Hà Nội

Clip thầy giáo đánh dã man học sinh ở Thái Nguyên: Phẫn nộ

21-07-2012 13:52 | Thời sự
google news

Thầy giáo trong clip vung roi dây quất vào người học sinh được xác định xảy ra tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp 2 Phạm Minh Tuấn - ngõ 300 đường Thống Nhất, TP.Thái Nguyên, gây phẫn nộ dư luận. Chiều 20.7, Phòng GDĐT thành phố yêu cầu trung tâm dừng hoạt động để làm rõ những sai phạm của trung tâm.

Thầy giáo trong clip vung roi dây quất vào người học sinh được xác định xảy ra tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp 2 Phạm Minh Tuấn - ngõ 300 đường Thống Nhất, TP.Thái Nguyên, gây phẫn nộ dư luận. Chiều 20.7, Phòng GDĐT thành phố yêu cầu trung tâm dừng hoạt động để làm rõ những sai phạm của trung tâm.
 Đoàn thanh tra Phòng Giáo dục TP.Thái Nguyên làm việc với TT Bồi dưỡng kiến thức cấp 2 ngày 20.7.
Đau quá thầy ơi!

Trước sự việc trên, nhiều phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng, nhưng có những phụ huynh trước đó đã không cho con theo học tại trung tâm vì đây không phải là lần đầu tiên học sinh học tại trung tâm này bị thầy giáo đánh, nhưng bị đánh dã man như trong clip thì không ai tưởng tượng được.

Dư luận không thể không phẫn nộ khi thấy từng học sinh cả nam lẫn nữ chỉ chừng 12-13 tuổi hốt hoảng khi ông thầy chỉ tay “đến lượt”, các em đều phải nằm lên mặt bàn, để ông thầy còn khá trẻ và khỏe mạnh, tay phải cầm roi dây, tay trái vuốt dây xong mới vung dây, nghiêng mình lấy đà để vút roi xuống tấm thân nhỏ nhoi của học trò, mặc cho trò van xin, ông thầy vẫn đánh đủ số học trò được coi là vi phạm.

Một trò đau quá đã kêu van “Đau quá thầy ơi”. Ông thầy lạnh lùng: “Ông đau tôi có đau đâu”. Có học sinh nữ ngồi kế ngay chiếc bàn “tra tấn” đã không chịu nổi phải lấy quyển vở che mặt. Điều đáng lên án, nguyên nhân dẫn đến việc các học sinh bị đánh dã man như vậy chỉ là do các em chưa làm bài tập, không nghe giảng hoặc chưa nộp tiền học.

Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp 2 do ông Phạm Minh Tuấn làm giám đốc. Theo ông Tuấn thì trung tâm hoạt động được khoảng 3 năm, nhưng người dân thì khẳng định rằng “lò” này đã hoạt động ít nhất là dăm bảy năm. Tuy không xuất thân từ nhà giáo, nhưng người dân lại tỏ ra khen rằng “lò ông Tuấn” có tiếng rèn để học sinh chăm học, nên các phụ huynh đã không ngần ngại gửi con em đến học với mong muốn củng cố kiến thức cấp 2 để có thể “vượt rào” qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Trao đổi với phụ huynh học sinh cháu Thịnh theo số máy 0979... 15, được biết chị cũng là giáo viên dạy ở Phú Bình, con trai chị mới vào học tại trung tâm được 2 tháng vì kiến thức của cháu không được vững, thấy cháu đã bắt đầu chăm học. Chị nói: “Ai cũng mong con cái nên người, không muốn điều gì đó làm ảnh hưởng đến tâm lý khiến các cháu hoang mang, tôi chưa xem clip, nhưng nếu mà thầy giáo đánh học trò như vậy là không chấp nhận được”.

Sờ đâu cũng thấy sai

Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp 2 Phạm Minh Tuấn dù hoạt động nhiều năm, nhưng đến nay trung tâm này chưa có giấy phép hoạt động. Ngay trong sổ theo dõi giáo viên thì chỉ có tên của giáo viên, còn họ gì thì chính ông giám đốc cũng không biết. Còn sổ quản sinh thì ông Tuấn không cung cấp được tên tuổi cụ thể. Số giáo viên đang đứng lớp đều không có hợp đồng lao động.

Theo ông Tuấn, số giáo viên đang đứng lớp đều chưa qua giảng dạy tại các trường phổ thông - nghĩa là chưa từng đứng lớp, họ đều ở “diện” chưa xin được việc làm nên trung tâm nhận về nhằm “tạo công ăn việc làm” cho họ, kể cả những sinh viên nghèo cũng được trung tâm nhận vào để họ có thu nhập thêm. Ông Tuấn khẳng định, dù không có hợp đồng ký kết với các giáo viên, quản sinh, nhưng vào trung tâm thì phải tuân theo ba chữ: “Trái tim, lương tâm và cách ứng xử”.

Theo số liệu ông Tuấn cung cấp, hiện có 254 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 theo học. Trước khi nhận vào học, trung tâm có tổ chức kiểm tra kiến thức để phân loại trình độ học sinh. Những học sinh yếu thì được giao theo từng nhóm để củng cố kiến thức. Số học sinh này chia làm 3 ca, theo phản ánh của người dân ngõ 300 đường Thống Nhất thì không hiểu các cháu học những gì, mới học cấp 2 mà phải học đến tận 22 - 23 giờ khuya. Còn theo giải thích của ông Tuấn thì do các cháu chưa làm được bài tập, chưa học thuộc bài nên phải ở lại khi nào làm xong mới được về nhà.
 Thầy giáo "xuống tay" với học sinh (ảnh nhỏ, cắt từ clip).
Người đánh học sinh không phải là giáo viên

Ông Phạm Minh Tuấn cho biết, người đánh học sinh trong clip không phải là giáo viên đang đứng lớp tại trung tâm, tên là Nguyễn Văn Thành (quê Định Hóa, Thái Nguyên) đã tốt nghiệp khoa Toán Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Hiện chưa có việc làm nên trung tâm nhận vào và giao cho anh Thành phụ đạo nhóm học sinh còn yếu kiến thức. Việc đánh học sinh xảy ra tại nhà trọ của anh Thành. “Khi biết sự việc, tôi rất đau lòng, hiện trung tâm đã cho anh Thành nghỉ dạy” - ông Tuấn nói.

Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp 2 nằm trên địa bàn phường Phan Đình Phùng, khi chúng tôi đến UBND phường để tìm hiểu sự việc, tại phòng làm việc của đồng chí Phó Chủ tịch Trần Đình Thìn, thật tình cờ khi đồng chí phó chủ tịch đang xem clip thì một số người dân đến xin chữ ký công chứng. Nghe có clip thầy đánh trò ở lò ông Tuấn, thì họ đều cho biết con cháu họ đã từng theo học ở đây, cũng đã bị đánh đến bầm tím mông và không cho các cháu theo học nữa sau khi biết bị đánh. Ông Trần Đình Thìn nghe dân “tố” cho biết sẽ cử ngay cán bộ nắm tình hình dù chức năng thuộc về ngành giáo dục.

Hẳn không ít phụ huynh sẽ giật mình vì đã gửi con vào lò luyện kiến thức mà cơ quan chức năng sờ đến đâu cũng thấy sai phạm.
Sở GDĐT Thái Nguyên: Sẽ xử lý nghiêm khắc

Chiều 20.7, GĐ Sở GDĐT Thái Nguyên - ông Bùi Đức Cường - cho biết, địa phương đang kiểm tra làm rõ vụ một người đàn ông trạc tuổi 40 vừa văng tục vừa đánh học sinh bằng roi tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức cấp 2. Clip về vụ việc này được đưa lên mạng ngày 20.7. 
 “Tôi không đồng tình với “phương pháp dạy học” này, rất không đúng nguyên lý, ảnh hưởng tới thái độ, tình cảm, tâm lý của học sinh. Có thể trong thực tiễn có một số gia đình bất lực trong việc dạy dỗ con cái, đồng tình với việc thầy giáo sử dụng roi vọt để dạy dỗ học trò và có thể có một vài cháu “ngoan” lên sau khi được dạy theo cách này, nhưng đây là việc không thể chấp nhận được.
Mặt khác, việc này cũng làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người thầy giáo, cho dù người thầy đó đứng trên bục giảng ở bất cứ đâu, trong nhà trường hay ngoài trung tâm gia sư, luyện thi” - ông Cường nói. Theo ông Cường, trung tâm này do Phòng GDĐT TP.Thái Nguyên phụ trách. Sở đã chỉ đạo phòng thành lập ngay đoàn thanh tra kiểm tra toàn diện về hoạt động, nội dung chương trình, giáo trình của trung tâm này. Tạm đình chỉ hoạt động của trung tâm để tiến hành công tác thanh tra.
Ông Cường cho biết sẽ xử lý  một cách nghiêm khắc nhất, để sự việc “lần đầu tiên xảy ra ở Thái Nguyên” này sẽ không còn tái diễn.    
• Chiều 20.7, sau khi làm việc với ông Phạm Minh Tuấn - đại diện Phòng GDĐT TP.Thái Nguyên cho biết, trung tâm này hoạt động nhưng không báo cáo phòng, trong quá trình kiểm tra, trung tâm không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến việc cho phép mở lớp. Kể cả chương trình và giáo án giảng dạy.   
• Ông Ma Đình Hiếu - chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Thái Nguyên - cho biết: UBND tỉnh đã có QĐ số 57 quy định về trường học dạy thêm, học thêm, việc trung tâm gia sư tại số 300 đường Cách Mạng Tháng Tám mở lớp dạy thêm nhiều năm mà không xin phép cơ quan chức năng là vi phạm, việc này cần phải xem xét lại trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương.    
Theo Lao động

Ý kiến của bạn