Cụ ông Trần Văn Mười 98 tuổi, Thạnh Trị - Sóc Trăng nhập viện ngày 4/8/2019. Trước đó ít giờ ông Mười té, sau tai nạn đau khớp háng trái nhiều nên nhập viện. Bệnh nhân than đau nhiều vùng xương gãy và dựa vào các xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán gãy phức tạp liên mấu chuyển xương đùi trái có bệnh lý phối hợp hẹp van động mạch chủ - thiếu máu cơ tim – hở van 3 lá nặng – tăng áp động mạch phổi.
Giải pháp đưa ra là phải phẫu thuật tuy nhiên, do bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý tim mạch nặng đi kèm nên bệnh viện thực hiện hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa: chấn thương chỉnh hình, tim mạch, hô hấp, gây mê hồi sức. Sau hội chẩn và giải thích, gia đình ông Mười đồng ý phẫu thuật.
Ê kíp phẫu thuật gồm ThS BS Nguyễn Văn Hết, BS CK II Nguyễn Hoàng Thuận, BS CK I. Dương Khải, Khoa chấn thương chỉnh hình – BS CK II Thái Đắc Vinh, phó Khoa gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định và đã rút nội khí quản.
Sáng 8/8/2019, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ vùng đùi trái khô, không đau, cử động 2 chân tốt, bàn chân trái hồng ấm.
Đến sáng nay, 8/8/2019, sức khỏe ông Mười đã hồi phục tốt
Theo BS CK II Huỳnh Thống Em, Trưởng Khoa ngoại chấn thương - chỉnh hình BVĐK Trung ương Cần Thơ hệ thống xương khớp của người lớn tuổi (trên 70 tuổi) rất yếu và giòn nên nhiều người dù té nhẹ vẫn bị gãy xương khớp háng. Đa số người bệnh bị tai nạn do té trong nhà tắm, khi đi lại trong nhà, đặc biệt là những nhà có nền gạch trơn rất nguy hiểm cho người lớn tuổi.
Khi gãy xương khớp háng, trường hợp nặng xương khớp di lệch nhiều gây đau đớn dữ dội cho người bệnh và phải đi cấp cứu ngay. Nhẹ hơn thì khớp háng bị rạn nứt, hoặc gãy cài với nhau, người bệnh có đau nhưng vẫn có thể nhúc nhích được nên người nhà và người bệnh không biết bị gãy xương nên không đưa đi khám.
Chỉ đến khi người bệnh đau kéo dài nhiều ngày, có biến chứng do nằm lâu mới đưa vào viện thì đã muộn. Vẫn còn người quan niệm với người trên 80 tuổi không nên mổ vì mổ sẽ tử vong nên người nhà để người bệnh ở nhà điều trị bằng cách đắp lá cây, bó thuốc nam vào vùng bị đau.
Tuy nhiên, bệnh không hết đau và phải nằm một chỗ không đi được, dẫn đến bị nhiễm trùng chỗ đắp, loét vùng tì đè, viêm phổi do nằm lâu ngày. Khi đến bệnh viện điều trị thì đã muộn
Ngoài ra, vẫn còn người bệnh ở vùng sâu vùng xa bị gãy khớp háng, người nhà thiếu thông tin nên không đưa người bệnh đi khám bệnh kịp thời phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân.
BS CK II Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa gây mê hồi sức, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, trước đây, gãy khớp háng ở người lớn tuổi là thách thức đối với các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê vì người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm nhất là bệnh tim mạch và hô hấp, khả năng chịu đựng đau kém, dễ lở loét nhiễm trùng, viêm phổi, thuyên tắc phổi do nằm lâu, nguy cơ tử vong cao nên các bác sĩ thường muốn “rút lui”, chọn cách an toàn là điều trị bảo tồn bằng cố định và thuốc.
Trước thực tế nhiều người lớn tuổi bị gãy khớp háng, nếu không mổ, không được vận động sẽ lở loét vùng cùng cụt, viêm phổi do ứ đọng, nằm lâu, nhiễm trùng đường tiểu nên bệnh viện quyết tâm phải mổ cho bệnh nhân cao tuổi.
Y học phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực gây mê hồi sức, điều trị nội khoa, thiết bị chẩn đoán, phương pháp phẫu thuật.. ..nên thời gian qua, BVĐK Trung ương Cần Thơ đã thực hiện phẫu thuật thay khớp háng thành công nhiều trường hợp bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên (chỉ riêng từ tháng 6 /2019 đến nay có trên 15 trường hợp hơn 80 tuổi được thay khớp háng thành công ).
Ngoài ra để thành công còn sự phối hợp giữa các chuyên khoa trong đánh giá nguy cơ phẫu thuật và công tác tư vấn giải thích cho gia đình.