Chuyện về những người “đi trước, đón đầu”

26-05-2020 11:10 | Y tế
google news

SKĐS - Ðủ 14 ngày sau khi phát hiện ca bệnh 268 tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Ðồng Văn, BS. Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Giang kiêm tổ trưởng đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh có mặt tại huyện Ðồng Văn đón 7 “chiến binh” phòng dịch của mình về lại tỉnh.

14 ngày tuy không dài nhưng đầy thử thách của các bác sĩ phòng dịch nơi địa đầu Tổ quốc.

Nốt trầm...

Trên chuyến xe trở về TP Hà Giang, ngồi sát cửa sổ, trầm ngâm, mặc cho những tiếng đùa vui của anh em cùng đội, BS. Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm của CDC Hà Giang như thấy quãng đường 125km từ xã Phố Là về nhà dài hơn mọi lần. Khi nhận lệnh lên đường cắm chốt tại Đồng Văn cũng là lúc BS. Thắng được tin bố ốm nặng. Chỉ kịp gọi điện hỏi thăm động viên bố, gửi gắm bố lại cho mẹ và em gái, BS xách vali lên xe nhằm thẳng hướng thôn Pín Tủng.

Hai vợ chồng cùng công tác trong ngành y nên cả hai đều thông cảm cho nhau những chuyến đi công tác đột xuất, xa gia đình biền biệt. Chị Nhàn - vợ BS. Thắng là nữ hộ sinh của một trạm y tế xã tại huyện Mèo Vạc. Biết bố chồng ốm nhưng đang đợt cao điểm của dịch COVID-19, chị Nhàn cũng chỉ biết động viên bố qua sóng điện thoại.

Sau 14 ngày chống dịch, BS. Thắng mong mỏi nhất được về nhanh với bố, đền đáp công ơn sinh thành của người cha. Xe dừng bánh về đến thành phố, anh lao nhanh vào bệnh viện tỉnh. “Tôi bàng hoàng, không tin vào mắt mình khi thấy cha nằm thiêm thiếp trong giấc ngủ chập chờn giữa những cơn đau...”. Bác sĩ Thắng nhớ lại.

Sau những giờ đi bản, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, khi ánh trăng đã lên đến đỉnh núi, giữa sóng điện thoại chập chờn,  BS. Thắng động viên cha, nhờ cô em gái chuyển lời. Anh em trong đội phản ứng nhanh hỏi thăm sức khỏe của bố, anh gạt đi nói tránh: Bố mình ốm thường đấy mà. Bệnh người già... Vào viện vài ba hôm khỏe, là cụ ra viện được ngay...

May mắn cho em là kịp được về chăm sóc bố, được ở bên bố 10 ngày trước khi bố ra đi mãi mãi vì bệnh trọng... Bác sĩ dự phòng như chúng em quen với các chuyến đi công tác thường xuyên, dài ngày và đột xuất rồi. Khi Hà Giang có bệnh nhân COVID-19 đầu tiên chúng em không khỏi lo lắng, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Còn khi đã bước lên xe đi vào vùng có dịch chỉ còn nghĩ đến nhiệm vụ. Phấn đấu hoàn thành công việc tốt nhất”, BS. Thắng chia sẻ.

“Là bác sĩ phòng dịch, dù ở đâu, chúng tôi luôn sẵn sàng”.   Ảnh: Viết Cường

“Là bác sĩ phòng dịch, dù ở đâu, chúng tôi luôn sẵn sàng”. Ảnh: Viết Cường

Cuộc chiến còn tiếp diễn

Ngày 15/4, sau khi Bộ Y tế công bố ca bệnh 268, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang đã triệu tập cuộc họp khẩn lúc 20h00’ cùng ngày giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo, đồng thời yêu cầu cử ngay một tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh thường trực tại huyện Đồng Văn vào thôn Pín Tủng để chỉ đạo, trực tiếp và phối hợp thực hiện các hoạt động chống dịch tại huyện.

Đội đáp ứng nhanh của CDC Hà Giang được yêu cầu lên đường ngay trong sáng hôm sau, phải có mặt sớm nhất tại thôn Pín Tủng. Triển khai nhanh các hoạt động giám sát y tế, điều tra lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại thôn cũng như tại Phòng khám đa khoa Phó Bảng và Bệnh viện đa khoa huyện.

Thôn Pín Tủng là thôn hẻo lánh nằm sát ngay đường biên giới, người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Sóng điện thoại khi cán bộ y tế lên đến nơi chủ yếu chỉ có sóng Vinaphone, sóng di động Viettel rất chập chờn. Cả thôn có 516 hộ dân, với số nhân khẩu là 2.756 người nhưng chỉ hai gia đình có tivi. “Đồng bào trên này chủ yếu tiếp nhận thông tin qua nghe đài, loa truyền thanh xã, khi chúng tôi lên, bà con bảo tao chỉ nghe cô vít chứ chưa gặp nó bao giờ” - một bác sĩ trong đội nhớ lại.

Thôn Pín Tủng nằm cách xa trung tâm xã chưa được tiếp cận thông tin, mặt khác chủ yếu là dân tộc thiểu số lại không nghe, hiểu được tiếng phổ thông. Xã đã có những hình thức tuyên truyền bằng tiếng Mông, cử cán bộ xã đến từng hộ gia đình trong thôn bản để phổ biến cho người dân nắm được các biểu hiện của dịch bệnh cũng như các cách phòng chống đơn giản, dễ nhớ như không ra ngoài khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên, ra ngoài cần đeo khẩu trang và không tụ tập nơi đông người để tránh việc lây nhiễm chéo. Cán bộ y tế dự phòng được sự giúp đỡ nhiệt tình của trưởng bản Pín Tủng, Giàng Mí Páo đưa đến từng nhà dân, ngồi nói chuyện truyền thông về dịch, hướng dẫn cách rửa tay...

Bên cạnh đó, phổ biến đến các hộ gia đình có con em đi làm ăn xa tại các tỉnh khi trở về địa phương cần đến ngay cơ sở y tế để khai báo và kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe, qua đó chủ động cách ly 14 ngày theo quy định; không được tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh gây hoang mang.

Trưa đầu tiên lên đến thôn Pín Tủng, Đội phản ứng nhanh của CDC Hà Giang phối hợp cùng lực lượng của TTYT Đồng Văn và cán bộ tăng cường của xã bắt tay ngay vào việc điều tra dịch tễ, giám sát cộng đồng. Khi trời đã ngả chiều, anh em trong đội mới nhớ ra từ sáng nhiều người chưa kịp ăn. “Một bữa mì tôm thịnh soạn được tổ chức ngay sau đó, người đứng, kẻ ngồi ăn ngon như từng được ăn” cán bộ y tế tên Cường bồi hồi nhớ lại.

Phút nghỉ ngơi của các “chiến binh” phòng dịch Ảnh: Viết Cường

Phút nghỉ ngơi của các “chiến binh” phòng dịch Ảnh: Viết Cường

Là cán bộ y tế dự phòng mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, đội chống dịch cơ động ngay lập tức đến để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch. Triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng. “Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân. Thế nhưng, ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi. Những lúc như vậy, chúng tôi đã động viên nhau cùng vượt qua” - BS. Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc CDC Hà Giang bộc bạch.

Đi lại như con thoi giữa Hà Giang và Pín Tủng, BS. Tuấn thường xuyên nhắc nhở và giám sát công việc của cán bộ cấp dưới. Làm công tác dự phòng rất tỉ mỉ,  phải giám sát, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm, phòng dịch tốt tại cộng đồng. “Mỗi khi có dịch, chúng tôi dường như không có khái niệm về thời gian cũng như khối lượng công việc. Chúng tôi còn phải rình bắt các loại côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, lăng quăng... tham gia vệ sinh môi trường”, BS. Tuấn nói.

Những ngày chống dịch tại Pín Tủng, Đồng Văn, thời tiết thất thường. Sáng lạnh, trưa trời có nắng, chiều tối đến mưa lại sầm sập. Khoác trên mình đồ bảo hộ kín mít, đeo trên vai bình phun hóa chất nặng 15kg đi hết các nhà dân, chiều về, cán bọ phòng dịch chỉ còn ngồi thở.

Công việc đâu chỉ vậy, người cán bộ y tế dự phòng còn lấy mẫu máu xét nghiệm, phết dịch hầu họng, giám sát và hỗ trợ tuyến huyện xây dựng phương án xử lý ổ dịch, điều tra lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại thôn cũng như tại Phòng khám đa khoa Phó Bảng và Bệnh viện đa khoa huyện.  Bố trí khu vực cách ly cho cán bộ y tế và đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ cho cách ly; lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ bệnh viện. Rà soát trang thiết bị, vật tư hóa chất, trang bị phòng hộ... Phối hợp với các lực lượng, ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, địa bàn, kiên quyết ngăn chặn và đưa số công dân từ Trung Quốc trở về vào cách ly theo quy định.

Mặc dù BN 268 đã được công bố khỏi bệnh, trước diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay với đặc thù Hà Giang có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, có nhiều đường mòn, lối mở dọc theo tuyến biên giới nên để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đòi hỏi việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế là rất cần thiết.

Đội cơ động phản ứng nhanh của các CDC là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong công tác chống dịch. Với tinh phần phòng dịch nhanh chóng, gọn gàng, an toàn và quyết liệt, các y bác sĩ, luôn ứng trực 24/24 sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể ngày, đêm... Thật ấm lòng và cảm giác bình an khi chúng ta biết có nhiều cán bộ y tế dự phòng cả nước liên tục nhiều ngày chưa được về nhà, những bữa trưa thoảng qua khi đã đến giờ chiều. Đã có nhiều đêm thức trắng để phối hợp với các lực lượng vận chuyển đón, đưa người dân cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung... Dù vất vả nhưng trên ánh mắt, nét mặt của các y bác sĩ luôn rạng rỡ nụ cười, thể hiện niềm tin và sự lạc quan của các chị, các anh với quyết tâm không để dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn.

Ngành y tế luôn xác định công tác phòng chống dịch bệnh là lâu dài, việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh là rất quan trọng. Vì vậy, các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền cho người dân thường xuyên thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn.

Dịch COVID-19 chưa kết thúc, các bác sĩ trên khắp các mặt trận không tiếng súng vẫn đang chiến đấu ngày đêm trên tuyến đầu. Họ sẵn sàng chấp nhận vất vả, đối mặt với “kẻ thù” vô hình nguy hiểm là dịch bệnh, sẵn sàng đánh đổi sự an toàn của bản thân vì sức khỏe nhân dân. Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng không diễn tả hết bằng lời của thầy thuốc.


Anh Văn
Ý kiến của bạn