Khi lượng hấp thu các chất dưới ngưỡng dinh dưỡng tham chiếu (LRNI), thì các chất đó chắc chắn không phát huy được vai trò đáp ứng nhu cầu cơ thể.
Các chất kích thích trẻ ngon miệng: Thực hư thế nào?
Những thực phổ bổ sung được quảng cáo có tác dụng kích thích trẻ ăn ngon miệng trên thị trường hiện nay có thực sự hiệu quả? Chúng ta sẽ cùng điểm qua một số hoạt chất xem cơ chế tác dụng và độ an toàn của chúng như thế nào.
Lysine
Lysine là một axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp, được bổ sung qua chế độ ăn. L-lysine là dạng lysine được cơ thể sử dụng để tạo nên carnitine, là một loại axit amin có trong hầu hết các tế bào cơ thể.
Với trẻ biếng ăn, do khối lượng ăn ít hoặc thiếu đa dạng sẽ ảnh hưởng đến lượng lysine cơ thể nhận được. Thiếu lysine khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, thiếu sắt, kém tập trung. Vì vậy bổ sung lysine trong các sản phẩm hỗ trợ trẻ biếng ăn khá phổ biến trên thị trường.
Lysine giúp gia tăng hấp thu sắt, kẽm, canxi; có vai trò trong việc sản xuất các enzyme, kháng thể miễn dịch; ngăn ngừa mất khối lượng nạc cơ thể; giảm lo lắng, căng thẳng.
Lysine tương đối an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên trên những trẻ nhạy cảm, không dung nạp protein lysinuric, sử dụng lysine có thể gây tiêu chảy, đau bụng. Ngoài ra trên những trẻ có hiện tượng tăng canxi huyết, canxi niệu hoặc đang điều trị canxi hoặc kẽm liều cao cần thận trọng khi bổ sung lysine.
Cần có thông tin đầy đủ về các sản phẩm hỗ trợ sẽ giúp chúng ta có được những lựa chọn hiệu quả.
Kẽm
Kẽm có lẽ là lựa chọn được rất nhiều bà mẹ có con biếng ăn biết đến. Kẽm giúp cải thiện vị giác, khứu giác, giúp trẻ ăn ngon miệng và hấp thu tốt hơn.
Kẽm có rất nhiều lợi ích, nhưng không có nghĩa lợi ích sẽ tỉ lệ thuận với hàm lượng kẽm được đưa vào cơ thể. Kẽm chỉ an toàn khi sử dụng đúng liều khuyến cáo. Khi sử dụng liều cao, ngộ độc cấp tính kẽm gây buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu và chán ăn. Bổ sung kẽm liều cao kéo dài, ngộ độc mãn tính kẽm gây giảm lượng lipoprotein mật độ cao (HDL) hay cholesterol “tốt”, giảm chức năng miễn dịch, tiện lượng thiếu đồng, giảm hấp thu sắt gây thiếu máu.
Một số thuốc bị giảm hấp thu khi uống cùng kẽm như: Sắt, đồng, mangan, thuốc kháng axit, kháng sinh tetracyclin, hay penicillamine (trong điều trị viêm khớp dạng thấp). Nên uống các thuốc này cách nhau ít nhất 2 giờ đồng hồ.
Ngược lại, một số thuốc sẽ làm tăng hấp thu kẽm như lysine, amiloride (thuốc lợi tiểu giữ kali dùng trong điều trị tăng huyết áp, suy tim hoặc phù giữ nước). Khi dùng các thuốc này cần lưu ý giảm liều kẽm bổ sung để tránh hấp thu quá mức.
Men vi sinh
Men vi sinh được sử dụng nhiều đứng thứ 3 trong các sản phẩm dành cho trẻ biếng ăn. Men vi sinh chứa các loại vi khuẩn tốt đối với cơ thể, nhưng không phải luôn an toàn khi cho trẻ sử dụng. Khi lạm dụng, men vi sinh có thể gây: Đầy hơi, chướng bụng; rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, gây tiêu chảy. Với những trẻ có hệ thống miễn dịch kém, bổ sung probiotics (men vi sinh) có thể trở thành tác nhân gây nhiễm trùng cho cơ thể.
Cyproheptadin
Là một thuốc kháng histamine điều trị dị ứng. Ngoài ra, cyproheptadin có tác dụng kích thích cảm giác đói và buồn ngủ. Sử dụng cyproheptadin gây thèm ăn tạm thời ở trẻ biếng ăn, nhưng khi dừng uống, trẻ lại quay về hành vi ăn uống như cũ hoặc sụt cân. Cyproheptadin dùng lâu dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển của trẻ.
Corticoid
Là nhóm thuốc chống viêm có tác dụng giữ muối, giữ nước gây phù, tăng cân ảo. Đặc biệt tác dụng phụ của corticoid đã được cảnh báo rất nhiều vì những hậu quả để lại, đặc biệt đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ: Dậy thì sớm, mỏng da, loãng xương, suy thận…
Dẫn xuất hormone sinh dục
Ví dụ hoạt chất nandrolon phenylpropionat là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam testosterone. Chất này có tác dụng đồng hóa protein, tăng hấp thu các axit amin vào trong mô cơ, phát triển cơ bắp, tăng cân. Nandrolon phenylpropionat được chỉ định dùng cho các trường hợp sụt cân, mất sức trong các trường hợp ốm nặng theo chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên lạm dụng sẽ gây dậy thì sớm ở trẻ và gây ra các rối loạn sinh lý trong cơ thể. Nandrolon phenylpropionat chống chỉ định cho trẻ dưới 15 tuổi.