Có cần sử dụng kháng sinh khi bị chắp mắt?

01-03-2015 12:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Chắp là một u hạt xuất phát từ tuyến của sụn mi bị bít tắc. Chất bã ứ đọng xâm nhập các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính. Chắp rất thường gặp và có nhiều dạng.

Cháu rất hay bị chắp ở mắt và hiện tượng chắp thi thoảng lại xuất hiện. Không biết chắp mắt có nguy hiểm không và điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

Vũ Thu Hà (Nghệ An)

Chắp mắt là một u hạt xuất phát từ tuyến của sụn mi bị bít tắc. Chất bã ứ đọng xâm nhập các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính. Chắp rất thường gặp và có nhiều dạng. Chắp bên ngoài là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu. Chắp bên trong thường kín đáo hơn, nằm ở mặt trong của mi mắt, tức là phần kết mạc của mi, khi lật mi ra chúng ta có thể nhìn thấy được, trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của chắp. Nhiều trường hợp đa chắp, tức là có nhiều đầu chắp trên một mi hay cả hai mi, thậm chí hai mắt. Khi bị chắp, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: sưng, đau, đỏ, khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi mắt; sau vài ngày chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau, lớn dần trên mi mắt thành một khối màu đỏ, xám dưới kết mạc. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài tháng.  Chắp có thể khởi phát cấp tính hoặc âm ỉ. Hầu hết chắp đều vô khuẩn, do đó dùng kháng sinh không có giá trị gì. Điều trị chắp có thể dùng biện pháp chườm nóng nhằm giảm đau với các tổn thương sớm. Sử dụng corticoid, chích chắp đối với chắp to hoặc chắp dai dẳng (có chỉ định của bác sĩ điều trị) hoặc kết hợp cả hai phương pháp.

BS. Hoàng Anh


Ý kiến của bạn