Hà Nội

Có bảo vệ được di tích cầu Long Biên?

27-02-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục rộ lên những luồng dư luận phản đối mạnh mẽ các dự án phát triển giao thông xâm hại các giá trị lịch sử...

Trong những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục rộ lên những luồng dư luận phản đối mạnh mẽ các dự án phát triển giao thông xâm hại các giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của  đất Thăng Long ngàn năm văn vật như các dự án xây đường hầm ngầm qua đáy Hồ Tây, xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc và gần đây là dự án di dời cầu Long Biên khỏi vị trí cũ để xây cầu mới. Dư luận bức xúc cho rằng các dự án kiểu này có căn nguyên từ thái độ thực dụng phản văn hóa, đặt những giá trị lịch sử văn hóa tâm linh vô giá của Thủ đô dưới lợi ích của một nhóm, một ngành.

Định hướng một đằng, thực hiện một nẻo

Trong kỳ họp tháng 7/2012, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã thông qua Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, du lịch Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn, hấp dẫn của cả nước và khu vực. Quy hoạch phát triển này cũng khẳng định rõ, vành đai sông Hồng sẽ trở thành điểm đến quan trọng của khách du lịch với sản phẩm chính là du lịch văn hóa, tâm linh.

Cầu Long Biên trong ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Léon Busy, chụp vào khoảng năm 1915-1920.

Cầu Long Biên trong ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Léon Busy, chụp vào khoảng năm 1915-1920.

Với tư duy của người bình thường, ai cũng thấy theo định hướng này thì cầu Long Biên sẽ được coi là một sản phẩm du lịch quan trọng, hấp dẫn và có giá trị lịch sử, văn hóa như tháp Eiffel của Paris vì cây cầu có cấu trúc độc đáo, có qui mô lớn nhất thế kỷ (dài 1.862m với 18 nhịp, 20 trụ đỡ cao hơn 20m) và có lịch sử oai hùng này đã được thế giới đánh giá cao, coi như Tháp Nghiêng của Ý và Kim tự tháp của Ai Cập. Mặt khác, cầu Long Biên cũng gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội trong một thế kỷ qua, có vai trò lớn trong phát triển đô thị và kiến tạo đô thị. Năm 1945, nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp Pino đã thống kê được sự tăng đột biến dân số Hà Nội thêm 1,2 vạn sau khi cầu Long Biên được xây dựng. Nếu tổ chức tour du lịch trên cầu Long Biên có thể kết nối đến các phố liên quan đến cây cầu như làng Hòe Thị là nơi ngày xưa các thợ rèn đã làm hệ thống lan can của cây cầu này, hay phố Lò Rèn là nơi những người thợ này tụ họp lại và lập nghiệp...

Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hồng Thục, tại Hội thảo quốc tế về chủ đề cầu và các công trình nghệ thuật bằng kim loại: di sản, biểu tượng và sử dụng do Chính phủ Pháp và Tổ chức Di sản không biên giới tổ chức tại Pháp năm 2001, cầu Long Biên đã được tôn vinh. Sau đó, có đến 34 báo đài của nước Pháp đã đồng loạt đưa tin khẳng định cầu Long Biên là biểu tượng văn hóa và phát triển công nghệ ở tầm quốc tế. Vì thế, từ 10 năm nay, Chính phủ Pháp đã đề xuất tài trợ 60 triệu euro để cải tạo nguyên trạng cây cầu Long Biên thành Di tích văn hóa - lịch sử của Hà Nội. Nhưng Bộ GTVT chỉ muốn sử dụng cầu Long Biên như một cây cầu giao thông công dụng nên đã bỏ qua đề xuất của Chính phủ Pháp.

Dư luận cho rằng, ý đồ phá hủy cầu Long Biên để bán sắt vụn vẫn len lỏi mai phục từ nhiều năm nay để chờ cơ hội thực hiện, bất chấp những thiện chí bảo tồn của Chính phủ Pháp và bất chấp những định hướng trong quy hoạch phát triển du lịch đã được Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thông qua.

3 giải pháp kỳ khôi

Bộ GTVT vừa đưa ra ba giải pháp mới cho việc xử lý cầu Long Biên để dung hòa giữa mục đích riêng của họ với những yêu cầu chính đáng về việc bảo tồn. Cụ thể:

Phương án 1: Phục chế cầu và đặt ra vị trí khác. Phương án này đã bị nhiều nhà chuyên môn phản đối, coi là phá hủy đồ cổ thật để làm đồ giả cổ, vì không thể bứng cây cầu lịch sử ra khỏi vị trí ban đầu của nó để phục chế.

Phương án 2: Làm cầu mới theo mẫu cũ, đặt tại vị trí cũ để đáp ứng nhiệm vụ vận tải như một cây cầu mới. Phương án này cũng bị phản đối vì sẽ làm biến tướng những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa. KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Ngoài việc đổ lên đầu cây cầu quá nhiều nhiệm vụ vận tải, tôi còn thấy buồn cười vì ý tưởng xây cầu mới giống hệt cũ... Như thế khác gì phá cũ đi để xây một mô hình khác, rồi lại đi tôn vinh mô hình mới”.

Phương án 3: Giữ lại một nửa cây cầu cũ để bảo tồn, xây thêm nửa mới để phục vụ giao thông. Phương án cấy ghép kiểu mặc áo the thắt caravat này cũng bị phản đối, vì phần làm mới không giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.

KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng: “Khó có thể hình dung cầu Long Biên có được vẻ đẹp như nó vốn có nếu xây xung quanh tới hai, ba cây cầu hiện đại, che khuất vẻ thanh nhã và êm đềm mà nó mang lại cho cảnh quan khu vực nhạy cảm này”.

KTS Nguyễn Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bảo tồn phát triển cầu Long Biên cho rằng: “Bộ GTVT đã có được nguồn vốn ODA của Nhật Bản để xây dựng mới cây cầu đường sắt, cách cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu sông Hồng. Có lẽ Bộ GTVT muốn tháo dỡ cầu Long Biên để sử dụng chính trục cầu cũ cho việc xây cầu mới, tránh phải chi khoản kinh phí giải tỏa mặt bằng để chi vào việc khác?”. Theo bà, có thể biến cầu Long Biên thành một bảo tàng ký ức bằng cách giữ nguyên 9 nhịp cầu nguyên thủy và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán ri-vê để triển lãm 2 đầu tàu hơi nước, biến những toa xe tàu cũ thành các quán cà phê và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong veo để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới. Đồng thời, đúc mới 10 nhịp cầu đã bị phá bởi chiến tranh để làm một “Bảo tàng Ký ức Cầu Long Biên” bằng kính dựa trên khung thép của cầu Long Biên nguyên thủy và dùng năng lượng xanh từ mặt trời, từ gió và dòng sông. Để hiện thực hóa dự án này, kinh phí sẽ không quá 2.500 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ODA Chính phủ Pháp hoặc từ tổ hợp đầu tư Pháp - Việt, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện tối đa là 3 năm và có thể bắt đầu cải tạo ngay cả khi tàu hỏa và xe máy chưa được chuyển sang cầu khác.    

  Vân Thanh

 


Ý kiến của bạn