Xin nói qua chuyện cũ một chút. Hiếm thấy đơn vị AHLĐ nào mà 2 đời giám đốc là 2 cha con cũng đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLĐ. Xưa Cụ Năm Hoằng (AHLĐ Trần Ngọc Hoằng) cùng 18 người đầu tiên về khai phá vùng đấy sình lầy, bà con nông dân quanh vùng và các cựu chiến binh quê ngoài Bắc cùng tham gia lập nên Nông trường Sông Hậu. Vài năm sau, bà Ba Sương học quản lý kinh tế ở Matxcơva đầu quân về nông trường.
Biến cố xảy đến 16 năm trước: Bà Ba Sương bị tuyên án phúc thẩm tới 8 năm tù giam.
Lý do là: Từ thời cụ Năm Hoàng, nông trường đã có quỹ đời sống là quỹ hợp pháp nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của nông trường viên, trợ cấp khó khăn cho họ. Để có nguồn thu cho quỹ, cụ Năm Hoằng đã chủ trương cho nông trường tận dụng mương, đìa nuôi cá, đất không thể trồng lúa để trồng bạch đàn, tận dụng mọi khoảng đất trống để trồng cây. Tết trồng cây chẳng hạn, nông trường mua giống cây bạch đàn về giao cho bà con trồng dọc kênh mương.
Khi thu hoạch, trừ vốn mua cây, khoản bán được chia 3: cho vào ngân sách nông trường, người chăm sóc cây, quỹ đời sống.
Thế nhưng, đến khi bà Ba Sương làm giám đốc, vì nhiều lý do không tiện nói ra, "quỹ đời sống" vốn có từ trước bị quy thành "quỹ đen"!
Ngày 9/9/2008, bà bị khởi tố về hành vi lập quỹ đen trái phép nhiều tỷ đồng. Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm ngày ấy đã làm dậy sóng dư luận. Và bản chất sự thật vẫn là sự thật. Cho tới ngày 19/1/2012, Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ vụ án Nông trường Sông Hậu và đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với từng bị can (may mà trong quá trình xét xử, bà được tại ngoại).
Chưa đầy tháng sau, ngày 9/2/2012, bà Ba Sương đã được khôi phục sinh hoạt Đảng.
Nay Nông trường Sông Hậu có tượng cụ Năm Hoằng và trường phổ thông mang tên cụ.
Có 1 điều lạ là xưa cụ Năm Hoằng "tay không bắt giặc" làm nên Nông trường 2 lần nhận danh hiệu Anh hùng thì bà Ba Sương cũng "tay không" tiếp tục lý tưởng của cha. Sau khi vụ án bị đình chỉ, bà đến tuổi hưu và… trắng tay về TPHCM sống, được bạn bè cho ở nhờ. Khó khăn thì nhờ nhưng bà chả muốn vì quý mình mà phiền đến bạn nên mấy năm cư trú ở TPHCM, bà chuyển nhà đến cả chục lần.
Dường như bà sinh ra là để làm việc, để cống hiến. Không được làm việc, không được đem những khát khao và ý tưởng tốt đẹp biến nó thành hiện thực, với bà, khác gì tù tội dù lương hưu đủ sống.
Nhiều người chê bà "dại" khi ngày đứng đầu nông trường không chịu "lo xa". Nhỏ như cái bao đựng gạo, chỉ cần phết phẩy tí ti cho hơn 2 triệu bao bì chắc giờ không cực, ấy là chưa nói còn nhiều sự xuất nhập lớn hơn cái bao bì kia. Nhưng thế mới là Ba Sương!
Với niềm đam mê cống hiến cùng với trình độ, kinh nghiệm và sự giúp đỡ của bạn bè, những năm gần đây, bà về Đồng Nai lập công ty "Ba Sương Thống nhất" chuyên về cây trái, trà và tạo công việc cho hàng ngàn người.
Lạ là ngày nay, không ít người trước khi làm gì cũng nghĩ sẽ được gì cho bản thân thì bà như người "đi ngược chiều gió", căng mình ra lo cho thiên hạ. Cứ nghĩ cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có tác phẩm "Nếu anh không đốt lửa" chỉ là sự kêu gọi từng người hãy cháy lên vì cuộc sống trong kịch nhưng lửa trong người nữ Anh hùng Ba Sương là có thật. Bà như que diêm nhỏ cứ cháy lên không giữ lửa cho mình để ngọn lửa ấy lan tỏa , bùng sáng từ sự kính trọng, khâm phục trí tuệ và nhân cách của cấp dưới, của đối tác.
Thời buổi nào làm ăn cũng phải có vốn nhưng vốn quý nhất của bà là niềm tin yêu của những người đối thoại, từ anh công nhân bình thường đến ông bí thư tỉnh ủy Đồng Nai. Người có bằng cấp thật sự đầu quân vào công ty của bà tất nhiên vì thu nhập, nhưng cũng như người mua nhà, phải xem cả hàng xóm, điều kiện sống xung quanh. Đi làm ở đâu cũng cần một sếp tử tế, thưởng phạt công minh và quan trọng hơn là phát huy được hết khả năng, khát vọng cống hiến trong họ. Công ty "Ba Sương Thống nhất" phát triển đến ngạc nhiên là vì vậy.
Sự tử tế thật sự được lan tỏa và công ty của bà được tỉnh giúp đỡ và cũng trở thành niềm tự hào của tỉnh. Chả thế mà Tết vừa rồi, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban đi chúc Tết chọn công ty bà là địa chỉ cuối cùng chỉ để… ngồi được lâu, hỏi được nhiều.
Tôi quen biết chị Ba từ ngày ở Matxcơva gần 40 năm trước, giờ đến thăm chị và ngạc nhiên thật sự khi thấy chị vẫn có cái giường xếp khung nhôm và chiếc võng trong phòng, chả giường nệm, chả máy điều hòa như ngày tôi thấy khi cùng đoàn VNS đi thực tế ở Nông trường Sông Hậu hồi bác Năm còn sống.
Giờ đây, Đồng Nai là quê hương thứ 2 của chị và bà Giám đốc công ty vẫn y chang như bà Giám đốc Nông trường Sông Hậu ngày xưa: tận tụy, vì người nghèo, thương người lao động. Nhìn chị, lại nhớ những ngày xưa phải "hầu tòa", hỏi chị mệt không, chỉ bảo: "Muốn té xỉu nhưng phải ráng, rũi lăn ra, kẻ xấu chụp hình rêu rao Anh hùng ngã còn gì uy tín Đảng". Kính - phục chị bởi như người khác đã từng gặp biến cố kinh hoàng, ở cái tuổi "cổ lai hy" chắc buông bỏ.
Gặp chị, cảm phục đất Nam Bộ có sự trùng lặp về 3 nữ Anh hùng đều là "Ba": Ba Định, Ba Thi, Ba Sương với phẩm chất tuyệt vời dám nghĩ, dám làm, chả ngại hy sinh gian khó.
Và nghĩ về chị, chỉ có thể nói rằng: Đây là người anh hùng xịn, người cộng sản xịn.