Khi tiếp xúc, tôi được biết đó là mẹ, vợ và hai cô con gái của Nguyễn Ngọc Khiêm 30 tuổi ở Hưng Hà, Thái Bình – người đã hiến tạng vào tháng 5/2018. Nhờ sự quyết đoán của họ mà sự ra đi của Khiêm đã cứu được 6 người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng có hi vọng được sống.
Vợ của Khiêm năm nay 27 tuổi, em tên Nguyễn Thị Thu Hằng là cô gái xinh xắn và khá nhanh nhẹn, hiện đang làm công nhân tại Thái Bình. Hằng chia sẻ: “Khi các bác sĩ nói chồng em đã chết não và được các anh chị ở Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia giải thích, em thấy rất hợp lý và khoa học. Ngay lúc đó em đã gọi điện về cho mẹ chồng em đang trông con ở quê và nói mẹ lên Hà Nội ngay có việc gấp. Mẹ em lập tức lên Hà Nội khi nghe em nói lại sự việc, em và mẹ em đã quyết định ký ngay vào lá đơn và hiến tạng của chồng cho y học. Đó là một quyết định rất nhanh và bây giờ cả hai mẹ con đều cảm thấy thanh thản”.
Chồng mất đi gành nặng gia đình đè lên đôi vai yếu đuối của Hằng nhưng em vẫn luôn tự hào về chồng và thấy thanh thản với quyết định của mình
Rưng rưng giọt nước mắt xúc động, Hằng kể lại, khi mới hiến tạng của chồng, gia đình vẫn giấu người làng, thế nhưng không hiểu sao mọi người biết được. Người hiểu về việc hiến mô tạng thì quý mến và thương gia đình em, nhưng cũng có nhiều người không hiểu thì họ nói em và mẹ đã “bán” tạng của con, của chồng để lấy tiền nuôi con nhỏ.
Thực sự lúc đó em cũng tủi thân lắm, nhưng rồi nhờ có các anh chị ở Trung tâm điều phối tạng quốc gia và các anh chị báo chí truyền hình vào cuộc nên dần dần mọi người đã hiểu về ý nghĩa đó và bây giờ đã không còn mặc cảm với gia đình em nữa. Hơn ai hết Hằng hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc này nên ngay sau đó Hằng cũng đã làm đơn đăng ký hiến tạng.
Kể về con trai mình từ ánh mắt đến giọng nói luôn toát lên sự tự hào, bà Định Thị Thông mẹ của Khiêm chia sẻ, gia đình chúng tôi đã hiến tạng của con mình để cứu người, đó là một hành động tự nguyện, chúng tôi không có đòi hỏi bất kể cái gì. Con trai tôi, cháu ngoan ngoãn được bạn bè quý mến. Khi cháu ốm nằm viện và khi cháu mất rồi bạn bè của cháu vẫn luôn đến thăm động viên gia đình. Khi tôi được nhìn thấy trái tim của con mình đang đập trong người đàn ông được ghép tim ở Huế trên báo đài, tôi vui mừng khôn xiết đến không ăn không ngủ được. Vậy là con tôi vẫn còn đang hiện diện đâu đó trên đất nước này. Chỉ điều đó thôi đã làm cho tôi vui và xúc động rồi!.
Bà Thông cũng chia sẻ về quyết định nhanh chóng mà đối với bà và con dâu có lẽ là khó khăn nhất bởi những ràng buộc khi sống giữa làng quê với những quan niệm đã ăn sâu, bám dễ thâm căn cố đế bao đời nay. Và, đặc biệt để vượt qua rào cản về cái chết toàn thây là một điều không hề dễ dàng. Nhưng bà Thông vẫn quyết bởi một cái tâm trong sáng: “ nghĩ mình thờ thánh, thờ phật mà thánh phật luôn dậy mình làm điều thiện, bây giờ mình có thể làm điều thiện bằng cách giúp người bệnh đang cần tạng của con mình để được sống thì đấy là việc nên làm và chắc thánh thần cũng sẽ ủng hộ thôi vì thế tôi đã quyết định hiến tạng của con mình”.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn trao Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho gia đình bà Đinh Thị Thông mẹ của anh Nguyễn Ngọc Khiêm
Câu nói mộc mạc, chân chất của người phụ nữ lam lũ quanh năm bán lưng cho đất bán mặt cho trời đã làm bao nhiêu người ở đó thấy khóe mắt cay cay. Và người ta còn cảm phục hơn khi biết gia đình Khiêmcó hoàn cảnh rất khó khăn. Khiêm là trụ cột chính trong gia đình với vợ dại, hai đứa con thơ cùng với bố mẹ già ngoài 60 tuổi và người anh trai bị thiểu năng trí tuệ không có khả năng tự nuôi sống bản thân. Khiêm mất đi đã để lại một khoảng trống không thể bù đắp cho những người ở lại. Vậy mà trong nỗi mất mát đau thương ấy, họ đã vượt qua tất cả để quyết định và viết lên câu chuyện cổ tích giữa đời thường, một hành động cao cả – hiến tạng cứu người, bởi một ý nghĩ đơn giản, mộc mạc và chân thành lắm “hạnh phúc là cho đâu chỉ nhận riêng mình!.”