Tấm lòng cao cả của những người "mẹ hiền"
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ". Theo lời Bác dạy, 12 năm qua, với vai trò, chức năng của mình, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh (gọi tắt là Trung tâm), Phường 5, TP. Mỹ Tho đã làm tốt công tác giáo dục hòa nhập, giúp nhiều trẻ vượt qua mặc cảm về khuyết tật của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Đến Trung tâm vào một ngày trong tuần, không gian khá vắng lặng, vì trong mỗi lớp học chỉ có 01 cô 01 trò và 01 phụ huynh. Hình ảnh cô Nguyễn Thị Phụng ân cần chỉ dẫn em N.K.N, mắc chứng tăng động đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng. Từng cử chỉ lặp đi lặp lại, từng lời giảng chậm rãi, cụ thể, kiên trì hướng dẫn phân biệt màu sắc và xé dán tranh theo mẫu.
Cô Phụng cho biết: Trước đây, cô dạy ở Trường Tiểu học Cái Bè. Từ năm 2007, cô xin về đây dạy để gần nhà. Ban đầu, cô chỉ nghĩ đây cũng đơn thuần là một công việc để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Nhưng càng tiếp xúc với trẻ và gia đình trẻ, cô thấy có sự đồng cảm, sẻ chia và gắn bó hơn. Tình thương dành cho các em không may bị khiếm khuyết đã dần bồi đắp tình yêu nghề trong cô.
Cô Phạm Thị Thanh Vân, dù không được đào tạo chuyên môn, chưa từng dạy trẻ khuyết tật, nhưng với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cũng như sự đồng cảm với trẻ khuyết tật. Hơn 10 năm từ công tác văn phòng cô Vân đã trực tiếp giảng dạy các bé. Cô Vân chia sẻ: Với chuyên ngành công tác xã hội, khi chuyển sang dạy các em cô đã đăng ký học các lớp hướng dẫn phương pháp dạy trẻ khuyết tật. Hiện tại, cô đang dạy em H.N bị rối loạn ngôn ngữ, bằng phương pháp âm ngữ trị liệu. Chỉ với âm môi cô phải dạy mất mấy tháng em mới phát âm được.
Cô Vân nhớ lại những ngày H.N đi học, em hoàn toàn không phát âm được, cứ mỗi buổi sáng, khi bà ngoại đưa em tới trường thì cô phải chờ sẵn ở bên ngoài, trực tiếp dẫn em vào trong lớp. Nếu cô mà không ra đón là H.N không chịu vào lớp. Tuy không phát âm được, nhưng bằng ánh mắt của em, cô có thể biết được em muốn gì. Bà ngoại của H.N cho biết: "Khi cháu đến tuổi đi học, gia đình tôi cũng lo vì không biết có nơi nào nhận dạy những người như cháu hay không. Khi đưa cháu đến Trung tâm thì may mắn cháu được nhận, dạy cháu học tập tốt. Qua thời gian ngắn, cháu đã nói được vài từ. Gia đình tôi cảm ơn cô và Trung tâm nhiều lắm".
Cô Vân bộc bạch: "Tuy các em chưa nói được những lời yêu thương, nhưng nhìn những ánh mắt ngây thơ của các em, cô càng vững tin vào con đường mình đã chọn. Nhìn các em chỉ thấy thương chứ không thể tức giận, dù các em quậy phá, nhiều khi còn làm cô bị thương nhưng đều là những hành động vô thức, ngoài tầm kiểm soát của trẻ".
Hơn cả tình yêu thương
Mỗi giáo viên ở Trung tâm trung bình sẽ dạy 14 em/tuần, vì mỗi em là một dạng khuyết tật khác nhau, nên các cô dạy đều phải soạn giáo án riêng cho từng em. Điều thú vị là trong kế hoạch bài giảng của giáo viên không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học; thậm chí, một nội dung bài học có thể kéo dài vài tháng. Bên cạnh đó, điều các bé cần nhất là xóa đi mặc cảm khuyết tật để tự tin giao tiếp, tự tin nói lên suy nghĩ, cảm xúc và thể hiện bản thân. Do đó, đòi hỏi các cô phải tự trau dồi nhiều kỹ năng, nhất là trong ngôn ngữ trị liệu và tâm lý giáo dục để gần trẻ, thấu hiểu trẻ hơn.
Có tận mắt chứng kiến giáo viên tại Trung tâm dạy các em, mới thấy hết sự nhẫn nại thể hiện ở từng cử chỉ và động tác của các cô với những học trò đặc biệt này. Cô Bùi Thị Diện đang miệt mài hướng dẫn em A.T nhận biết các hình ảnh đơn giản. Người nhà A.T cho biết: A.T năm nay được 05 tuổi, ở nhà em không chịu hợp tác, nói không nghe, kêu cũng làm. Khi đưa A.T đi khám thì bác sĩ bảo em bị chứng tự kỷ. Với tình yêu trẻ và sự kiên nhẫn của cô Diện, trong 03 tháng cháu đã có chuyển biến rõ nét. A.T đã chịu hợp tác, nghe lời cô giáo.
Cô Diện tâm sự: Cô về công tác tại Trung tâm từ năm 2001 (trước đây là Trường Khiếm thính). Từ dạy trẻ bình thường chuyển sang dạy trẻ khiếm khuyết cô gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, cô đã tham gia các lớp tập huấn về các dạng khuyết tật ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để có thể hiểu và dạy các em. Cô còn nhớ, có trẻ mỗi lần mẹ đưa tới Trung tâm là khóc, mà em khóc là em ói, mà tình trạng kéo dài gần cả năm. Cũng nhờ sự kiên trì của phụ huynh là động lực để cô cố gắng dạy em. Vì thế, phải hiểu được bệnh lý, tính cách từng trẻ mới có thể dạy được. Có trẻ phải mềm dịu, nhưng cũng có trẻ cần phải cứng rắn. Nhìn những nụ cười ngây thơ của các em, trong tim cô có sự đồng cảm và tự nhủ phải có trách nhiệm chăm sóc các em kém may mắn này. Kể từ đó, cô biết mình có mối lương duyên chẳng thể cắt bỏ với những đứa trẻ ấy.
Theo thầy Nguyễn Minh Nghĩa, để tiếp cận các trẻ bị mắc chứng tăng động giảm chú ý, các thầy ở Trung tâm phải tìm cách đồng hành với các em. Vì thế, Trung tâm đã trang bị 01 phòng có rất nhiều đồ chơi để các em thỏa thích vui chơi. Thông qua vận động cơ thể giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi đùa".
Nỗi niềm và trăn trở
Để hiểu hơn tính cách trẻ, giáo viên còn tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của các bé từ phụ huynh. Bên cạnh, các thầy, cô còn tư vấn cho phụ huynh nắm được các phương pháp tác động riêng cho từng em, để phụ huynh khi ở nhà có thể hướng dẫn thêm cho trẻ. Những giọt nước mắt của người mẹ, tiếng thở dài của người cha làm cho thầy, cô giáo nơi đây không khỏi trăn trở. Đối với họ, có một đứa con không may bị khuyết tật đã là nỗi lo, nỗi đau quá lớn, đeo đẳng suốt phần đời còn lại.
Các cháu đến Trung tâm đều là những trẻ khuyết tật trí tuệ đặc biệt nặng, mắc hội chứng Down, tự kỷ, rối loạn hành vi không có khả năng nhận thức, hoặc nhận thức rất kém, ngoài ra còn có không ít cháu bị câm, điếc… Mỗi cháu có một tính cách và hoàn cảnh khác nhau nên việc dạy không hề dễ dàng. Các thầy, cô giáo của Trung tâm luôn trăn trở về cái nhìn của xã hội đối với trẻ khuyết tật và về nhận thức của một số ít trường phổ thông tiếp nhận học sinh khuyết tật vào học hòa nhập.
Cô Cao Thị Tiếng, Giám đốc Trung tâm cho rằng: Phụ huynh có con em bị các dạng khuyết tật cần đến Trung tâm để được hỗ trợ, can thiệp sớm, được hướng dẫn các phương pháp giáo dục hòa nhập tại nhà cho bé, để các bé được hưởng một cách đầy đủ và trọn vẹn quyền trẻ em, được học tập, vui chơi và được xã hội trân trọng. Lợi ích của các bé khi vào Trung tâm học tập là được tiếp cận với phương pháp giáo dục can thiệp khoa học, được trị liệu, được trang bị các kỹ năng cần thiết để tự lập và hòa nhập, đặc biệt là gia đình sẽ không phải đóng bất cứ một mức phí nào. Đây chính là chính sách ưu đãi, sự quan tâm của Nhà nước dành cho các bé không may mắn có được một cơ thể, một trí tuệ bình thường.
Cô Cao Thị Tiếng, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Trung tâm hiện là "ngôi nhà chung" của hơn 182 trẻ khuyết tật ở các lứa tuổi, các em bị các dạng khuyết tật như: Chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, tự kỷ, Down… do số lượng trẻ khuyết tật đông nên các em chỉ học 02 ngày/tuần và do các bé bị các dạng khuyết tật không giống nhau, nên cô giáo chỉ dạy 01 giờ/em, hết giờ em này thì đến em khác, bình quân 01 ngày các cô dạy từ 06 - 07 em. Trung bình mỗi năm, Trung tâm nhận và dạy cho gần 200 trẻ và có hơn 50 trẻ can thiệp sớm được hòa nhập tại các trường mầm non, tiểu học. |