Hà Nội

Có bao nhiêu đàn ông đang... “khổ” ?

23-02-2015 09:57 | Giới tính
google news

Các nhà chuyên môn phát hiện ra rằng đàn ông bị tiểu đường thường bị rối loạn cương gấp 3 lần so với những người không bị bệnh này.

Hiện nay, mặc du y học đã hiểu biết khá nhiều về mối liên hệ giữa chứng rối loạn cương (RLC) với bệnh tiểu đường, vẫn còn nhiều người, kể cả bác sĩ và bệnh nhân, tránh né bàn luận về vấn đề này. Giới chuyên môn cũng chưa được huấn luyện nhiều và bệnh thường bị bỏ qua hoặc không được quan tâm chữa trị đúng mức.

Tại sao đàn ông RLC?

Ở các nước Phương Đông, thường người bệnh đi tìm các loại đông dược và các loại thực phẩm theo kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, hiện nay đã có rất nhiều loại thuốc Tây y có khả năng điều trị tốt, như Viagra, Levitra và Cialis .

 

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: T. Thạnh

Trong các nguyên nhân thường gặp của tình trạng rối RLC, bệnh tiểu đường type 2 là một trong những nguyên nhân thực thể hay gặp nhất. Với số lượng bệnh nhân khá nhiều, chiếm từ 2,5-5% dân số Việt Nam, tiểu đường là một bệnh đáng lo ngại cho nền y tế cũng như cho mỗi gia đình và biến chứng quan trọng của nó là tình trạng RLC ngày càng gây nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc sống và hạnh phúc gia đình.

Tình trạng cương dương được duy trì bởi việc máu đổ đầy các khoảng trống trong thể hang từ các động mạch. Những kích thích về thần kinh và giới tính tại chỗ sẽ làm gia tăng tình trạng tiết một chất hoá học là Nitric oxide từ dây thần kinh của thể hang và các tế bào nội mạch. Chất này ức chế hệ thần kinh giao cảm và kích thích hệ phó giao cảm để làm gia tăng lượng máu đến thể hang đồng thời làm cản trở dòng máu trở về bằng đường tĩnh mạch. Khi đó thể tích của dương vật tăng lên, tạo ra tình trạng cương.

Trong số các bệnh lý như xơ vữa động mạch, hội chứng cường giáp, cao huyết áp, hút thuốc lá và uống nhiều rượu…thì bệnh tiểu đường type 2 ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng cương do nhiều nguyên nhân. Tiểu đường còn làm giảm đáp ứng của các mạch máu trong thể hang. Ngoài ra, các rối loạn về tâm thần kinh thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường như hiện tượng kích động, lo lắng quá mức, trầm cảm… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng cuơng. Và còn phải kể đến một số yếu tố tâm lý khác như mặc cảm yếu kém ở đàn ông, cơ thể suy nhược, stress, tình trạng nhàm chán trong sinh hoạt tình dục...

“Bạn chí cốt” của RLC

Trên thế giới, theo những thống kê không đầy đủ, hiện có khoảng 800 triệu đàn ông trên 40 tuổi bị RLC. Con số khổng lồ này trở thành một thị trường rất béo bở cho các hãng dược phẩm. Từ khi phát hiện ra tác dụng điều trị RLC của Viagra thì giá cổ phiếu của hãng dược phẩm Pfizer đã tăng chóng mặt, từ vị trí thứ 4 đã nhảy vọt lên vị trí hàng đầu thế giới về kinh doanh dược phẩm.

Riêng về bệnh tiểu đường, theo những thống kê ở nước ngoài thì tình trạng RLC chiếm vào khoảng từ 20-71% số người đàn ông bị bệnh này. Các nhà chuyên môn phát hiện những người bị tiểu đường thường bị RLC gấp 3 lần so với những người không bị bệnh.

Tình trạng rối RLC ở những bệnh nhân bị tiểu đường xảy ra ở tuổi trẻ hơn và ngay trong giai đoạn sớm của bệnh. Có tới 56% bệnh nhân tiểu đường bị RLC ngay trong 5 năm đầu tiên của bệnh và có rất nhiều trường hợp RLC là triệu chứng đầu tiên của bệnh tiểu đường. Người bệnh khi đi khám bệnh tại một phòng khám nam khoa, được xét nghiệm về đường máu và đường niệu mới biết mình bị tiểu đường.

Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của tình trạng RLC ở bệnh nhân tiểu đường là tuổi tác của bệnh nhân. Bệnh nhân càng lớn tuổi tình trạng bệnh càng nặng nề. Ở những bệnh nhân tiểu đường trẻ hơn có thể bị RLC khi sử dụng một số loại thuốc trị bệnh như: thuốc chống tăng huyết áp, thuốc tâm thần, thuốc chống co giật, thuốc nội tiết…

Bệnh có dễ chẩn đoán không?

Hoàn toàn không dễ chút nào! Lý do là khi bệnh nhân đến khám tại các phòng khám và bệnh viện, do môi trường quá đông đúc nên người bệnh cũng rất ngại nói ra điều mà họ coi là sức mạnh và niềm tự hào của đàn ông. Trong khi đó, các nhân viên y tế cũng chưa thật quan tâm đến vấn đề này, thậm chí có người còn cho đó là điều “nhảm nhí” không đáng đề ý.

Khi nghi ngờ bệnh nhân bị RLC thì thầy thuốc và người bệnh phải có một cuộc trao đổi thẳng thắn, trong đó có vai trò rất quan trọng của người vợ. Họ phải được tham gia cuộc nói chuyện như một yếu tố quan trọng của quá trình chẩn đoán. Bệnh nhân phải được khám kỹ càng, ngoài các xét nghiệm về đường máu và đường niệu, họ phải được khai thác tiền sử bệnh một cách rõ ràng.

Những khám nghiệm chuyên biệt cần phải được thực hiện bởi những bác sĩ chuyên khoa như: siêu âm doppler để khảo sát tình trạng mạch máu của dương vật; trong một số trường hợp chẩn đoán khó khăn, bệnh nhân phải được chụp động mạch vùng chậu và dương vật với thuốc cản quang, đo kích thước dương vật lúc ngủ… Tuy nhiên, các xét nghiệm này khá đắt tiền và phức tạp.

 

Các loại “thần dược” vẫn là ẩn số

Từ cổ chí kim, tình trạng bất lực hay RLC luôn là đề tài nóng hổi của giới mày râu. Rất nhiều loại thuốc, rượu, thực phẩm cùng nhiều phương pháp chế biến -cả dân gian và chính thống- đã được viết thành sách hoặc truyền miệng nhau. Nhiều loại thú rừng như tê giác, hổ, linh dương, hải cẩu... đã tuyệt diệt hay trên đường tuyệt diệt vì được đồn miệng, rỉ tai nhau là “thần dược giúp đàn ông phục hồi bản lĩnh” và “mang lại nụ cười mãn nguyện cho phụ nữ”... nhưng kết quả thật sự thì vẫn còn là ẩn số...

 

PGS- TS- BS Nguyễn Hoài Nam

 

 


Ý kiến của bạn