Bây giờ, tuy đã về nghỉ hưu, nhưng những cống hiến thầm lặng mà cao quý cho ngành y tế địa phương của BS. Tâm luôn được nhiều người nhắc nhớ...
TTƯT. BS. Võ Thị Tâm.
Khi còn đương chức, không ít lần tôi ngỏ ý viết về tấm gương sáng của chị, nhưng BS. Võ Thị Tâm đã khéo léo từ chối và khiêm tốn cho rằng: “vẫn còn nhiều tấm gương âm thầm hy sinh, hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; còn riêng mình không chỉ làm bằng cái tâm của người thầy thuốc mà còn làm vì nhiệm vụ và bổn phận mà Đảng, Nhà nước. nhân dân giao phó, có gì đâu mà viết...”. Lần này, xông đất nhà chị, phải thuyết phục mãi BS. Võ Thị Tâm mới chịu dành thời gian kể lại những ký ức xưa. Và rồi tôi đã bị cuốn hút qua câu chuyện đời - chuyện nghề của chị.
BS. Tâm chậm rãi kể: “Chị sinh năm 1955, tham gia công tác ngành y tế huyện Tam Nông từ năm 1977, đã từng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, tốt nghiệp khóa đào tạo Bác sĩ chuyên khoa I...”.
Trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế trên 10 năm, đến năm 1989, Huyện ủy, UBND huyện Tam Nông phân công chị giữ chức Trưởng phòng Y tế rồi Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện, Giám đốc BVĐK huyện. Với cương vị lãnh đạo ngành y tế trong suốt thời gian dài (từ năm 1989 đến cuối năm 2011), BS. Tâm luôn rèn đức luyện tài, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, năng nổ trong công tác, khắc phục vượt qua mọi khó khăn... để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin tưởng của mọi người.
Giai đoạn khó khăn nhất là 1983-1992, huyện Tam Nông - trung tâm vùng Đồng Tháp Mười mới được tái lập nên cơ sở vật chất, y cụ còn nhiều thiếu thốn. Bởi, vùng đất ở đây bị nhiễm phèn nặng, cỏ năn mọc dày đặc, những ngày mưa bão, lũ lụt thì vô cùng khủng khiếp; giông lốc, sấm sét nổi lên ầm ầm. Những chuyến khám bệnh ở cơ sở phải đi bằng xe trâu băng qua những cánh đồng lầy lội hay bằng xuồng ba lá luồn lách qua các tuyến kênh rạch ngoằn ngoèo thật gian nan, khó nhọc... nên các y, bác sĩ về nhận nhiệm sở không thể trụ vững lâu ngày. Tại TTYT huyện gặp những ca bệnh nặng phải phẫu thuật gấp, mọi chuyện tưởng chừng không thể giải quyết tại chỗ trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề; di chuyển bằng đường thủy lại phải mất 2-3 giờ mới đến được thị xã Cao Lãnh. Thế nhưng, bằng nghị lực, bản lĩnh và y đức của người thầy thuốc, bằng cái tâm và cái tầm của người lãnh đạo, BS. Tâm đã phân công bác sĩ giỏi và các cộng sự của mình để cứu chữa kịp thời, giúp nhiều người bệnh vượt qua cơn thập tử nhất sinh.
BS. Tâm xúc động bày tỏ: Thật hạnh phúc biết bao khi mình đã cống hiến và làm được việc có ích cho xã hội, cho nhân dân. Dù khó khăn, thiếu thốn, vất vả, cực nhọc rất nhiều nhưng cảm được cái tình chân thật của người dân quê ở đây và bằng tình người nên BS. Tâm luôn dặn lòng phải gắn bó mật thiết với mảnh đất quê hương Tam Nông đã từng được mệnh danh: “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy” để cùng với tập thể thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả là cứu người!
Hơn thế, BS. Tâm luôn chú trọng công tác tham vấn với lãnh đạo ngành y tế cấp trên, đề xuất cụ thể với cấp ủy, UBND huyện kịp thời trong việc xây dựng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng y tế, trang bị máy móc, thiết bị, y cụ hiện đại... phục vụ tốt công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua nhiều năm, đội ngũ ngành y tế huyện có trên 200 người. Đa số các y, bác sĩ, dược sĩ... đều được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và luôn tận tâm phục vụ người bệnh. Các trạm y tế xã, thị trấn đều có bác sĩ, nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi, dược trung và y sĩ y học cổ truyền; tất cả 12 trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Ngoài các y cụ thông thường, các trạm y tế này còn được trang bị thêm thiết bị hiện đại như: máy siêu âm, máy đo điện tim, máy tổng phân tích nước tiểu... Trụ sở TTYT huyện Tam Nông đạt Chuẩn quốc gia cũng được xây dựng mới hoàn thành và đưa vào hoạt động, góp phần thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương. BVĐK huyện 130 giường đạt Chuẩn y tế cấp quốc gia cũng đã được thi công mới hiện đại, hoành tráng trên tổng diện tích đất 3.000m2, góp phần thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
BVĐK huyện Tam Nông khang trang, y cụ được trang bị hiện đại, thuốc chữa bệnh đầy đủ, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ được nâng lên nên hằng năm đã thu hút nhiều lượt người đến khám chữa bệnh. BS. Tâm còn tổ chức tốt việc khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, tạo niềm tin cho người tham gia BHYT tiếp cận với dịch vụ y tế ở địa phương. Bằng sự tham mưu tích cực và kêu gọi tài trợ gần 650 triệu đồng của BS. Tâm, công trình nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh đang nằm điều trị nội trú tại BVĐK huyện cũng được thi công, hoàn thành vào đầu năm 2007. Dãy nhà được xây dựng trên diện tích 400m2 (cạnh bệnh viện), có 7 phòng, với trên 30 giường; các phòng được trang bị đầy đủ máy điều hòa, quạt máy, khu vệ sinh... giúp thân nhân người bệnh đang điều trị nội trú tại bệnh viện có nơi ở, sinh hoạt thật khang trang, thoải mái...
BS. Tâm (thứ 4 từ trái qua) nhận quà tại Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Lúc đương nhiệm, BS. Tâm đã tổ chức tốt việc khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT tại tất cả các cơ sở y tế công lập trong toàn huyện, tạo niềm tin cho người tham gia BHYT tiếp cận với dịch vụ y tế ở địa phương. Dưới sự điều hành năng nổ của BS. Tâm, các chương trình y tế quốc gia hằng năm đều được thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trên giao như: tiêm chủng mở rộng, uống vắc-xin ngừa bệnh bại liệt, phòng chống bướu cổ, sốt rét, lao, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình... Hoạt động phòng chống HIV/AIDS cũng được ngành và các địa phương chú trọng thực hiện nhiều biện pháp truyền thông, tư vấn - nhất là việc tác động trực tiếp vào những đối tượng có hành vi nguy cơ cao... Các dự án phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ, phòng chống bệnh sốt xuất huyết... đều được thực hiện đạt kết quả khả quan. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm đáng kể... Bên cạnh đó, BS. Tâm vừa xuất tiền cá nhân, vừa vận động các mạnh thường quân đóng góp tài trợ tiền của,... để khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo; phẫu thuật tim, mổ mắt đặt thủy tinh thể miễn phí cho nhiều người bệnh nghèo trong huyện. Để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn ngày càng hiệu quả hơn, BS. Tâm còn tích cực tìm hiểu và tham gia nghiên cứu khoa học. Đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát thực trạng trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng tại thị trấn Tràm Chim” của BS. Võ Thị Tâm đã được Hội đồng khoa học Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đánh giá rất cao...
Trải qua quá trình công tác, gắn bó với ngành y tế huyện Tam Nông, BS. Võ Thị Tâm đã đóng góp nhiều công sức, tài trí của mình cho thành tích chung của sự nghiệp phát triển ngành y tế địa phương... đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. BS. Võ Thị Tâm đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe trẻ em; UBND tỉnh Đồng Tháp tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cùng nhiều Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. BS. Tâm cũng đạt danh hiệu Phụ nữ giỏi việc nước - đảm việc nhà, Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền...
Bây giờ, tuy đã nghỉ hưu, nhưng BS. Võ Thị Tâm vẫn ngày đêm dõi theo tiến trình phát triển của ngành y tế huyện Tam Nông và có những đóng góp tích cực cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng cái tâm, cái đức của người thầy thuốc. Hơn 3 năm nay, BS. Tâm đã cùng chồng là ông Lê Hoàng Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông) thành lập Quỹ Khuyến học gia đình để giúp đỡ được nhiều học sinh, sinh viên khó khăn có điều kiện tiếp bước đến trường mà không phải nghỉ học nửa chừng. Hơn 3 năm hoạt động, Quỹ Khuyến học gia đình Nam Tâm đã trao học bổng, tặng đồ dùng học tập nhiều học sinh nghèo, hiếu học... với tổng trị giá hàng chục triệu đồng. Nhân ngày khai giảng năm học mới 2017, tại Trường Tiểu học Tân Huề 1, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, chị Võ Thị Tâm đã tiếp tục xuất Quỹ Khuyến học gia đình trao 10 suất học bổng mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và 1.000 quyển tập cho học sinh nghèo, hiếu học của trường. Tổng trị giá trong quà lần này trên 15 triệu đồng. Trước đó, chị Tâm cũng đã xuất Quỹ xây tặng phòng học mẫu giáo cho địa phương này, với tổng số tiền trên 300 triệu đồng, và mới đây Quỹ cũng trao học bổng cho các học sinh, sinh viên Trường Tiểu học, THCS Phú Thành B trên 30 triệu đồng. Quỹ Khuyến học này là động lực giúp không ít học sinh, sinh viên vượt khó, vươn lên trong học tập.
Ông Tư Thủ - nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Tam Nông bày tỏ: “Tôi đánh giá rất cao về BS. Võ Thị Tâm. Chị ấy rất có năng lực trong quản lý và là một thầy thuốc giỏi, tận tâm với nghề, một tấm gương hy sinh thầm lặng cho ngành y tế. BS. Tâm đã âm thầm đóng góp công sức, trí lực của mình cho sự phát triển ngành y tế huyện Tam Nông rất đáng trân trọng”.
Nhận xét về người tiền nhiệm của mình, BS. Trần Hữu Trí - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Nông nói: “Tính đến thời điểm này, BS. Võ Thị Tâm đã có trên 35 năm gắn bó ngành y tế với cương vị là Giám đốc Trung tâm Y tế từ những năm 1989 đến nay. Không chỉ là người tận tình cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, chị còn tích cực tham gia phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Trong thời gian công tác, chị đã tham gia và chủ trì thực hiện trên 20 đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 1 đề tài cấp tỉnh. Đối với chị, lòng thương yêu người bệnh được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, ở lề lối làm việc có chương trình, kế hoạch và có biện pháp kiên quyết thực hiện kế hoạch, ở tác phong sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng, tận tụy và hết lòng phục vụ sức khỏe nhân dân, chăm lo giáo dục tư tưởng và đời sống cán bộ, ở tinh thần không ngừng nâng cao trình độ công tác và năng lực lãnh đạo. Không những giỏi việc nước, chị còn làm tròn phận sự của người mẹ hiền, người con hiếu thảo.
Dù đã được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú nhưng bản thân chị vẫn không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, luôn khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức trong thực thi nhiệm vụ; luôn trung thực trong công tác, có tinh thần đoàn kết nội bộ, tận tình cứu chữa bệnh nhân nghèo. Chị là tấm gương sáng, mẫu mực mà đội ngũ thầy thuốc huyện nhà như chúng tôi nên học tập để tiến bộ không ngừng, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần cho ngành y tế địa phương ngày càng phát triển. Hiện nay, chị đã về hưu nhưng với tinh thần trách nhiệm của người Thầy thuốc Ưu tú đi trước, chị vẫn thường xuyên quan tâm đến tình hình sức khỏe của người dân địa phương, cũng như đời sống vật chất tinh thần của cán bộ viên chức ngành y tế. Chị thật xứng danh là người Thầy thuốc Ưu tú mà Chủ tịch nước vinh danh và phong tặng!”.