Trong thành công của đoàn thể thao Việt Nam không thể không nhắc đên nhiều bộ phận trong đoàn, đặc biệt là sự góp công của 22 bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Họ luôn là người sát cánh với các VĐV để chăm sóc, hồi phục sức khỏe, giúp các VĐV nhanh chóng hồi phục để có được trạng thái thể lực tốt nhất khi xung trận mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30-2019 Trần Đức Phấn đánh giá: “SEA Games 30 ghi dấu ấn mạnh mẽ của những môn thi đấu tập thể và cá nhân. Để có được thành tích này, sự đóng góp của những thành viên tổ y tế và hậu cần là vô cùng quan trọng!”.
Nguyễn Huy Hoàng và chuyên gia hồi phục sau khi thi đấu
Hầu hết các VĐV đều có nhu cầu được massage, thả lỏng sau khi tập và thi đấu để tăng khả năng hồi phục. Vì vậy các bác sĩ, kỹ thuật viên phải làm việc liên tục tại các địa điểm tập luyện và thi đấu.Buổi tối khi về họ lại tiếp tục làm việc tại phòng y tế cho đến khi hết VĐV.
Theo sát các VĐV, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy - hiện công tác tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - cho biết: “Phòng y tế tại làng VĐV New Clark City đón tiếp khoảng 50 VĐV đến điều trị mỗi ngày. Giờ cao điểm các VĐV đến để được massage, khám, lấy thuốc... là sau giờ tập buổi sáng, chiều và đêm khuya”.
Chăm sóc y tế HLV Park hang seo
Cũng theo các chuyên gia y tế, để tránh việc sử dụng thuốc bừa bãi, có thể sử dụng nhầm thuốc có chất cấm, các VĐV dự SEA Games không được tự ý dùng bất cứ loại thuốc gì. Khi gặp vấn đề về sức khỏe họ phải lên gặp bác sĩ và nhận thuốc từ phòng y tế. Sau khi nhận thuốc VĐV sẽ được giữ một tờ biên nhận, tiểu ban y tế của đoàn thể thao Việt Nam sẽ giữ 2 liên còn lại để phòng khi VĐV gặp vấn đề gì.
Chăm sóc y tế U22
Ngoài các bác sĩ trực tại phòng y tế, các bác sĩ và kỹ thuật viên khác được phân đi theo chăm sóc các đội tuyển tham dự SEA Games, buộc phải có mặt trong các buổi tập và các buổi thi đấu của từng môn. Với các môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, thường xuyên có 2 - 3 bác sĩ đi theo để chăm sóc và điều trị.
Hồi phục cho vận động viên sau mỗi trận đấu
Khó khăn chính là việc đoàn thể thao Việt Nam phải chia ra thành nhiều đoàn nhỏ, vì phải thi đấu ở nhiều địa điểm khác nhau, có khi cách nhau đến 150 km. Do vậy, các thành viên của tiển ban y tế phải liên lạc thường xuyên với nhau để trao đổi thông tin, lựa chọn phương pháp y tế sao cho hiệu quả nhất với từng VĐV, đặc biệt là những môn có tính đối kháng, va chạm cao như bóng đá, võ thuật, hoặc có tính khắc nghiệt như điền kinh, bơi lội. Mỗi VĐV đều được lên một phác đồ riêng, dựa theo hồ sơ của từng người và nội dung.
Kình ngư trẻ Huy Hoàng
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy nói: “Đội ngũ y tế của đoàn thể thao Việt Nam luôn cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho các VĐV tham dự đại hội. Dù vất vả nhưng chỉ cần VĐV khỏe, không bị chấn thương là chúng tôi vui rồi”.