Cha mẹ mất từ thưở ấu thơ, Phượng vượt qua bao khó khăn để trở thành thủ khoa Đại học Phạm Văn Đồng với số điểm 27.
Những ngày qua, căn nhà lụp xụp của ông Nguyễn Tào (76 tuổi) ở thị trấn Trà Xuân, huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi) lúc nào cũng đông người đến chia vui. Cháu nội của ông, Nguyễn Thị Bích Phượng vừa đỗ thủ khoa khối C trường Đại học Phạm Văn Đồng với 27 điểm (Văn 8, Sử 9,5, Địa 9,5 điểm).
Lúc hay tin cháu đỗ thủ khoa, ông Tào mừng mà giàn giụa nước mắt vì tủi thân cho cháu gái nghèo sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ. Giọng ngậm ngùi, ông kể, Phượng còn có một người anh. Khi em vừa lên lớp 8 thì mẹ mất vì bệnh ung thư, ba năm sau thì cha lìa đời vì bệnh tim. Để có tiền nuôi cháu ăn học, ông đi làm thuê, lúc thì lên rẫy phát keo, khi làm cỏ mì, gặt lúa cho người dân địa phương.
Hai anh em Phượng lớn lên trong tình thương của ông nội và bà con lối xóm. Ba ông cháu đùm bọc lẫn nhau trong căn nhà thấp tè trong con hẻm nhỏ ở khu dân cư số 4, thị trấn Trà Xuân vỏn vẹn 50 m2, mùa hè thì nắng rọi oi bức, mưa thì thấm dột khắp nơi. Tài sản quí giá nhất trong ngôi nhà chật hẹp ấy là hàng chục giấy khen của Phượng treo dày kín trên tường.
"Ba mẹ đột ngột qua đời, chúng nó ở với tôi chịu nhiều thiếu thốn, cơ cực. Ngoài giờ học bọn trẻ theo tôi đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Giờ cháu đỗ đại học, chưa kịp mừng thì lòng tôi trĩu nặng âu lo, không biết lấy tiền đâu cho cháu nhập học những ngày tới", ông Tào nói đầy xót xa.
Run run cầm nén hương thắp lên bàn thờ cha mẹ, Phượng đỏ hoe mắt thì thầm báo với đấng sinh thành tin vui đỗ thủ khoa đại học. "Cuộc sống nhọc nhằn, nỗi đau mất mẹ cha quá lớn khiến em tưởng chừng không thể tiếp bước đến trường. Nhờ ông nội, hàng xóm cùng thầy cô, bạn bè khích lệ giúp em có nghị lực vượt qua mất mát, bất hạnh", Phượng thổ lộ. Suốt mười mấy năm học, Phượng đều đạt thành tích học sinh xuất sắc, nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ của trường. Năm lớp 12, cô học trò nghèo đạt giải ba môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; điểm trung bình năm học 8,8.
Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Phượng bảo thích nhất là câu nghị luận xã hội trong đề Văn: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Cô học trò nghèo này cho rằng, một khi trải nghiệm cuộc sống đến tận cùng bất hạnh thì có thể thấm thía về giá trị tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua khốn cùng. Đó là điều quí giá mà cô được nhận.
Ấn tượng với giờ giảng nhân văn, vị tha của cô giáo dạy Văn năm lớp 9, Phượng khát khao đỗ vào đại học ngành Sư phạm Ngữ Văn, trở thành nhà giáo chuẩn mực đứng trên bục giảng về giá trị "chân, thiện, mỹ" đến với học trò những miền quê nghèo. Phượng từng ao ước thi vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng, song nghĩ lại đi học xa vừa tốn kém nhiều tiền vừa không gần gũi chăm sóc được ông nội, cô quyết định thi vào trường TP Quảng Ngãi gần quê nhà.
"Vào đại học, em sẽ cố gắng nỗ lực học giỏi để có học bổng, sau đó kết hợp đi dạy thêm, làm thuê kiếm tiền xoay xở để thực hiện ước mơ của mình. Cuối mỗi tuần về thăm, chăm sóc ông nội tuổi nay đã già", Phượng tự tin nói.
Nói về tân thủ khoa này, thầy giáo Đỗ Ngọc Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng đầy phấn khởi. Ông cho biết Phượng là học sinh hiền lành, năng động, có kỹ năng hùng biện tốt. Cô là tấm gương sáng về nghị lực vượt qua số phận vươn lên học học để thế hệ đàn em của trường noi theo.