Chồng tôi là bộ đội. Do điều kiện công tác xa nên mãi hơn ba mươi tuổi mới gặp và lấy tôi. Tôi là giáo viên, là hàng xóm của anh. Lâu lâu anh mới về một lần, cũng không biết đã để ý tới tôi từ lúc nào. Rồi dần dà, mẹ anh qua lại tỉ tê với mẹ tôi, tìm cách gán ghép hai đứa với nhau. Bộ đội lấy giáo viên, hợp quá còn gì, hình mẫu của bao nhiêu gia đình Việt Nam từ thời chiến tới thời bình. Thế rồi hai đứa cũng thương nhau thật, và quyết định làm đám cưới.
Chồng tôi, sau khi chúng tôi lấy nhau, thường xuyên xa nhà. Mỗi tháng tranh thủ về được một lần. Vào đợt huấn luyện chiến sĩ mới hoặc có nhiệm vụ đặc biệt thì có khi vài ba tháng mới về. Tôi ở nhà vừa dạy học vừa nuôi hai con khôn lớn. Vất vả thật, nhưng được cái hai gia đình nội ngoại ở gần nên cũng đỡ đần được. Vợ chồng lại xa nhau suốt nên mỗi khi ở gần nhau thì cứ ríu ra ríu rít. Mỗi khi bố về cả nhà lại vui vẻ, rôm rả, chuyện trò hát ca, nấu nướng thơm lừng, hàng xóm cứ gọi là tha hồ ngưỡng mộ.
Chồng tôi, như nhiều anh bộ đội khác, sống xa nhà, tự lập, tự lo toan cho bản thân quen rồi nên rất tháo vát. Mỗi khi về nhà anh tận dụng từng tí thời gian dọn dẹp nhà cửa, sửa sang chỗ nọ chỗ kia, rào lại mảnh vườn nhỏ, trồng lại mấy luống rau, rồi nấu nướng món nọ món kia cho vợ con thưởng thức. Phải nói là chồng tôi nấu ăn rất ngon, món nào anh nấu bọn trẻ con cũng khen nức nở, bữa nào cũng no căng bụng mới thôi. Anh cũng tranh thủ đi thăm họ hàng, bên nội bên ngoại rất chu đáo. Ai cũng dành những lời tốt đẹp nhất cho chồng tôi.
Lính là thế đấy. Rất tháo vát. Họ không phải chỉ giỏi đánh giặc, mà còn rất tài công tác dân vận và cả những việc lặt vặt hàng ngày.
Cách đây một năm thì anh nghỉ hưu. Bên quân đội nghỉ hưu sớm hơn ngoài dân sự. Tôi thì vẫn đi làm. Anh về, loanh quanh việc nhà giúp vợ con. Còn thời gian anh sang bên ông bà nội, ông bà ngoại, nhà nào cần việc gì thì anh xắn tay lên làm giúp. Được hai ba tháng thì anh bảo tôi, anh phải kiếm việc gì làm thêm chứ sức khỏe còn tốt như thế này mà cứ loanh quanh việc nhà thấy nó phí quá. Tôi bảo anh cứ nghỉ đi. Vất vả mấy chục năm rồi, giờ được nghỉ thì cứ nghỉ. Lương hưu của anh khá cao, thu nhập của tôi cũng tạm ổn, kinh tế gia đình như vậy không phải lo. Các con thì đứa đại học đứa cấp ba, sắp đâu vào đấy rồi. Nhưng anh bảo ở nhà lâu nó tù túng lắm, thôi thì cứ kiếm một việc gì đấy vừa sức mà làm, vừa thêm thu nhập vừa đỡ buồn chán. Chồng nói thế thì tôi cũng không phản đối nữa. Và chồng tôi nhận chân bảo vệ cho ủy ban huyện. Công việc không vất vả, chỉ thỉnh thoảng phải làm đêm theo ca.
Nhưng cũng bắt đầu từ thời gian này, tức là thời gian anh sống chung với gia đình, vợ con lâu lâu, vợ chồng con cái mới có dịp mà hiểu nhau nhiều hơn. Nói thế nghe cũng buồn cười, lấy nhau hơn hai chục năm mà giờ mới hiểu nhau. Nhưng sự thực là thế. Chồng tôi hóa ra là một người không chỉ cẩn thận, tháo vát, chịu thương chịu khó, mà còn rất... khó tính, đặc biệt là khâu ăn uống. Anh nấu ăn giỏi, nên cũng là người sành ăn. Cái này dễ hiểu rồi. Nhưng anh lại không vừa ý với bất kỳ món nào vợ hoặc con gái nấu. Điều này trước đây anh chưa bộc lộ, thỉnh thoảng về thăm nhà vợ nấu sao thì ăn vậy, và cũng phần lớn là anh tranh phần nấu với lý do chả mấy khi được phục vụ vợ con. Phục vụ là một vinh dự và trách nhiệm, anh hay nói đùa thế. Giờ anh cũng đi làm, không còn thời gian nấu nướng nữa, mà tiện ai về sớm thì người ấy nấu. Lúc đầu anh chỉ hơi nhăn nhó, không nói gì, nhưng càng về sau thì anh càng bộc lộ rõ thái độ. Căng thẳng nhất là hôm chủ nhật, tôi nấu canh sườn dọc mùng để cả nhà ăn với bún. Vừa múc bát canh ra, anh gắp một miếng sườn, giơ lên trước mặt ngắm nghía rồi thả bõm trở lại. Anh cho luôn một tràng: Em đúng là người chỉ biết ăn ngon chứ chả biết nấu nướng gì cả. Nhìn này - anh lại gắp một miếng sườn lên - sườn này quá nhiều thịt. Không ai muốn cắn một miếng sườn toàn thịt là thịt thế này. Lại ninh quá kỹ, như ninh cho cụ già tám mươi không còn răng ấy. Nước dùng thì trắng ởn ra? Em không cho nghệ à? Mỡ thì ngập cả gang tay thế này. Em thử cho bát canh vào tủ lạnh, chiều bỏ ra, không múc được nửa bát con mỡ đông thì anh đi đầu xuống đất. Miếng dọc mùng thì ngắn ngủn. Phải thái chéo chứ, mỗi miếng phải dài thế này này, nó mới đẹp mắt. Ăn ấy, không phải chỉ là cho vào mồm, nhai, nuốt, mà còn phải thưởng thức nữa, em hiểu không? Phải ăn cả bằng mắt nữa. Anh không hình dung nổi suốt mấy chục năm anh vắng nhà em lại nuôi các con bằng những bữa ăn kiểu này v.v. và v.v…
Nghe chồng nói, không chỉ tôi mà cả hai đứa con cứ nghệt cả người ra. Ô, hóa ra đây chính là người chồng vô cùng tháo vát, đảm đang, yêu vợ yêu con, chăm chỉ việc nhà đây. Thế mà đột nhiên như biến thành người khác hoàn toàn, như người trên trời rơi xuống. Con gái tôi lắp bắp: Con... con thấy mẹ nấu ngon mà. Bọn con vẫn ăn món mẹ nấu, rất vừa miệng bố ạ. Chồng tôi lừ mắt nhìn con, lại nhìn tôi.
Đấy, em đã thấy hậu quả của việc nhiều năm vụng về chưa? Em đã biến các con em thành những người đến cả miếng ngon hay không cũng không biết.
Từ sau cái bữa bún sườn dọc mùng hôm ấy, bữa nào anh nấu thì thôi, hễ tôi hay con gái nấu là y như rằng được nghe bài ca về việc phải nấu thế nào? Có hôm tôi bực mình, bỏ cả bữa đứng dậy. Anh cũng chả để ý, lại còn hồn nhiên bảo: Ô, mẹ mày ăn ít thế à? Giảm béo à?
Tôi thấy chồng tôi cũng không sai hoàn toàn, nhưng quả thực anh đã vắng nhà mấy chục năm, đến bây giờ anh về hẳn, vợ chồng con cái đáng nhẽ vui vẻ ấm áp viên mãn bên nhau thì lại hóa ra căng thẳng vì những điều chẳng đâu vào đâu. Buồn là buồn ở chỗ đó.
Lý Thị Hoa (Sơn Tây)
TRẦN ĐĂNG KHOA:
Chả có gì phải buồn cả, bạn ạ. Bạn có ông chồng tuyệt vời. Lính mà. Lính là thế đấy. Rất tháo vát. Họ không phải chỉ giỏi đánh giặc, mà còn rất tài công tác dân vận và cả những việc lặt vặt hàng ngày. Với người lính, nếu không linh hoạt như thế, không thể tồn tại được. Tôi cũng là lính nên rất hiểu điều này. Người lính đun nấu không khói. Có thể nấu được cơm trong mưa, hay nấu trong lúc đang hành quân. Chỉ cần treo hăng gô lên ba lô người đi trước là có thể vừa đi vừa nấu ăn được.
Chồng bạn quả là rất tuyệt, rỗi rãi là giúp vợ “dọn dẹp nhà cửa, sửa sang chỗ nọ chỗ kia, rào lại mảnh vườn nhỏ, trồng lại mấy luống rau, rồi nấu nướng món nọ món kia cho vợ con thưởng thức”. Và anh nấu rất ngon, “món nào anh nấu bọn trẻ con cũng khen nức nở, bữa nào cũng no căng bụng mới thôi”. Anh ấy lương hưu đã cao, mà vẫn tranh thủ làm bảo vệ cho một cơ quan để có thêm thu nhập cho gia đình. Thế thì tuyệt quá chứ. Anh ấy cũng là người khéo trong giao tiếp ứng xử, bằng cớ là cả hai bên nội ngoại đều quý, “dành hết những lời tốt đẹp nhất cho anh”. Anh ấy chỉ chê bạn nấu không ngon. Mà cứ như anh ấy nhận xét món ăn theo lời kể của bạn thì đúng là bạn vụng thật. Bao nhiêu năm anh ấy vắng nhà như thế. Và hậu quả: “Em đã biến các con em thành những người đến cả miếng ngon hay không cũng không biết”. Đúng quá. Và điều này nữa, tôi cũng phải nói thực với bạn, bạn cũng rất vụng trong ứng xử việc này. Nếu khéo và “cao thủ”, bạn đã có thể biến anh ấy thành Osin cao cấp. Hàng ngày nấu ăn cho cả gia đình. Rồi anh ấy “đào tạo” nghề nấu nướng cho các con. Bạn chẳng phải làm gì. Chỉ õng ẹo ban phát vài lời có cánh, rồi chỉ huy cả tập đoàn Osin, bao gồm Osin bố, Osin con. Bạn thành Mẫu Hậu, thành Vua Bà trong Vương quốc gia đình. Ai hơn được bạn. Thế thì có gì mà buồn, mà lại thấy “căng thẳng vì những chuyện chẳng đâu vào đâu”. Rất nhiều bà vợ chỉ ước được như bạn đấy. Không tin, bạn cứ hỏi các mợ độc giả Sức khỏe&Đời sống xem...