Giải pháp công trình phòng tránh lũ quét
TS Vũ Bá Thao, Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, lũ bùn đá là một dạng lũ quét kèm theo hàm lượng lớn chất rắn như đất - đá - gỗ, thường xảy ra ở các khe, suối cấp một thuộc khu vực miền núi.
Khác với loại lũ nước trên sông, suối miền núi, lũ bùn đá có hàm lượng chất rắn lớn là tác nhân chính tạo nên sức tàn phá khủng khiếp đối với cơ sở hạ tầng, đất canh tác, người, động thực vật và tài sản. Do các hoạt động thiếu bền vững của con người như: làm đường, xây nhà, khai thác mỏ, chặt phá rừng cũng như sự thay đổi cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu tạo nên mưa lớn, mưa tập trung, lũ bùn đá xảy ra ở Việt Nam với tần suất và cường độ ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Nhóm giải pháp phòng tránh phát sinh lũ bùn gồm các biện pháp công trình chỉnh trị mái dốc, công trình chỉnh trị lòng dẫn, công trình chỉnh trị bãi, các biện pháp quản lý hành chính và pháp lệnh, để tiến hành chỉnh trị tổng hợp lưu vực, kiểm soát đất và nước, cải thiện môi trường, nhằm phòng tránh phát sinh lũ bùn đá.
Đối với giải pháp công trình, trong khu vực sinh lũ lấy việc khống chế sản sinh bùn đá làm chủ đạo, ngăn cản bùn đá dịch chuyển. Cần làm là khôi phục thảm phủ, trồng rừng với nhiều tầng lớp chủng loại cây khác nhau, làm rãnh thoát nước mặt, xây đập chắn bùn đá (dạng đập dâng bằng bê tông có khe hoặc lỗ hở) ở các khe suối, đê dẫn dòng, bảo vệ mái dốc, bảo vệ lòng dẫn…). Ở khu vực dịch chuyển lấy việc dẫn dòng làm chủ đạo, đảm bảo đường thoát lũ thuận lợi. Tại vị trí địa hình thuận lợi, sử dụng giải pháp đập ngăn bùn đá, cát nhằm giảm bùn đá, giảm thế năng, kiểm soát lưu lượng nước và bùn đá.
Trong các loại giải pháp công trình thì đập chắn bùn đá đóng vai trò quan trọng và được sử dụng phổ biến nhất. Tùy thuộc vào diện tích, quy mô, đặc tính dòng lũ bùn đá sẽ áp dụng các giải pháp khác nhau.
Tuy nhiên, một giải pháp công trình đơn lẻ không thể phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai lũ bùn đá một cách hiệu quả cho một khu vực bị lũ bùn đá. Các công trình nghiên cứu tại Việt Nam về lũ quét, lũ bùn đá đã đạt được những thành tựu đáng kể như: điều tra phân tích nguyên nhân hình thành, cơ chế vận động; lập bản đồ phân vùng thiên tai lũ quét, sạt lở đất; áp dụng một số hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ quét trên sông miền núi. Tuy vậy, các giải pháp công trình phòng trị lũ bùn đá chưa được nghiên cứu đầy đủ và áp dụng.
Thiết lập cơ chế cảnh báo sớm
Ông Yasuhiro Taraka, Chuyên gia Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế (JICA), Cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản cho biết, Nhật Bản là quốc gia có độ dốc lớn nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất. Vấn đề là rất khó nhận biết khi nào và ở đâu có thể xảy ra sạt lở đất. Bởi vì có nhiều yếu tố gây ra sạt lở đất. Hình thái này phụ thuộc vào sự phân bổ mưa tại thời điểm đó và đặc điểm địa chất của từng vùng.
"Tại Nhật Bản, chúng tôi dựa trên 3 yếu tố để đưa ra cảnh báo sạt lở đất. Đầu tiên là vấn đề sử dụng đất, tìm hiểu xem lượng mưa tại các vùng như thế nào sau đó chia thành các vùng, trong đó, vùng đỏ là vùng mưa nhiều, có nguy cơ sạt lở cao" - ông Taraka nói.
Theo đó với những vùng an toàn, địa phương có thể cho người dân sống tại đó. Tuy nhiên, tại vùng nguy cơ cao, chính quyền địa phương sẽ có thông báo và kế hoạch di dời người dân khi có khả năng xảy ra sạt lở. Mỗi hộ gia đình cần biết rõ họ nằm ở vùng nào, vùng đỏ là nguy hiểm, vùng vàng là cận nguy hiểm.
Thứ hai là Nhật Bản xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Các trạm quan trắc lượng mưa được xây dựng nhiều đo được lượng mưa hàng giờ. Các trung tâm thủy văn có những máy tính rất tốt để tính toán lượng mưa lũy tích và dựa trên đó họ ban hành các dự báo, cảnh báo. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000m2. Người dân trong phạm vi này sẽ được thông báo để di chuyển tới nơi an toàn. Cuối cùng, Nhật Bản chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa sạt lở đất. "Chúng tôi sẽ dựa vào bản đồ cảnh báo nguy cơ để xây dựng các công trình. Ví dụ như nổi tiếng nhất là đập Saboo để ngăn chặn bùn, đá. Ở Nhật cũng có các biện pháp tản lượng nước mưa đổ xuống dưới để ngăn nước mưa không tràn xuống các sông gây lũ" - ông Taraka cho hay.
Nhật Bản khoanh vùng rủi ro thiên tai. Sau khi phân vùng, Nhật Bản xây dựng hệ thống cảnh báo về lũ quét và hệ thống công trình ngăn chặn đất đá tại các khu vực đó.Sau khi hết mùa mưa, cơ quan chức năng sẽ nạo vét đất đá do sạt lở. Ngoài ra, tại các đỉnh núi ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, Nhật Bản đặt các sợi dây khi đất đá rơi từ đỉnh núi làm đứt các sợi dây, hệ thống loa tự động sẽ phát ra cảnh báo tới người dân sinh sống ở dưới chân núi.
Chỉ rõ để người dân phòng tránh
GS Trần Thục, Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết, đối với khu vực nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam, hệ thống khí quyển bị chi phối bởi các nhiễu động có quy mô không gian và thời gian nhỏ, vì thế một nhiễu động đối lưu nhỏ hoặc sai lệch về tâm hội tụ ẩm cũng có thể dẫn đến sai số lớn trong kết quả dự báo. Với tác động của biến đổi khí hậu thì thời tiết đã, đang và chắc chắn sẽ có những thay đổi theo hướng bất lợi, các cực đoan thời tiết, khí hậu sẽ gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất. Vì thế, công tác dự báo đối với ngành khí tượng thủy văn cần phải tăng cường hơn nữa. Cùng với các bản tin dự báo các yếu tố khí tượng thủy văn, cần có cảnh báo về rủi ro mà các hiện tượng thời tiết này có thể gây ra, ảnh hưởng thế nào đến người dân một cách cụ thể.
Lấy một ví dụ: Dự báo lũ cấp báo động 3 trên một sông nào đó, nên kèm theo thông tin cảnh báo là khu vực nào có thể bị ngập và rủi ro về tổn thất và thiệt hại có thể có. Điều này sẽ giúp người dân biết được rủi ro đối với chính mình để quyết định sơ tán hay có các biện pháp phòng chống phù hợp; đồng thời giúp cho chính quyền địa phương có kế hoạch sơ tán dân hay hỗ trợ người dân để tránh những thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.
Cụ thể là cùng với bản tin dự báo, cần cảnh báo được cho người dân biết thêm mức độ rủi ro như thế nào. Ví dụ, dự báo bão vào một khu vực nào đó thì cần thêm thông tin về khả năng xảy ra và mức độ tác động đối với khu vực đó. Điều này sẽ giúp người dân lường trước và chủ động được việc phòng tránh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 2/10: Toàn cảnh vụ thuyền viên tàu Trung Quốc ngộ độc, báo cáo khẩn xin ý kiến Thủ tướng | SKĐS