Chuyện vui buồn xung quanh việc giám định ADN

30-04-2013 07:16 | Thời sự
google news

Trong nhiều năm trở lại đây, công tác giám định gen truy nguyên cá thể con người (ADN) đã trở thành một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và gia đình. Thế nhưng, cũng có những lúc công tác giám định ADN gặp “tai nạn” và từ đó đã có không ít những chuyện buồn vui.

Trong nhiều năm trở lại đây, công tác giám định gen truy nguyên cá thể con người (ADN) đã trở thành một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và gia đình. Thế nhưng, cũng có những lúc công tác giám định ADN gặp “tai nạn” và từ đó đã có không ít những chuyện buồn vui.

ADN gặp “khó” vì… nhăng nhít

Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), một câu chuyện bi hài đã xảy ra, một cô bé vì hoàn cảnh cha mẹ ly hôn nên phải ở với bố dượng. Khi bước vào tuổi 14, thấy thân hình mơn mởn non tơ của con gái vợ, người cha dượng đã nổi thú tính xâm hại tình dục. Sự việc kéo dài đến năm 16 tuổi thì cô gái có thai. Mặc cảm, xấu hổ, cô bỏ về quê với ông bà. Ở đây, cô may mắn gặp một người đàn ông nghèo nhưng tốt bụng rồi họ nên vợ nên chồng. Nhưng khi đứa con ra đời, ngắm nghía mặt mũi con chẳng thấy giống mình, ngẫm lại, tính toán ngày tháng cũng không khớp, người chồng gặng vợ tra hỏi xem đứa trẻ có phải con hay không. Những tưởng cô vợ trẻ sẽ thú nhận chuyện tình ái lăng nhăng, nào ngờ cô kể quãng đời cay đắng tuổi thơ bị lạm dụng tình dục. Là người đàn ông tử tế, anh chồng rất xót thương vợ đã đưa vợ ra cơ quan công an để tố cáo ông bố dượng. Cơ quan điều tra đã lấy mẫu ADN của đứa trẻ và người bố dượng để xác định huyết thống. Khi tiến hành giám định, nghĩ lại những giọt nước mắt của cô gái, các giám định viên chắc chắn phen này sẽ lôi được gã đàn ông vô nhân tính kia ra trước vành móng ngựa. Thế nhưng, qua từng ngày chờ kết quả giám định,  kết luận từ ADN lại cho thấy đứa trẻ do cô gái sinh ra không phải là con của ông bố dượng. Cô gái mất phương hướng, không biết tố cáo ai là bố của con mình?! Còn người chồng, chết sững. Các giám định viên cũng ngậm ngùi...

Chuyện vui buồn xung quanh việc giám định ADN 1Giám định ADN.


Một trường hợp khác, bà mẹ đưa con gái có thai gần 5 tháng đến cơ quan công an tố cáo để bắt kẻ làm hại con bà. Khi các điều tra viên hỏi về người đã quan hệ và để lại hậu quả là cái thai trong bụng, cô gái chẳng biết chính xác thời điểm có thai đã quan hệ với ai và lần lượt khai ra đến... 13 người trong xã. Các điều tra viên lấy đủ cả 13 mẫu giám định ADN của những người mà tình nghi là bố cháu bé cho vào kho bảo quản chờ ngày cô gái sinh hạ để đối chiếu. Thế nhưng, cả 13 người đàn ông nói trên đều không phải cha đứa bé. Tại cơ quan điều tra, khi được thông báo kết quả trên, cô gái lại khai tiếp người thứ 14?! Vụ án đành đình chỉ điều tra trong nỗi ngậm ngùi của giám định viên vì không thể “chạy đua” theo những chuyện quan hệ nhăng nhít của cô gái. 

Chỉ chịu thua khi có kết quả ADN

Một câu chuyện khác, mãi cho đến khi cái thai đủ 9 tháng 10 ngày, đứa bé cất tiếng khóc chào đời đem đi giám định ADN thì lão “yêu râu xanh” mới chấm dứt những lời chối tội leo lẻo trước đó để tâm phục khẩu phục. Trở lại câu chuyện, khi nghe đứa con gái 14 tuổi nước mắt ngắn dài lí nhí nói: “Là ông Tấn ạ”, bố mẹ em vẫn không muốn tin vào tai mình bởi họ không thể tin được lại có thể có một con “yêu râu xanh” núp mình trong cái dáng vẻ hiền lành, phúc hậu của ông lão hàng xóm. Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật, nhà ông Cao Văn Tấn và nhà cô bé P. nạn nhân là hàng xóm cạnh nhau ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Họ luôn xem nhau như người thân nên dĩ nhiên, P. cũng coi ông Tấn - ông già hàng xóm gần 70 tuổi như ông nội, ông ngoại nhà mình. Thế nhưng, ông Tấn lại không nghĩ thế. Chứng kiến sự nảy nở của cô bé bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, trong ông trỗi dậy những ham muốn khó cưỡng. Rồi đến một ngày tháng 12/2007, biết P. thích ăn kẹo, ông Tấn lận túi ít tiền lẻ rồi gọi P. đi theo ra vườn chuối gần nhà… Rồi từ hôm đó trở đi, cứ mỗi lần lên “cơn thèm”, ông lão gần 70 tuổi lại rủ đứa trẻ mới hơn mười tuổi đầu ra vườn chuối làm chuyện ấy. Cứ thế, cho đến khi bố mẹ P. thấy con mình dạo này béo quá, khi mang con đi khám mới tá hỏa, thất kinh khi biết con gái đã mang bầu gần đến tháng đẻ và thủ phạm chính là ông già hàng xóm đáng kính. Vụ việc vỡ lở, không những bố mẹ nạn nhân mà cả những người hàng xóm xung quanh khi biết tin ông Tấn là tác giả của cái bào thai trong bụng bé P. cũng nửa tin nửa ngờ, một phần vì tuổi tác của ông đã vào hàng cha chú đáng trọng, một phần vì trông ông đã quá hom hem để có thể “hành xử” như thế. Nắm được tâm lý, suy nghĩ của mọi người, ông  Tấn cũng một mực chối tội, ra vẻ bức xúc: “Tiếc là tôi đã quá già để có thể làm chuyện ấy. Tôi từng này tuổi rồi, răng thì rụng, sức thì yếu. Đây là họ trả thù tôi thôi”. Thậm chí để chứng minh mình vô tội, ông Tấn còn dẫn chứng rằng nhiều khi ông nằm cạnh vợ, “muốn” lắm mà “cái ấy” của ông cứ mềm xèo (!) thì làm gì có chuyện hiếp dâm. Thế rồi, “cái kim lâu ngày cũng phải lòi ra”, kết quả ADN đã cho thấy, lão “yêu râu xanh” Cao Văn Tấn chính là bố đẻ của hài nhi do cô bé P. sinh ra, ông Tấn phải cúi đầu nhận tội. Vụ án đã khép lại, nhưng với những giám định viên, một lần nữa, bằng ánh sáng của khoa học họ đã chứng minh được rằng cái ác phải đền tội và đối mặt cùng công lý.

Mong muốn của giám định pháp y

Là một bác sĩ giám định viên khá nổi tiếng trong lĩnh vực pháp y tình dục, TS. Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia cho biết, hiện nay hầu hết các vụ án liên quan đến lĩnh vực tình dục như hiếp dâm, giao cấu với trẻ vị thành niên... cơ quan điều tra mới chỉ dừng lại ở lại ở giai đoạn đưa nạn nhân tới cơ quan giám định để xác định sự việc có hay không, tỷ lệ thương tích ra sao, chứ chưa quan tâm đến những diễn biến về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân ở giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, theo kinh nghiệm của nhiều giám định viên, chính ở giai đoạn này, nạn nhân có thể có những biểu hiện của việc có thai là hậu quả của vụ hiếp dâm hoặc bị lây nhiễm một căn bệnh hoa liễu nào đó từ chính đối tượng gây án sau một thời gian ủ bệnh. Và, thường những biểu hiện này sẽ được nạn nhân âm thầm “giải quyết” mà cơ quan điều tra không hề hay biết, nắm được. Trong khi đó, đây chính là những bằng chứng rõ ràng nhất giúp cơ quan điều tra vạch mặt thủ phạm. 

Một khó khăn nữa của việc giám định các vụ án liên quan đến pháp y tình dục hiện nay là các giám định viên thường chỉ được khám nạn nhân (do cơ quan trưng cầu đưa tới) mà không được tiếp cận và khám đối tượng bị tình nghi là thủ phạm. Theo TS. Vũ Dương, riêng trong lĩnh vực pháp y tình dục, chính việc cơ quan điều tra tạo điều kiện cho giám định viên có thể tiếp cận và khám đối tượng bị tình nghi sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm ra các chứng cứ, dấu vết nhằm so sánh với kết quả khám nạn nhân (ví dụ như bệnh hoa liễu lây từ đối tượng sang nạn nhân hoặc ngược lại, những đặc điểm đặc biệt của đối tượng để lại dấu vết trên người nạn nhân và ngược lại...), để từ đó có những suy đoán chính xác, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Không quá khi khẳng định rằng, phương pháp giám định ADN đã trở thành một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và gia đình. Từ khi đưa vào ứng dụng tại Việt Nam đến nay, phương pháp giám định ADN đã thể hiện hiệu quả vô cùng to lớn, có vai trò quyết định trong việc phá thành công nhiều vụ án phức tạp, tưởng như đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, cũng có không ít những câu chuyện khiến các giám định viên phải “bó tay”, cười trong nước mắt. Rất sâu trong tâm sự của mình, các giám định viên pháp y vẫn mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa các vụ án, đặc biệt là những vụ án liên quan đến pháp y tình dục được tiến hành theo đúng mong muốn của các bác sĩ giám định viên pháp y, bởi nếu không, chính nó sẽ kéo dài con đường đến với sự thật của các cơ quan tố tụng, kéo dài nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ.

Tuấn Phong



Ý kiến của bạn