Hà Nội

Chuyện xe đạp và đạp xe

26-05-2018 09:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày xưa, cái xe đạp là cả một gia tài.

Thuở nhỏ, tôi sống ở xứ có nghề xe thồ nổi tiếng. Sau 75, về Huế, xe thồ tức là xe ôm bây giờ, nên muốn giải thích xe thồ xứ Thanh là rất công phu.

Chiến dịch Điện Biên Phủ ấy, xứ Thanh có đến cả binh đoàn xe thồ ra trận, cùng với đội ngũ nữ dân công gánh gạo lên Điện Biên là hàng đoàn xe “tay ngai” rùng rùng song hành với bộ đội. Cái xe đạp, thường là Phượng Hoàng (của Trung Quốc) hoặc là Thống Nhất của Việt Nam, phải là xe nam, gióng ngang, lắp thêm 2 cái cọc tre, một cái dọc yên dựng đứng lên để ghé vai vào đẩy, một cái vào ghi đông và tay người nắm vào đấy ủn bộ, cứ thế đi, hàng trăm hàng nghìn cây số, vượt rừng vượt suối, trên cái xe ấy là hàng tạ, vài tạ hàng. Nghe nói cái xe đạt kỷ lục vận chuyển là tới 345kg hàng. Khủng khiếp.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, đàn ông xứ Thanh biến sáng kiến dùng xe đạp thồ hàng ra trận thành nghề kiếm sống. Họ có từng tốp thợ thồ, ai thuê là thồ. Khi đi đạp xe, khi về chất hàng lên đẩy bộ, đi xuyên đêm xuyên ngày, đói dừng ăn, khát dừng uống, toàn đồ mang theo từ nhà, chỉ nghỉ là họ dựa vào bóng mát ven đường, không phải thứ mang theo. Tất nhiên những cái xe ấy cũng phải được cải tiến chút, như bánh phải quấn thêm cao su hoặc lót 2 lốp để chịu được sức nặng của hàng. Cái foocbaga độ thêm đến mấy cái giá để có thể xếp hàng lên đấy, hàng chục bao gạo chẳng hạn?

Cái xe thời ấy là cả gia tài.

Nhà ai có cái xe đạp là có thể vênh vang với xóm làng lắm. Nhà tôi có 2 cái, một xe Pháp, một xe Hà Nội, mẹ một cái ba một cái, cái của ba thì đi thường xuyên, của mẹ thì... treo lên. Ai có xe cũng có 2 sợi dây thừng thả lòng thòng trong nhà, đầu có cái móc. Xe về là treo lên, chí ít cũng phải có tấm ván để lót bánh, sợ bánh... mục. Người ta đồn, đàn ông xứ Thanh thời ấy có thể cho mượn... vợ, chứ xe thì không? Mà chả cứ xứ Thanh, ở đâu trên miền Bắc thời ấy xe cũng đều quý như thế. Xe lúc nào cũng được lau sáng bóng, suốt ngày bôi dầu mỡ, líp xích kêu toanh toách mới sành điệu, khi đạp thi thoảng còn quay ngược cái pê-đan cho líp và xích được dịp hân hoan vang lừng lên cho thiên hạ lác mắt. Ai có thêm cái radio to oành đeo bên hông, cái đồng hồ đeo tay (nhưng lại lấy cái khăn mùi xoa quấn che lại cho khỏi... nắng) thì coi như là số zách rồi, công tử thứ thiệt rồi, đạp xe đến đâu ánh sáng tỏa ra đến đấy, hương thơm lừng vang đến đấy...

Gần đây thì tôi lại quay lại với xe đạp (NT Văn Công Hùng).

Gần đây thì tôi lại quay lại với xe đạp (NT Văn Công Hùng).

Hồi chiến tranh phá hoại, có thể nói, cả nhà tôi đã lềnh bềnh trên 2 cái xe đạp, đi hàng ngàn cây số trên ấy. Và vẫn hơn rất nhiều gia đình cùng cảnh, đa phần di chuyển bằng đi bộ, gánh gồng...

Ba mẹ tôi đẻ đúng tiêu chuẩn, chỉ 2 thằng con trai, như thế nhà đủ 4 người, đủ chất lên 2 cái xe đạp để di chuyển chỗ ở liên tục theo cơ quan sơ tán. Tất nhiên ngoài 4 người thì trên 2 cái xe đạp ấy còn tất cả tài sản nhà tôi nữa, mà tôi nhớ, 2 thứ không bao giờ thiếu là cái lồng gà và mấy cây dọc mùng đã cắt chỉ còn củ. Đến đâu tạm cư, việc đầu tiên của ba mẹ tôi là làm chuồng gà và kiếm chỗ đất ẩm, nơi sẽ đặt chum nước, trồng mấy gốc dọc mùng xuống. Thức ăn của cả nhà đấy. Bé tí, mỗi xe đạp hai cái ba lô kẹp hai bên hông xe, chúng tôi ngồi trên foocbaga phải xoạc hết cặp chân ngắn ngủn ra, hết sức mỏi. Chưa hết, cũng 2 cái xe đạp ấy, ba mẹ tôi còn chở chúng tôi ra Ninh Bình sơ tán. Và ngay tuần đầu tiên từ Thanh Hóa ra chúng tôi đã nếm trận bom kinh hoàng ném vào Thiên Tôn, và chúng tôi đang ở trong chính cái rốn bom ấy, hang Luồn. Hằng tháng, ba mẹ tôi lại đạp xe từ Thanh Hóa ra thăm chúng tôi. Có lần mẹ tôi còn đạp xe, mà toàn đạp đêm để tránh bom, một mình từ Thanh Hóa ra Phú Thọ, học Trường Nguyễn Ái Quốc sơ tán về đấy. Sau này học cấp 3, tôi cũng thường xuyên đạp xe từ Thanh Hóa ra Ninh Bình thăm bà ngoại.

Cái xe đạp đầu tiên chính thức của tôi, do tôi mua (trước đấy ba mẹ mua cho tôi cái Phượng Hoàng xích hộp mới coóng nhưng đã bị mất rất nhanh khi tôi tiếc tiền... gửi xe) là khi tôi ra trường đi làm được... 3 năm. Phải nhờ một anh bạn dẫn lên ông trưởng phòng của công ty thương mại, lấy một cái lệnh, rồi ra kho nhận xe. Đâu như hết một tháng rưỡi lương cử nhân của tôi lúc ấy.

Rồi tiến lên xe máy. Rồi ôtô. Quên bẵng xe đạp. Phố ít hẳn xe đạp, ít lắm, chỉ thấy nhấp nhô dằng dặc “nồi cơm điện”, chỉ dấu của xe máy thời văn minh.

Gần đây thì tôi lại quay lại với xe đạp.

Đầu tiên là theo anh chị em từ thiện, xin, mua... xe đạp cả cũ và mới, mang xuống các trường vùng sâu, vùng xa tặng học trò. Té ra cái xe đạp giờ vẫn còn rất quý ở vùng sâu, vùng xa. Có cô giáo dành dụm mỗi tháng một ít lương để mua một cái xe đạp cũ, thuê sửa lại để tặng học trò, dỗ nó đi học vì nhà nó xa quá. Có đứa học trò dùng xe đạp được cho để chở thêm 2 đứa bạn hàng xóm, hằng năm ròng như thế, nhiều khi xe non hơi thì chở một đứa, một đứa... chạy theo, nửa đường lại đổi, đứa chạy lên ngồi, đứa ngồi xuống chạy...

Thấy những đứa học trò mắt sáng lên khi thấy cái xe đạp mà tôi rưng rưng. Mà chả cứ học trò, phụ huynh chúng cũng sướng. Nghĩ cái sướng ngày xưa khi mình có xe có khi còn thua học trò bây giờ, dù xe bây giờ phổ thông hơn, mua một cái xe bây giờ cũng dễ hơn khi xưa, đạp cái xe giờ không còn “đẳng cấp” như xưa, xe chỉ còn là phương tiện chứ không phải là “của để dành” nữa.

Lần rồi ra Hà Nội, một bác đàn anh hẹn uống bia, cách 2 tiếng hẹn, bác nhắn tin: Tớ xuất phát đây. Tôi lẩm nhẩm: Lão này điên, hẹn 5 giờ chiều mà giờ mới 3 giờ đã xuất phát. 5 giờ tôi lững thững đến chỗ hẹn thì ông ấy cũng tới. Té ra bác ấy đi xe đạp. Rất bài bản, mũ mão áo quần giày chuẩn cua rơ, lại còn chắc khự cái camera trên trán nữa. “Đằng nào cũng phải đạp thể dục, mà lại tránh tắc đường, mà lại không sợ tai nạn, mà lại quay được khối cảnh hay, giờ tôi cứ ngày mấy tiếng đồng hồ đạp như thế, khỏe hẳn nhã hẳn nhẹ nhõm hẳn ông ạ”.

Thế rồi mà nó vận vào mình lúc nào không hay?

Ban đầu là sau một chuyến công tác lái ôtô đường dài về, cái đầu gối sưng vù, đỏ tưng bừng và mọng nước. Thôi xong, tràn dịch do rạn sụn, nguyên nhân là thoái hóa khớp gối. Mổ nhé, cấm đi bộ nhé. Xong. Tuổi này mà không đi bộ thể dục được, lại chả béo ị ra như con... lợn. Mà đứng tập dưỡng sinh vẫy vẫy như chim hoặc cầm quạt múa thì nó chả ra... đàn ông.

Vừa may được một cái giải mọn ở cuộc thi bút ký phóng sự của một tờ báo. Trong số 6 tác giả được giải thì có 3 ông ở độ trên 60 tuổi. Thế là trong một cuộc nhậu “tiền trao giải”, phó TBT tờ báo ấy nảy ra sáng kiến: vận động chủ một hãng xe nổi tiếng ở Sài Gòn, cũng là một nhà thơ, tặng cho 3 ông “gần già” 3 cái xe để thể dục. Một cú điện thoại và ý định vui ấy thành hiện thực.

Và té ra, giờ đi xe đạp lại khó vô cùng.

Nó không có gương chiếu hậu. Cứ nghe tiếng xe phía sau uỳnh uỳnh lao vào mình. Không có đèn xi nhan, mình như người mù khi qua đường, nhưng vẫn phải qua. Và, điều này nữa, nó ê mông vô cùng. Nó khiến mình như một người mù đi giữa phố, không thấy gì, à thấy phía trước, y như con ngựa kéo xe du lịch trên phố, bao giờ cũng bị che mắt lại, nhưng nó còn ông xà ích ngồi trên thấy hết phía sau và hai bên. Còn đạp xe giữa phố bây giờ, chả thấy gì, chả biết gì phía sau, rất căng thẳng. Sự quan sát không bằng con... ngựa. Mà cái xe ngựa kềnh càng thế người ta buộc phải thấy, mình nhấp nhô cái xe đạp, nhoãng cái là bị đâm vào ngay. Là cứ nghĩ thế, thấy trống trải thế mà lo.

Chả phải vô cớ tôi kể chuyện thời cả gia đình tôi vi vu trên xe đạp, tự hào hãnh diện và thảnh thơi hơn đi ôtô bây giờ, mà để so sánh, ngày xưa thế, giờ chỉ đạp thể dục mỗi buổi sáng một tiếng đồng hồ mà sao vừa mệt vừa sợ quá trời. Ấy là cũng đã nai nịt đủ lệ bộ như cua rơ chuyên nghiệp rồi nhé, giày Adidas, áo thun, mũ bảo hiểm đúng loại của xe đạp, chỉ cách đạp là không ra cua rơ, vợ bảo trông giống mới đi... chợ về, dù tôi đã cố ý tháo cái giỏ xe đồng bộ trước ghi đông rồi.

Lại nhớ có hồi Bộ Công an chủ trương sắm xe đạp cho công an phường để họ đi tuần, sát dân, gần dân, hiểu dân hơn. Nhiều xe đã được mua, được cấp cho một số phường ở các thành phố lớn, nghe nói toàn xe tốt, mấy triệu một chiếc. Mới nhất, thấy có báo thống kê, gần như tất cả các xe ấy đều... đắp chiếu. Và hình ảnh anh công an cưỡi xe đạp chả thấy xuất hiện ở đâu. Nó nhiều lý do lắm. Quả là giờ đạp xe khó chứ không dễ khi anh đã đi xe máy rồi. Thời thầy Min Đơ Min Toa đi tuần thì đấy là phương tiện xịn nhất lúc ấy, mình thầy một đường, thầy đi đến đâu là sáng choang lên, là inh ỏi lên đến đấy. Giờ, nó chỉ còn là thứ của người nghèo, người lam lũ, là quà cho học sinh nghèo vùng sâu vùng xa, chứ học sinh có điều kiện, chúng đi xe đạp điện, rất nhiều đứa phá rào chạy xe máy hoặc ngồi sau xe máy. Mà thật, tôi cũng ngơ ngác không hiểu sao ngày xưa mình từng ngồi sau cái foocbaga bé tí thế hàng mấy chục cây số mà chả đau hay ê mông gì cả. Giờ phố nghèn nghẹt người, cái xe đạp như lá tre dập dềnh ở đấy, thấy nó hết sức lẻ loi cô độc và bất an.

Hồi tôi mới về quê, Huế ấy, hình ảnh đẹp nhất đập vào mắt cậu trai ngơ ngác vừa tốt nghiệp cấp 3 đang trong trắng rất nhà quê là các cô nữ sinh Huế đạp xe mini, cái yên thấp tịt, ghi đông vồng lên, trong khi xe ngoài Bắc thời ấy đa phần ghi đông bằng yên, người bò ra để đạp, nó là cái xe đạp thứ thiệt, để sử dụng, còn xe mini là để... diễn, nó tôn vẻ đẹp con người chứ đạp mươi cây là... phình phường ngay. Các cô quần loe trắng, áo vàng hoặc đỏ chẽn, kính màu to che rợp khuôn mặt, dép sapo cao cả tấc, vừa đẹp vừa kiêu sa, vừa xa cách vừa hấp dụ. Gặp “bộ đội” là tôi quần ka ki, áo ga ba đin dép nhựa tóc 3 phân, các cô ngồi trên yên một chân chống dưới đất, một chân nhứ bàn đạp nói chuyện, tiếng “dạ” vừa hút hồn vừa rút ruột, trời ơi, tôi cứ ước mình được là cái... xe mini kia.

Giờ cứ 5 giờ kém 10 là chuông báo thức từ điện thoại của tôi reo vang, giật tôi ra khỏi giường. 10 phút chuẩn bị, tôi nai nịt như... Đon Ki Hô Tê, lôi con nghẽo ra khỏi nhà, bặm môi đạp, vừa đạp vừa nghĩ, sao con người lại khổ thế nhỉ, cố ăn cho béo, cho ngon, cho đủ chất, cho sướng mồm, xong rồi lại cố công cố sức ép mình vận động như khổ sai, như hành sức để... tống bớt cái thứ ăn được ra khỏi người cho thon gọn, cho khỏe... Và khi mình đã là Đon Ki Hô Tê thì con đường trước mặt chắc chắn là... cối xay gió.

Và cũng vừa đạp vừa nghĩ về... ngày xưa. Cái ngày xe đạp là cả gia tài. Rồi nghĩ về ngày mai, có khi rồi xe đạp lại lên ngôi, bởi nghe một bác sĩ lão khoa hàng xóm nói, tuổi của ông, tốt nhất là đạp xe. Và sáng sáng, té ra không chỉ mỗi mình đạp trên đường, dù vẫn vừa đạp vừa... run, vừa đạp vừa thấy sao mình... khổ quá...


VĂN CÔNG HÙNG
Ý kiến của bạn