Cô bé nhìn mưa là một lịch sử không ồn ào
Là người đóng góp rất lớn cho ngành khoa học Văn học, đặc biệt là chuyên ngành Văn học Pháp, nhưng với Cô bé nhìn mưa (xuất bản lần đầu năm 2008), tác giả Đặng Thị Hạnh đã khẳng định mình với tư cách một người sáng tạo văn chương.
Cô bé nhìn mưa là thiên hồi ức về một gia đình trí thức lớn trong bối cảnh những biến động của lịch sử Việt Nam gần suốt thế kỷ XX: Hồi ức về quê nội trên rừng và quê ngoại dưới biển. Đó còn là hồi ức về người cha, một học giả uyên bác và người mẹ, một phụ nữ dịu dàng tần tảo. Hồi ức về những người thân yêu in dấu sâu đậm suốt tuổi thơ, về các chị em ruột thịt và gia đình riêng, về bạn bè và đồng nghiệp. Đó cũng là hồi ức về cách mạng và kháng chiến, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (anh rể tác giả), về những người lính trẻ đã ra đi không trở lại.
Đặng Thị Hạnh như tách ra làm đôi, một bên là dành cho ghi chép hiện thực, một bên là để chiêm nghiệm, suy ngẫm, nhất là số lượng trang không nhỏ kể về thế giới sách vở vô cùng ấn tượng. Hơn nữa, tác giả là người có tâm hồn biết cảm nhận và lưu giữ những ấn tượng bình thường của cuộc sống ngay từ nhỏ, biết kết hợp khéo léo khả năng phân tích của tư duy phương Tây và dòng cảm xúc liên tưởng của phương Đông.
Bởi thế, đọc hồi ký của Đặng Thị Hạnh, không chỉ là đọc đời tư của một cá nhân, một con người rất cụ thể, mà là đọc về một thế hệ xưa để biết, để hiểu, ngoài ra còn là lắng nghe tiếng nói của một trí thức uyên bác về chính những hồi ức ấy.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng gọi Cô bé nhìn mưa là một lịch sử không ồn ào, bởi tác giả viết, cũng là đối thoại với chính mình, về cuộc đời. Đáng nói, Cô bé nhìn mưa được viết khi tác giả 78 tuổi - kí ức của một con người đi xuyên thế kỷ, có nét từng trải, sâu sắc, lịch lãm, am hiểu lẽ đời, lại vừa mang âm hưởng tươi vui hóm hỉnh của "cô bé nhìn mưa" bên cửa sổ làng Quỳnh năm nào.
"Tôi tin những hồi ức này hơn là những cái được gọi là chính sử nằm trong các thư viện to tát và do những chuyên gia trịnh trọng chủ biên. Một lịch sử khác của thời chúng ta, không ồn ào, mà vô cùng chân thật. Để ta gỡ bỏ đi những gì đã bị áp đặt và tô vẽ lên lịch sử, vì những mục đích nào đó. Để ta thật sự hiểu con người của chúng ta, nhân dân vĩ đại mà cũng giản dị vô cùng của chúng ta", nhà văn Nguyên Ngọc cho biết.
Tác giả Đặng Thị Hạnh đã viết Cô bé nhìn mưa thế nào?
Kể về hành trình có Cô bé nhìn mưa, tác giả Đặng Thị Hạnh chia sẻ không viết được liền một mạch, khi ấy bà đã ở ngưỡng 80 tuổi. Cuốn sách năm 2008 mới xuất bản, nhưng từ lâu, bà đã muốn viết một cáí gì đó về thời thơ ấu, có lẽ vì từ nhỏ đã đọc quá nhiều tiểu thuyết. "Biết rõ mình không được trời phú cho khả năng hư cấu, cái chỉ được ban cho những con người đặc biệt, tôi tự bằng lòng với những bài viết ngắn ghi lại những ký ức nho nhỏ nhưng thật khó quên", bà Đặng Thị Hạnh chia sẻ.
Từ bài viết đầu tiên cho đến năm 2007, là năm tôi thực sự bắt tay vào viết cuốn hồi ức, tôi luôn đinh ninh rằng tất cả chất liệu cuốn sách đơn giản rút ra từ những ký ức in trong trí nhớ của tôi, từ những ngôi nhà, những khu vườn đến những con người tôi gặp trên con đường của đời tôi, có những người tôi chỉ gặp thoáng qua, hoặc cùng làm việc trong một thờì gian ngắn mà ấn tượng vẫn khó quên.
Tôi biết trí nhớ qua thời gian cũng có khi sai, nhưng khi tôi miêu tả ai đó hay cảnh vật nào đó, tôi thấy cảnh và người như còn trước mắt tôi, những giọt mưa rơi đuổi nhau trên sân nhà ông ngoại, mùi lá sen khô vào mùa thu trong khu vườn làng Yên Lộ, khi hoa đã tàn.
Vào lúc viết tôi nghĩ chẳng có gì khác xen vào, trừ những cuốn sách tôi phải đọc thêm về ông nội, ông ngoại tôi - tôi khám phá ra rằng thực ra hai cụ không những chỉ là những nhà nho uyên bác và yêu nước mà còn có tính cách rất độc đáo, ngộ nghĩnh, tác giả Đặng Thị Hạnh hồi tưởng.
Đọc tác phẩm ta vẫn thấy, tràn ngập trong cuốn sách, bên cạnh một con người từng trải, sâu sắc, lịch lãm, am hiểu lẽ đời - còn có một tâm hồn trẻ trung, một kiểu biểu hiện chất thơ, điều ít thấy xuất hiện trong loại sách hồi kí truyền thống. Điểm đặc biệt khác nằm ngay trong cấu trúc tác phẩm. Nhìn bên ngoài, tưởng như Cô bé nhìn mưa vẫn lựa chọn cách kể tuyến tính thông thường. Nhưng xem kĩ mới thấy, cấu trúc cuốn sách linh hoạt, uyển chuyển, biến hóa hơn rất nhiều.
TS văn học, dịch giả Trần Hinh, nguyên Giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội