1. Suy gan… do thuốc bổ gan
Bà Nguyễn Thị V. (Hà Nội) uống thuốc trị đái tháo đường hơn 1 năm nay. Sau khi uống thuốc một thời gian, nghe nói uống nhiều thuốc này sẽ bị hại gan, nên đã tìm mua các thuốc bổ gan về uống. Được một thời gian, bà thấy mệt, khó chịu, buồn nôn, mẩn ngứa… Sau khi vào viện thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bà V. bị suy gan do uống thuốc thải độc gan.
Một trường hợp khác ông Trần Đức H. (Hà Nam) đã uống các loại thuốc lá mong giải độc gan sau khi uống nhiều thuốc trị đái tháo đường. Nhưng bổ đâu không thấy, ông H. phải nhập viện do viêm gan.
TS. BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường phải vào viện cấp cứu vì suy gan, suy thận do uống thuốc bổ gan khi không được chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân là do, bệnh nhân được tuyên truyền là uống nhiều thuốc tây hại gan, hại thận nên dùng thêm thuốc nam, cao lá, hoàn tán... để điều trị đái tháo đường hay để "mát gan, bổ thận".
Tuy nhiên, đây là sai lầm gây nguy hiểm cho những bệnh nhân đái tháo đường. Việc dùng các thuốc thải độc gan kéo dài, liều cao và không đúng bệnh có thể vô tình làm nguy hại đến gan.
2. Người bệnh đái tháo đường có nên uống thuốc bổ gan?
TS. BS. Nguyễn Quang Bảy cho biết, điều cần thiết với bệnh nhân đái tháo đường là phải dùng các thuốc hạ đường huyết, hạ huyết áp hay mỡ máu... theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Việc dùng thuốc không đúng bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
Thực tế, tự dùng các thuốc "bổ gan" có thể thành "đại hại" cho người bệnh. Vì các thuốc đái tháo đường, huyết áp hay mỡ máu... khi đã được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép cho lưu hành trên thị trường đều đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt chứng minh tính an toàn. Do đó, nguy cơ bị tác dụng phụ trên gan là cực thấp nên sẽ không cần uống thuốc "bổ gan".
Một nghiên cứu trên 180.000 bệnh nhân, điều trị thuốc mỡ máu statin trong vòng 3 năm thấy chỉ có 300 người bị tăng men gan nhẹ (ở mức dưới 3 lần bình thường) trong khi đó ở nhóm so sánh, không dùng thuốc gì, cũng có 200 người bị tăng men gan.
Khi tăng men gan cần trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc phù hợp:
- Với trường hợp bị tăng men gan do tác dụng phụ của thuốc đái tháo đường, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Có thể chỉ cần ngừng thuốc, men gan sẽ tự trở về bình thường. Người bệnh tuyệt đối, không được tự ý dùng thuốc bổ gan, mát gan mà có thể gây gánh nặng thêm cho gan.
- Với những bệnh nhân đái tháo đường có tăng men gan do gan nhiễm mỡ không do rượu, có thể dùng statin kết hợp với kiểm soát tốt cân nặng, đường huyết... Các thuốc này có tác dụng làm giảm men gan rất hiệu quả mà không cần uống thuốc bổ gan.
- Với một số bệnh nhân đái tháo đường có tăng men gan do viêm gan virus, nếu chỉ dùng thuốc "bổ gan" mà không tập trung vào chữa viêm gan virus thì men gan không những không giảm mà có thể làm trầm trọng thêm bệnh gan.
TS. BS. Nguyễn Quang Bảy nhấn mạnh, bệnh nhân tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc bổ gan vì có thể bị tăng men gan, viêm gan do chính các loại thuốc "bổ gan" không rõ nguồn gốc. Chưa kể đến việc, các thuốc được quảng cáo là "bổ gan" thường khá đắt tiền, mà tác dụng lại chưa được chứng minh rõ ràng.
3. Làm thế nào giảm các tác dụng phụ do thuốc đái tháo đường?
Để giảm các tác dụng phụ của thuốc đái tháo đường lên gan, TS. BS. Nguyễn Quang Bảy khuyên:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm liều khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp.
- Khi có các triệu chứng bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Kiểm soát tình trạng máu nhiễm mỡ ở người đái tháo đường