Những câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Bệnh nhân Trần Văn Bình, 46 tuổi, ở xóm Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà nhập viện trong tình trạng bị đe dọa tính mạng vì thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa, loét bờ cong nhỏ dạ dày trên cơ thể đang mang bệnh viêm gan mạn tính. Trong khi kho máu của bệnh viện không còn lượng máu dự trữ cùng nhóm với bệnh nhân.
Hai cán bộ y tế bệnh viện Đa khoa tỉnh là chị Phan Thị Oanh - cán bộ phòng Tài chính kế toán và điều dưỡng Trần Thị Thanh Bình, khoa Nội tổng hợp, đã kịp thời hiến máu cấp cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Cho dù khi hiến máu sức khỏe 2 chị rất yếu, vì trước đó 1 tuần chị Bình và chị Oanh cũng đã trực tiếp hiến máu cho một bệnh nhân khác ngay trên bàn mổ.
Sau khi được truyền máu, bệnh nhân Trần Văn Bình đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe bình phục dần và đã xuất viện sau 1 tuần. Chị Trần Thị Thanh Bình tâm sự: “Hôm đó đúng vào ca trực của tôi. Đây cũng là bệnh nhân nặng đang điều trị tại khoa Nội tổng hợp mà tôi trực tiếp chăm sóc hàng ngày, khi nghe thông tin bệnh nhân cần máu và chính bản thân có cùng nhóm máu với bệnh nhân nên tôi đã đến khoa xét nghiệm hiến máu để kịp thời cấp cứu bệnh nhân”.
Hai bác sĩ của BV đa khoa tỉnh hiến máu cứu bệnh nhân Trần Thị Khiêm (87 tuổi) trú tại xã Cẩm Hà, Cẩm Xuyên bị mất máu nặng do tai nạn giao thông.
Còn đối với chị Lê Thị Dung, 49 tuổi ở xóm 4 xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, đến nay mặc dù sức khỏe đã hồi phục sau khi được 5 y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê hiến máu cấp cứu ngay trên bàn mổ nhưng chị vẫn chưa hết bàng hoàng trước những gì mình đã trải qua. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong giây lát, chị nhớ lại: Lúc đó bản thân nghĩ như đã chết, không biết gì nữa, nhưng nhờ các bác sĩ tận tình giúp đỡ vừa hiến máu, vừa phẫu thuật cứu sống. Bản thân hiện đang mang 5 dòng máu của cán bộ y tế bệnh viện Hương Khê, tôi rất biết ơn cán bộ y tế bệnh viện đã kịp thời hiến máu cấp cứu người bệnh.
Hai cán bộ y tế BV đa khoa tỉnh Phan Thị Oanh và Trần Thị Thanh Bình hiến máu ngay trong đêm trực
Bác sĩ Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê cho biết: Bệnh viện của chúng tôi là bệnh viện miền núi, xa trung tâm, khó khăn về công tác dự trữ máu, chủ yếu dựa vào ngân hàng máu sống của cán bộ viên chức bệnh viện cấp cứu người bệnh khi cần thiết. Vì vậy, Ban Giám đốc đã tuyên truyền cho cán bộ viên chức bệnh viện xét nghiệm nhóm máu để khi cần thiết sẵn sàng hiến máu cứu sống người bệnh. Chúng tôi thấy rằng đó là việc làm hết sức ý nghĩa và nhân văn của người thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Hương Khê.
Hàng trăm thành viên của ngân hàng máu sống luôn sẵn sàng
Mới đây, trong dịp nghỉ tết Nguyên đán Đinh dậu 2017, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã có 2 kíp mổ cấp cứu cần đến ngân hàng máu sống của bệnh viện, trước tình trạng cấp bách, 2 cán bộ y tế của bệnh viện đã đến phòng mổ để kịp thời hiến máu cấp cứu người bệnh. Thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ phong trào hiến máu cứu người bệnh được lãnh đạo, cán bộ y tế hết sức quan tâm, trong đó có nhiều cán bộ đã hiến máu từ 5 đến 8 lần như điều dưỡng Trần Văn Khoát, Trưởng phòng điều dưỡng, y sĩ Trần Thị Thanh Hà, khoa sản.
Điều dưỡng Trần Văn Khoát cho biết: Anh đã 8 lần hiến máu để cấp cứu người bệnh qua cơn nguy kịch, nhiều lần hiến máu cho bệnh nhân ngay trên bàn mổ và ngay cả đêm khuya khi có yêu cầu. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ mỗi cán bộ y tế chính là một thành viên của CLB ngân hàng máu sống. Họ được xét nghiệm trước để phân biệt nhóm máu, sẵn sàng để hiến máu cấp cứu người bệnh trong những lúc nguy kịch. Trong những năm qua chính nhờ ngân hàng máu sống này nhiều người bệnh hiểm nghèo và bệnh nhân nặng đã được cấp cứu kịp thời.
Cử nhân Trần Văn Khoát trong một lần hiến máu cứu người bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, trung tâm khám, chữa bệnh lớn nhất của tỉnh, có kho dự trữ máu để cấp cứu người bệnh, nhưng Ban Giám đốc vẫn chỉ đạo thành lập CLB “Ngân hàng máu sống”, với sự tham gia của hơn 200 y, bác sĩ. Mỗi năm, đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện hiến gần 150 đơn vị máu cứu sống nhiều người bệnh, trong đó có nhiều người bệnh được cứu sống ngay trên bàn mổ, tại giường bệnh, tại phòng cấp cứu. Mỗi cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện xác định, mỗi cán bộ đều có trách nhiệm hiến máu của mình để cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu, đặc biệt trong trường hợp chấn thương, xuất huyết tiêu hóa nặng.
Dược sĩ Bùi Hoàng Dương, Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống BVĐK tỉnh cho biết: Mỗi khi có bệnh nhân cần truyền máu, khi mà nguồn máu nhân đạo hết hoặc người nhà không đáp ứng được thì ngân hàng máu sống được điều động. Có rất nhiều trường hợp ngay cả đêm khuya 2-3 giờ sáng khi bệnh nhân cần máu thì cán bộ, viên chức vẫn sẵn sàng cho máu, hay khi đang trực được điều động thì cán bộ viên chức sẳn sàng cho máu ngay.
Đó mới chỉ là con số ít mà chúng tôi ghi lại được từ những tấm lòng cao thượng trong sáng của cán bộ y tế trong thời gian qua. Họ đã không ngại ngần hiến những giọt máu của mình để cấp cứu, cứu sống bệnh nhân. Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, ngành y tế có gần 400 lượt y, bác sĩ, cán bộ viên chức tại các cơ sở khám chữa bệnh tham gia hiến máu cứu người bệnh, có nhiều người hiến máu từ 5 đến 8 lần. Tinh thần hiến máu cứu người bệnh đã và đang tác động sâu sắc đến toàn ngành y tế Hà Tĩnh. Đây là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lương tâm, trách nhiệm của cán bộ ngành y tế trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng tận tình, hết lòng vì người bệnh.
Trao tặng bằng khen của Bộ Y tế cho các cá nhân trong phong trào hiến máu cứu người bệnh
Bác sĩ Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Hiện nay việc hiến máu cứu người bệnh đã trở thành phong trào tại các bệnh viện. Khi bệnh nhân cần máu nhưng không huy động được, không có nguồn máu thì ngay lập tức cán bộ y tế, những người đang trực tiếp khám, chữa bệnh cấp cứu cho bệnh nhân nếu trùng nhóm máu sẽ sẵn sàng hiến cho người bệnh. Đây là hành động rất cao cả của cán bộ y tế, bởi vì bản thân người cán bộ cho máu ấy là người đang trực tiếp cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân, và sau khi thử máu, cho máu xong nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn lại quay lại tiếp tục khám và chữa bệnh và cấp cứu cho bệnh nhân.
Hiện nay việc dự trữ nguồn máu tại các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với tuyến huyện, vì vậy việc cán bộ y tế hiến máu của mình để cứu sống bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp là việc làm hết sức cần thiết và cần nhân rộng. Ngành Y tế cũng đã có nhiều giải pháp giáp cụ thể để kịp thời thời động viên các cán bộ hiến máu cứu người bệnh, chỉ tính trong năm 2016, Sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế tặng 7 bằng khen, Sở Y tế tặng 15 giấy khen cho các tổ chức cá nhân. Ngoài ra hàng năm Sở Y tế Hà Tĩnh còn tổ chức lễ tôn vinh những người hiến máu, mỗi năm có khoảng 30 người được tôn vinh, đồng thời giao cho các đơn vị trích ngân sách từ quỹ phúc lợi tặng thưởng kịp thời cho các cán bộ kịp thời hiến máu cứu bệnh nhân.