Người dân mắc bệnh chỉ biết cúng bái
Ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, mỗi khi dân bản ốm đau, bệnh tật là mọi người nhớ ngay đến bác sĩ Trần Văn Nam (cán bộ quân y thuộc Đồn Biên phòng Mường Lạn). Bước sang tuổi 52 nhưng bác sĩ Nam đã có đến 30 năm gắn bó với bà con dân tộc thiểu số khu vực biên giới.
Gặp chúng tôi khi đang vượt qua con dốc hiểm trở để đến các bản làng vùng sâu, vùng xa khám bệnh cho người dân, bác sĩ Nam kể: "Năm 1994 khi mới lên đây công tác, tôi cũng nản lòng lắm, vì đường xá đi lại khó khăn, sự bất đồng ngôn ngữ khiến mình không hiểu bà con nói gì để tìm đường chứ chưa nói đến việc thăm khám. Công việc thử thách đầu tiên là đỡ đẻ. Ngày ấy do đường xá xa xôi, phụ nữ trong bản toàn sinh con tại nhà nên bất đắc dĩ tôi phải làm bà đỡ cho 3 sản phụ. Sau đó, ai đẻ cũng đến nhờ tôi đỡ cho cả".
Thời điểm năm 2000, bệnh sốt rét hoành hành tại Mường Lạn, người dân cứ nghĩ do ma rừng làm, chỉ biết cúng bái. Sau đó, bác sĩ Nam xuống từng bản vận động bà con rắc vôi, phát quang dọn dẹp vệ sinh, hướng dẫn việc ăn chín uống sôi, phát thuốc cho bà con. Nhờ vậy, dịch bệnh này đã được đẩy lùi…
Bà Lò Thị Vai (60 tuổi, trú bản Pu Hao) bộc bạch, Mường Lạn chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống.
Nhiều nhà có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lại ở xa trung tâm huyện nên Đồn Biên phòng Mường Lạn cũng như trung tâm y tế xã là điểm tựa đầu tiên của bà con mỗi khi "trái gió trở trời".
Bà Vai cho hay, các bác sỹ quân y của Đồn luôn túc trực cả ngày đêm, bà con có thể đến khám bất cứ lúc nào nên ai cũng tin tưởng, quý mến. Nhất là những bệnh nhân ở xa, sẽ được bác sĩ đến tận nhà thăm khám trực tiếp.
Ông Lò Văn Nô (71 tuổi, trú bản Mường Lạn) tâm sự, tôi bị bệnh nấm sâu ở chân đã gần 10 năm nay, đi lại phải chống nạng, đang phải điều trị tại nhà. Hằng tuần, bác sĩ Nam đều xuống nhà đo huyết áp, theo dõi bệnh tình cho tôi.
"Thực sự cảm ơn các bác sĩ Biên phòng đã khám bệnh miễn phí cho người dân, lại còn phát thuốc nữa. Không có các anh, bà con nghèo chẳng biết bấu víu vào đâu, chúng tôi biết ơn bộ đội nhiều lắm", ông Nô xúc động nói.
Theo bác sĩ Nam, người dân ở Mường Lạn hay mắc các bệnh về xương khớp, huyết áp, tim mạch và các loại bệnh tích lũy do lao động nặng thường xuyên. Đặc biệt, do có thói quen dùng nước suối nên hay mắc bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da.
Khi người dân đến đồn biên phòng thăm khám, nếu trong khả năng thì được cấp thuốc miễn phí, không thì sẽ được hướng dẫn lên bệnh viện tuyến trên.
"Bác sĩ của bản làng"
Còn tại xã Mường Và, nơi khó khăn nhất của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, chúng tôi gặp bác sĩ quân y Nguyễn Ngọc Sáng, Bệnh xá trưởng Đoàn KT-QP 326. Hơn 15 năm gắn bó với đồng bào vùng cao, anh Sáng không thể nhớ hết những con dốc, khe suối đã từng qua. Miệt mài, tận tâm bám dân, bám bản chăm sóc sức khoẻ và điều trị cho bà con nơi đây, anh được dân bản tin yêu, quý mến gọi bằng cái tên thân mật "bác sĩ của bản".
Theo bác sĩ Sáng, hơn một thập niên trước, các xã Mường Và, Mường Lèo, Nậm Lạnh, Sam Kha… huyện Sốp Cộp, cuộc sống người dân còn rất khó khăn, lạc hậu. Khi cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn thì việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân trở nên rất xa vời đối với đồng bào nơi đây. Mỗi khi có bệnh, người dân thường chữa trị bằng kinh nghiệm dân gian, mời thầy mo, thầy cúng về nhà "bắt bệnh" và chỉ khi bệnh nặng mới tìm đến thầy thuốc.
Từ trung tâm huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vào Đoàn KT- QP 326 lúc bấy giờ chỉ có con đường mòn duy nhất dài chừng 35 km, cách di chuyển duy nhất là đi bộ, nếu "tăng bo" bằng xe máy cũng phải mất tới nửa ngày đường, rất vất vả mỗi khi chuyển bệnh nhân lên trung tâm y tế huyện. Cảm nhận sự khó khăn, vất vả ấy, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng đề xuất với chỉ huy Đoàn tổ chức các chuyến công tác dài ngày từ 1 đến 2 tháng đến với các thôn, bản vùng sâu, vùng xa; thực hiện "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào xoá bỏ hủ tục lạc hậu, ăn ở hợp vệ sinh.
Nhớ lại thời điểm ban đầu, biết đồng bào không tin và còn ngại khi tiếp xúc với thầy thuốc quân y, anh chủ động học thêm tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Lào, do Đoàn tổ chức và học cả chính những bệnh nhân khi có điều kiện tiếp xúc. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động tích cực, linh hoạt của bác sĩ Sáng và cán bộ y, bác sĩ bệnh xá, chỉ một thời gian ngắn, nạn tảo hôn ở địa phương giảm rõ rệt, người dân ăn ở hợp vệ sinh, tỉ lệ gia đình sinh đông con giảm hẳn, có bệnh là tìm đến bệnh xá để được thầy thuốc quân y khám bệnh.
Cũng có nhiều trường hợp không may mắc bệnh, do sức khoẻ yếu không thể đến bệnh xá điều trị, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng lại cùng đội ngũ nhân viên quân y tìm đến gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật. Như trường hợp ông Lò Văn Sịnh, ở bản Mạt, xã Mường Lèo mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vợ ông bị tiểu đường biến chứng hơn 10 năm nay, mắt không nhìn thấy gì. Thấu hiểu hoàn cảnh nên hàng tuần bác sĩ Sáng trực tiếp đến gia đình khám bệnh, cấp thuốc, điều trị cho vợ chồng ông Sịnh…
Rồi không ít lần nửa đêm, hễ nhận được tin báo có ca bệnh là bác sĩ Sáng không quản ngại đường xá, đến tận nơi thăm khám rồi đưa bệnh nhân đến trạm xá điều trị. Nhờ các bác sỹ quân y bám trụ ở vùng cao mà không ít người đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần"...
Nghĩa tình từ Trạm xá quân dân vùng biên giới
Ở tỉnh vùng cao Sơn La, không chỉ có những trạm y tế của những bác sỹ quân y phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số mà còn có cả Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt – Lào (đóng tại xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu) để khám chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào.
Anh Kít Ti - Khun Keo U Đôn (bản Mường Đưng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn) chia sẻ: "Trước đây, khi chưa có trạm xá này, ốm đau, bệnh tật tôi cũng như người dân trong bản phải ngược lên bệnh viện trung tâm của huyện Sốp Bâu để khám và chữa bệnh; đường sá xa xôi, chi phí lại tốn kém. Từ khi Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới Việt - Lào đi vào hoạt động, chúng tôi được khám chữa bệnh hết sức thuận tiện, các y bác sỹ quân y rất tận tình, chu đáo. Người dân Lào chúng tôi rất yên tâm và biết ơn các bác sỹ quân y Việt Nam rất nhiều".
Xem thêm video được quan tâm:
Giải đáp: Tại sao "trái gió trở trời" lại xảy ra tình trạng đau nhức xương khớp?