Chuyện về nữ bác sĩ vùng Ðồng Tháp Mười

15-09-2015 20:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Gần 30 năm gắn bó với ngành y tế, nữ bác sĩ Nguyễn Kim Dung, sinh năm 1964, hiện là Trưởng Trạm y tế xã Phú Cường, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đã nỗ lực, phấn đấu vượt mọi khó khăn...

Gần 30 năm gắn bó với ngành y tế, nữ bác sĩ Nguyễn Kim Dung, sinh năm 1964, hiện là Trưởng Trạm y tế xã Phú Cường, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đã nỗ lực, phấn đấu vượt mọi khó khăn, cống hiến cho sự nghiệp dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương...

Quê BS. Kim Dung ở ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đầu tháng 10/1987, sau khi tốt nghiệp khóa y sĩ đa khoa tại Trường trung học y tế Đồng Tháp, y sĩ Dung về làm việc tại Trạm y tế xã Phú Thọ, huyện Tam Nông. Công tác được hơn một năm, y sĩ Dung kết duyên với y sĩ Đoàn Thanh Tiến là bạn học cùng lớp y tế, quê ở xã Phú Cường đang công tác tại Công ty dược Tam Nông. Năm 1989, y sĩ Dung được chuyển đến Trạm y tế xã Phú Cường và được phân công nhiệm vụ Phó trưởng Trạm y tế xã.

Chuyện về nữ bác sĩ vùng Ðồng Tháp Mười

BS. Nguyễn Kim Dung thường xuyên theo dõi báo SK&ĐS để trang bị thêm kiến thức.

Công tác được 6 năm, y sĩ Kim Dung quyết định đi học chuyên tu bác sĩ đa khoa 3 năm tại Trường đại học Cần Thơ. Hoàn thành khóa học năm 2000, BS. Nguyễn Kim Dung ra trường trở về quê nhà và được phân công làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Tam Nông. Hai năm sau, BS. Dung được điều động giữ chức Trưởng Trạm y tế xã Phú Cường.

Những năm đó, hệ thống nước sạch ở xã Phú Cường chưa có, phải lấy nước kênh lên lắng phèn rồi sử dụng chung cho cả ăn uống, tắm giặt; địa bàn rộng, đời sống người dân nghèo khổ, trình độ học vấn hạn chế, giao thông đi lại còn nhiều trở ngại... Chuyện sinh đẻ phải “phó thác” cho các “bà mụ vườn”. May mắn thì “mẹ tròn - con vuông”, còn rủi ro thì hậu quả khó lường... Khó khăn là vậy, nhưng BS. Dung vẫn bám trụ và hết lòng với công việc.

Khi BS. Kim Dung có mặt tại địa phương, không có nơi nào mà BS. Dung chưa từng đặt chân tới để khám chữa bệnh, tuyên tuyền, vận động nhân dân tiêm chủng mở rộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Từ đó, chuyện khám chữa bệnh và đỡ đẻ đã được thay đổi nâng lên theo hướng khoa học và tích cực. Người dân không còn chịu sự may rủi khi phải “đi biển mồ côi một mình” và cũng không còn chịu cảnh chữa bệnh theo kiểu “mê tín dị đoan”, cúng vái mười phương tám hướng, cầu trời khấn Phật vuốt ve, che chở cho mau hết bệnh...

Với lòng đam mê và sự kiên trì, xông xáo, linh hoạt... BS. Dung luôn dành thời gian nghiên cứu tài liệu chính sách về y tế, DS-KHHGĐ, nghe đài, xem tivi, đọc báo, nhất là báo Sức khỏe&Đời sống, báo Gia đình và xã hội... để trang bị thêm kiến thức, nâng cao trình độ. Suốt gần 30 năm công tác trong ngành y tế và trên 10 năm phụ trách chương trình DS-KHHGĐ, BS. Dung luôn tìm mọi cách tiếp cận những gia đình đông con, nghèo khổ và các gia đình có đủ 2 con để tâm tình, giải thích cặn kẽ và thuyết phục họ tự nguyện chấp nhận thực hiện sinh đẻ có kế hoạch bằng các biện pháp tránh thai thích hợp, an toàn. BS. Dung còn xây dựng mạng lưới nhân viên sức khỏe cộng đồng đầy nhiệt huyết, phụ trách ở từng khu vực dân cư; mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kiến thức cho mạng lưới nhân viên sức khỏe cộng đồng.

Do bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời hoàn cảnh tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình, từng đối tượng nên không ít hộ gia đình đã được BS. Dung tham mưu với UBND xã và các ngành - đoàn thể địa phương hỗ trợ vốn kịp thời để có vốn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình... Từ đó, những hộ này tin tưởng, chấp hành tốt cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình bằng biện pháp triệt sản. Nhiều đối tượng triệt sản gia cảnh quá neo đơn đã được địa phương hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ các nguồn quỹ tín dụng và giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm... để cải thiện cuộc sống. Có thể nói, nhờ sự tận tụy của BS. Dung mà tình hình sức khỏe nói chung của người dân địa phương xã Phú Cường đã được cải thiện đáng kể, số người tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Năm 2013, toàn xã đã có 1.507 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm tỷ lệ 79,99%; tỷ lệ tăng dân tự nhiên giảm còn 1%; tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 giảm còn 0,73%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi giảm còn 18,7%... Năm 2014, xã Phú Cường có 1.653 người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại còn tác dụng, đưa tỷ lệ các cặp vợ chồng đang áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên trên 80%; tỷ lệ tăng dân tự nhiên giảm còn 0,94%; tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 giảm còn 0,72%... Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn xã đã có 665 người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó, có 153 chị đặt vòng, 184 anh sử dụng bao cao su, 181 chị uống thuốc viên tránh thai, 142 người tiêm thuốc ngừa thai, 3 người cấy thuốc tránh thai và 2 người triệt sản.

Chuyện về nữ bác sĩ vùng Ðồng Tháp Mười

BS. Dung điều trị cho bệnh nhân.

Hàng chục năm qua, BS. Dung luôn lặn lội xuống tận từng nhà vận động được trên 300 chị em chấp nhận đặt vòng tránh thai, hơn 50 người triệt sản... Nhớ về những kỷ niệm sâu sắc của mình, BS. Dung kể: “Vào khoảng năm 2000, có một lần sản phụ đến sinh lúc 1 - 2 giờ khuya vào một đêm mùa đông giá lạnh, quá trình rặn đẻ làm bắn cả nước tiểu cả vào mặt mũi, đầu, cổ người tôi, nhưng vì đang đỡ bé xổ đầu nên phải cố gắng chịu đựng không né tránh đâu được. Chờ đến khi sinh xong, mẹ và bé khỏe, tôi phải xuống tận kênh tắm gội, mặc cho tiết trời mùa đông lạnh buốt. Và tôi còn nhớ như in câu chuyện: một lần chuyển sản phụ lên Bệnh viện đa khoa huyện Tam Nông vì lý do rặn lâu, không chuyển, có nguy cơ dọa vỡ tử cung, bắt buộc phải phẫu thuật và phải chuẩn bị máu để truyền cho sản phụ. Bệnh viện lại hết máu dự trữ, đành phải vận động người thân thử máu để hiến. Không có người nào cùng nhóm máu và cũng không có máu cho. Cuối cùng, tôi tình nguyện hiến máu để cứu sản phụ. Sau này, người nhà của sản phụ hôm đó đã xem tôi như là người thân trong nhà. Có món gì ngon, đặc sản là mang cho tôi “tẩm bổ”...” (cười).

Trải qua nhiều năm công tác tại địa phương, BS. Kim Dung trăn trở và thấu hiểu với những khó khăn, thiếu thốn của người dân khi thụ hưởng dịch vụ y tế... Từ đó, BS. Dung đã nhiều lần tham mưu với lãnh đạo ngành y tế cấp trên; đề xuất xây dựng mới trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, trang bị máy móc, thiết bị, y cụ hiện đại... phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mỗi năm, BS. Dung  khám chữa bệnh cho hàng trăm lượt người trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn mọi bề để giành giật lại sự sống từ tay tử thần. Nhiều loại dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn... đã kịp thời được khống chế, đẩy lùi. BS. Dung đã trở thành niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của người bệnh và nhân dân nơi đây. BS. Kim Dung bày tỏ: “Nhìn chung tất cả những chỉ tiêu y tế hàng năm đều đạt và vượt. Đặc biệt, Trạm y tế xã còn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh khả thi, nhiều năm liền xã Phú Cường không có dịch bệnh lớn xảy ra. Riêng tôi cũng tham gia 2 lần xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học, được Hội đồng nghiên cứu khoa học huyện công nhận và được tỉnh phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua”.

Ông Võ Văn Rọi - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường nhận xét: “Quá trình công tác tại Trạm y tế xã Phú Cường, BS. Kim Dung rất linh hoạt và tâm huyết với công tác y tế, DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe nhân dân nên đã đưa xã Phú Cường vươn lên nhiều năm liền là điểm sáng về công tác DS-KHHGĐ và chương trình y tế quốc gia của huyện Tam Nông”.

Nhiều năm liền, xã Phú Cường liên tục đạt thành tích xuất sắc về công tác y tế, DS-KHHGĐ của huyện Tam Nông và tỉnh Đồng Tháp, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “đã có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2001-2003 góp phần vào sự nghiệp Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, Bộ Y tế tặng Bằng khen vì “đã có nhiều thành tích trong lĩnh vực y tế dự phòng 10 năm 1991- 2000” và “Đã có nhiều thành tích xuất sắc thực hiện dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia giai đoạn 1985-2005”; UBND tỉnh, huyện và Sở Y tế, ngành DS-KHHGĐ tặng nhiều Bằng khen kèm hiện vật. BS. Nguyễn Kim Dung cũng vinh dự nhận được Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số” vào năm 2011, “Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân” năm 2012, “Vì sự nghiệp phụ nữ” năm 2013; nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, huyện và ngành y tế, DS-KHHGĐ các cấp. Đặc biệt, BS. Kim Dung đã vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tặng Bằng khen “Đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền. Sở y tế tỉnh Đồng Tháp tặng Giấy khen “Hoàn thành nhiệm vụ trong thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình năm 2009”. UBND huyện Tam Nông tặng Giấy khen “Hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua yêu nước, phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2005-2009”... Nhìn gương mặt và nụ cười rạng rỡ của BS. Dung, tôi hiểu được trong đó là cả một quá trình kiên trì - tích cực, làm việc vất vả và cả niềm đam mê - hạnh phúc của một nữ bác sĩ luôn mang niềm vui đến cho mọi người, giúp nhiều gia đình nhẹ bớt lo toan trong cuộc sống bộn bề - khó khăn.

Qua quá trình công tác, gắn bó với ngành y tế, BS. Nguyễn Kim Dung đã đóng góp nhiều công sức, tài trí của mình cho thành tích chung của sự nghiệp phát triển ngành y tế địa phương. Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trần Hữu Trí - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Nông nhận xét: BS. Kim Dung là một trong những tấm gương sáng về y đức. Dù trong gian khó - khổ cực, cô ấy vẫn bền lòng - vững chí vượt qua, tận tâm với nghề, thầm lặng cống hiến trọn cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp y tế, DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tôi đánh giá rất cao về BS. Kim Dung: một con người năng động, nhạy bén và linh hoạt; một tấm gương hy sinh thầm lặng cho ngành y tế huyện Tam Nông rất đáng trân trọng. BS. Dung là tấm gương mẫu mực, chuyên cần học tập để tiến bộ không ngừng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần cho ngành y tế địa phương ngày càng phát triển. BS. Nguyễn Kim Dung thật xứng đáng là tấm gương “Thầy thuốc như mẹ hiền”, người bác sĩ Vì sự nghiệp dân số…    

TRẦN TRỌNG TRUNG

 


Ý kiến của bạn