Vượt mọi khó khăn để trở thành bác sĩ
Sau hơn 30 năm miệt mài gắn bó với biết bao nhiêu vui buồn, hạnh phúc, trăn trở, trực tiếp cứu chữa, chăm sóc cả về thể xác lẫn tinh thần cho nhiều bệnh nhân, năm 2021, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng (Nha Trang, Khánh Hòa) đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Suốt hành trình cống hiến, làm việc của mình, bác sĩ Xáng luôn tâm niệm rằng "sức khỏe người bệnh là niềm hạnh phúc của thầy thuốc".
Sinh năm 1960 ở một vùng quê nghèo của tỉnh Thừa Thiên - Huế, lên 8 tuổi Nguyễn Văn Xáng theo cha mẹ vào TP. Nha Trang (Khánh Hòa) mưu sinh, cả gia đình đã phải vất vả làm mọi thứ mưu sinh mới đủ để trang trải cho cuộc sống.
Bao nỗi vất vả chưa vượt qua, các đau thương lại lần lượt ập đến khi người mẹ tần tảo của Nguyễn Văn Xáng bị mù lòa sau những cơn đau đầu dữ dội. Cha của Nguyễn Văn Xáng cũng mắc bệnh và vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn trẻ. Bao đau buồn và gánh nặng lo toan từ đó như đè nặng lên vai anh.
Khó khăn là vậy nhưng Nguyễn Văn Xáng vẫn quyết tâm không bỏ trường học. Năm 1978, khi tròn 18 tuổi, Nguyễn Văn Xáng liền xung phong đi bộ đội.
Nhớ về những ngày tháng cũ, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng tâm tình: "Tôi hoàn toàn không thuộc diện thi hành nghĩa vụ quân sự (vì cha mất sớm, mẹ mù lòa) nhưng mong muốn được đóng góp sức mình cho Tổ quốc nên tôi đã viết đơn tình nguyện gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi được đưa vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, khi đó tôi vẫn chưa nghĩ mình sẽ trở thành thầy thuốc.
Sau những trận đánh ác liệt ở chiến trường K, tôi bị thương nặng, hàng ngày, tôi phải chiến đấu với những cơn đau đến quằn quại bởi vết thương, những đợt sốc liên tục… ngỡ như không thể qua nổi. Lúc ấy, chính các y bác sĩ đã tận tâm và cứu sống tôi. Họ thức suốt đêm để cấp cứu, chăm chút cho từng người lính, từ đó, trong ý nghĩ của tôi bắt đầu nhem nhóm khát vọng trở thành thầy thuốc".
Sau khi điều trị, anh được cho phục viên với chế độ thương binh hạng 3/4. Về lại Khánh Hòa, Nguyễn Văn Xáng ôn thi và đậu vào Đại học Y khoa Huế, năm 1986 anh tốt nghiệp và chính thức trở thành thầy thuốc.
Người thầy thuốc tận tâm
Thấu hiểu nỗi vất vả của người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo nên suốt mấy chục năm về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, thầy thuốc Nguyễn Văn Xáng không chỉ khám chữa bệnh cho bệnh nhân mà còn tư vấn, động viên tinh thần người bệnh một cách ân cần nhất.
Đau đáu vì sức khỏe của người bệnh, dù là bác sĩ hay khi làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, thầy thuốc Nguyễn Văn Xáng vẫn luôn miệt mài nghiên cứu nhiều đề tài, công trình để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Điển hình như đề tài "Khảo sát tình trạng nhiễm trùng bệnh viện tại các Bệnh viện Đa khoa thuộc Sở Y tế Khánh Hòa"; "Mô hình liên kết tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự và quản lý lưu trú tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa"; "Nghiên cứu đặc điểm tình hình tai nạn giao thông và xử lý cấp cứu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa"; "Sáng kiến dụng cụ thông vòi nhĩ"; "Nâng cao kiến thức hành vi của người dân tỉnh Khánh Hòa về phòng tránh bệnh ung thư"…
Cũng bởi khát vọng chăm lo cho người bệnh luôn cháy bỏng nên vài năm nay, dù đã nghỉ hưu nhưng thầy thuốc Nguyễn Văn Xáng vẫn luôn sẵn sàng đi khám bệnh thiện nguyện cho người nghèo, đồng thời ông còn tham gia Hội Tai - Mũi - Họng Khánh Hòa với vai trò Chủ tịch Hội.
Kỷ lục gia có 4.000 cây bút
Trong hành trình làm nghề y của mình, bắt đầu từ chiếc bút và cái đèn chuyên dụng ngành y được một ông thầy người Đức tặng cho mình, thầy thuốc Nguyễn Văn Xáng đã nảy ra ý định sưu tầm tất cả các loại bút.
Đến nay, ông đã có 4.000 cây bút và được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là kỷ lục gia sở hữu bộ sưu tập bút viết với số lượng và chủng loại nhiều nhất châu Á.
Chia sẻ về sở thích này, thầy thuốc Nguyễn Văn Xáng cho biết: "Mỗi cây bút như một kỷ niệm đánh dấu một sự kiện, một hành trình nào đó. Bút được tôi phân theo chủng loại, theo nhóm sự kiện. Với tôi, bút còn biểu thị cho sự hiếu học và trí tuệ, mỗi cây bút nhắc nhớ về một vùng đất, một chuyến đi công tác hay một sự kiện tôi đã đến và được tặng bút hoặc sưu tầm được".
Vì số lượng bút quá nhiều, thầy thuốc Nguyễn Văn Xáng còn đưa chúng đến Làng nghề Trường Sơn (Nha Trang) để trưng bày cho nhiều khách quốc tế và người dân được chiêm ngưỡng.
Trong số 4.000 cây bút, có những cây chỉ nhỏ như ngón tay nhưng cũng có những cây bút to như bắp tay với giá trị rất cao, được lưu giữ cẩn thận. Lại có nhiều cây bút hình dáng cổ kính, sang trọng nhưng cũng có cây bút giản dị, gần gũi mang hình dáng như quả chuối, củ cà rốt, con cá ngựa… Tất cả đã làm nên một bộ sưu tập đầy sắc màu, ấn tượng.