Chuyện về những người được cứu sống nhờ Facebook

03-03-2016 10:11 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tính đến đầu năm 2015, đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Facebook, nhiều hơn tổng dân số của cả Bắc và Nam Mỹ cộng lại. Đôi khi, cơ hội kết bạn trên mạng xã hội khổng lổ này có thể giúp cứu sống bạn.

Chris Thomas

Ngày 15 tháng 7 năm 2015, Chris Thomas, một cựu quân nhân Mỹ 28 tuổi, phải ngồi xe lăn do bệnh loạn dưỡng cơ chân, đang đi vào phòng tắm trong căn nhà tại Pittsburgh thì chiếc xe lăn của anh va phải một cái hộp, khiến cả chiếc kệ để đồ nặng nề đổ ập lên chân. Sau đó, trọng lượng của chiếc kệ khiến chiếc xe lăn lật nghiêng, Thomas bị ngã xuống sàn và bất tỉnh.

Vài phút sau khi tỉnh dậy, Thomas cố kêu cứu nhưng không có ai đáp lại. Anh cũng không thể bấm chuông báo động cho người trực tòa nhà. Ngay cả khi bình thường anh cũng rất khó đứng lên từ sàn nhà.

Rất may là Thomas vẫn với được chiếc điện thoại của mình, trên đó ứng dụng Facebook đang mở. Sau khi đăng dòng cập nhật trạng thái "Tôi cần giúp đỡ. Vui lòng gọi cấp cứu”, anh ngất đi.

Nhưng dòng tin đã đủ báo động cho bạn bè của anh, những người đã lập tức hành động sau khi nhìn thấy thông điệp. "Thật điên rồ, những người bạn từ sáu bang khác nhau chưa hề biết nhau đã kết nối với nhau để giúp tôi", Thomas kể lại. "Đó là sức mạnh của mạng xã hội! Bạn có hàng trăm người ngay trên đầu ngón tay".

Điều ngạc nhiên là 12 trong số những người bạn trên Facebook của anh đã vội vã tới căn hộ và cùng với đội cứu hộ đưa Thomas đến bệnh viện. Sau khi nằm một đêm trong bệnh viện, Thomas đã đủ khỏe để về nhà vào ngày hôm sau .

Rylee Taylor

Vào tháng Ba năm 2014, Tara Taylor đăng tấm ảnh chụp cô con gái ba tuổi Rylee, trong bộ váy giống như một nàng công chúa nhỏ, lên Facebook . Trong bức ảnh, mắt trái Rylee như “phát sáng”. Gần như ai cũng nghĩ rằng đó là do ánh đèn flash từ máy ảnh, một điều hợp lí vì Tara thấy con gái cô có bất kì điều gì bất thường. Nhưng người mẹ đã nhanh chóng nhận được tin nhắn từ hai người bạn khác nhau trên Facebook, cả hai đều lo ngại rằng có điều gì đó không ổn với mắt của Rylee.

Nghe lời khuyên của bạn, Tara đưa con gái đi khám bác sĩ nhi, người này đã giới thiệu em đến khám một bác sĩ chuyên khoa võng mạc. Các bác sĩ phát hiện ra rằng Rylee bị một bệnh mắt hiếm gặp gọi là "bệnh Coats", có thể gây mất thị lực hoặc mù một bên mắt. Giống như nhiều bệnh khác, càng được điều trị sớm thì kết quả sẽ càng tốt.

Tuy nhiên, chẩn đoán bệnh Coats ở trẻ em có thể khó khăn vì trẻ không nhận ra thị lực bị giảm sút. Vấn đề thường được phát hiện sau khi trẻ đã bị mất thị lực ở cả hai mắt. Vào thời điểm đó, cả đứa trẻ và cha mẹ đều nhận ra rằng trẻ không nhìn thấy. Trong trường hợp của Rylee, người mẹ không nhận thấy bất kỳ vấn đề gì vì con gái cô vẫn tập thể dục dụng cụ và không ngồi gần TV.


Lois Shelton

Ngày 26 tháng Hai năm 2015, bà Lois Shelton 75 tuổi đang đi trong bếp thì bị trượt chân và ngã xuống sàn nhà. Sau khi ngã, bà không thể chống tay để đứng dậy. Thật không may là bà để điện thoại di động ở một phòng khác, vì thế không thể lấy được.

Nhưng may sao Shelton chỉ cách chỗ để máy tính vài bước, và tài khoản Facebook của bà vẫn đang mở. Bà bò đến chỗ máy tính, kéo bàn phím xuống sàn, và gõ "Giúp tôi. Tôi bị ngã”. Trong vòng vài phút, mọi người bắt đầu có phản hồi​​.

Con dâu của bà Shelton đã nhìn thấy lời nhắn và gọi điện cho người hàng xóm, người này đã vào nhà và tìm thấy bà Shelton trên sàn nhà. Sau khi những người hàng xóm gọi 911, bà Shelton được đưa đến bệnh viện và sau đó được ra viện với những vết bầm tím nặng. Cảm ơn sự giúp đỡ từ bạn bè, bà cho biết có thể đã phải bò trên sàn nhà suốt hai tuần nếu không có Facebook.

Cậu bé 16 tuổi ở Oxfordshire, Anh

Đầu tháng Tư năm 2009, một cậu bé 16 tuổi sống ở Oxfordshire, Anh, trong khi tâm sự trên Facebook với cô bạn gái sống ở Maryland, Mỹ, cách đó 5.800 km, đã thổ lộ rằng cậu sẽ tự tử. Lo lắng, cô gái ở Maryland kể với mẹ mình về điều mà người bạn của mình vừa nói.

Ngay lập tức, người mẹ gọi điện cho cảnh sát địa phương yêu cầu giúp đỡ. Cảnh sát Maryland gọi tới một số liên lạc ở Nhà Trắng, người kết nối họ với Đại sứ quán Anh tại Washington. Từ đó, Sở Cảnh sát Anh được thông báo, tiếp theo là phòng cảnh sát Oxfordshire.

Chỉ với tên của cậu thiếu niên và thông tin là cậu bé học phổ thông ở Oxfordshire, cảnh sát địa phương thu hẹp vị trí cậu bé xuống còn tám nhà. Trong ngôi nhà thứ tư, cảnh sát tìm thấy cậu bé hầu như mất ý thức do quá liều thuốc và lập tức đưa em đến bệnh viện. Tại đó, chỉ ba giờ sau khi gửi đi lời nhắn mình, cậu bé tuổi teen đã được cứu sống và cuối cùng bình phục hoàn toàn.

Rick Fosnot

Chẩn đoán bị bệnh thận đa nang, anh Rick Fosnot ở Bắc Wales, Pennsylvania phải mổ cấp cứu để cắt cả hai thận. Anh phải chạy thận nhân tạo và được đưa vào dánh sách chờ người cho thận, nhưng thời gian chờ ghép dự kiến ​​sẽ là sáu năm.

Trong khi đợi phép màu xảy ra, Janine Pape - Sansom nhìn thấy Fosnot trên Facebook vì cô biết anh khi cô khoảng 10 tuổi. Fosnot là “nhận viên cứu hộ đẹp trai” ở bể bơi công cộng nơi Pape - Sansom và bạn bè của cô hay đến.

Sau khi biết về bệnh tình của anh, Pape - Sansom đã đi xét nghiệm và phát hiện thấy cô là người phù hợp. Mặc dù không gặp Fosnot trong hơn 20 năm, cô đã khiến anh ngạc nhiên khi tình nguyện hiến một quả thận. Tháng 6 năm 2011, cả hai lên bàn mổ và ca phẫu thuật đã thành công. Khi được hỏi tại sao cô lại cho Fosnot quả thận của mình, Pape - Sansom nói "Tôi nhớ là mình chỉ nghĩ rằng nếu chồng tôi cần một quả thận , tôi hy vọng sẽ có ai đó xung phong. Và tôi hình dung mình có một quả thận thừa và tôi không cần đến nó ".




Cẩm Tú
Ý kiến của bạn
Tags: