Dùng nghề giúp người
Như thường lệ, khoảng 20 thành viên trong Hội Tóc Hải Phòng lại tập trung đông đủ, mang theo đồ nghề chuẩn bị công việc mà họ vẫn làm "cắt tóc miễn phí" cho những mảnh đời bất hạnh.
Năm nay, nơi họ đến cắt tóc miễn phí là Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hải Phòng (ngõ 109 đường trường Chinh, Phường Đồng Hoà, Kiến An).
Đã thành quen việc nên khi đến, các hội viên mỗi người một tay, thao tác rất nhanh từ sắp xếp dãy ghế ngồi cho các em tới chuẩn bị các thiết bị cần thiết như khăn choàng cổ cho các em khi cắt, bố trí người vào cắt… Mọi việc đều diễn ra nhanh gọn, thuần thục.
Khoảng 10 phút sau, từng nhóm trẻ khiếm thị trong trường được các cô nuôi dẫn ra, vào ghế ngồi cắt. Không ai bảo ai, 10 nhà tạo mẫu tóc bắt đầu cắt cho 10 em. Các em nhỏ dường như đã quen với việc được các anh chị tạo mẫu tóc về chăm sóc nên ngoan ngoãn ngồi yên hợp tác. Một vài em thì thích thú cười suốt. Thời gian mỗi lần cắt cho 1 người mất khoảng 20 phút. Hết lượt, các cô nuôi lại dẫn 1 tốp học sinh khác ra. Cứ thế, lần lượt cả trường em nào cũng được cắt.
Nhà tạo mẫu tóc Huyền Nguyễn (salon tóc Văn Sáu) - Phó Ban chủ nhiệm hội Tóc Hải Phòng chia sẻ: "Hội Tóc Hải Phòng thành lập từ năm 2019 trên cơ sở là Hội thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Hải Phòng (Thành đoàn Hải Phòng) với sứ mệnh giúp mình, giúp người, giúp đời. Trong Hội có 4 thành viên trong Ban chủ nhiệm. Trước khi thành lập, một vài thành viên gạo cội trong nghề có ý tưởng tập hợp những người làm nghề tạo 1 sân chơi chung, dùng nghề của mình giúp người khó khăn, cơ nhỡ như cắt tóc miễn phí, cắt tóc từ thiện. Bên cạnh đó, Hội còn giúp nhau trong nâng cao tay nghề, hướng dẫn lựa chọn sản phẩm tốt cho tóc, tham gia các buổi đào tạo miễn phí cho những bạn làm ở tiệm tóc nhưng muốn thành thợ cắt…
Hội Tóc định kỳ hoạt động thiện nguyện theo các chương trình kế hoạch của Hội Liên hiệp Thanh niên Hải Phòng từ việc cắt tóc miễn phí cho các em trường khiếm thị, khiếm thính, các trung tâm bảo trợ xã hội người già, thậm chí có đợt còn về cả vùng nông thôn cắt tóc cho bà con...; thậm chí Hội sử dụng quỹ của mình trao học bổng cuộc thi tiếng Anh cho các em học sinh, sinh viên xuất sắc.
Theo chia sẻ từ Ban chủ nhiệm hội Tóc Hải Phòng, sau 4 năm thành lập, đến nay Hội đã có gần trăm thành viên làm nghề tóc tham gia, rải rác ở 11 quận, huyện. Bất kể lúc nào, Hội đều hăng hái lên đường. Tuy nhiên, để đảm bảo làm tốt các hoạt động trên các địa bàn thành phố, Hội mong muốn thành lập thêm nhiều chi nhánh ở các quận huyện để cùng phối hợp làm tốt công việc thiện nguyện...
Hướng tới nhân văn và có trách nhiệm với cộng đồng
Là một trong những thành viên tích cực và đồng hành cùng Hội những ngày thành lập, nhà tạo mẫu tóc Ngọc Sơn, SN 1971 (salon Hằng Vĩnh Hoàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) - Phó Ban Chủ nhiệm hội Tóc Hải Phòng chia sẻ: Định kỳ, mỗi năm Hội Tóc sẽ thực hiện 2 chuyến thiện nguyện theo kế hoạch của Thành đoàn Hải Phòng như cắt tóc cho bà con vùng quê, trẻ em chuyên biệt, khuyết tật hay trong dịch COVID-19, Hội tham gia đi phát khẩu trang, thuốc cho các Trạm Y tế tới người dân...
Ngoài 2 cuộc định kỳ này, Hội và các nhóm nhỏ trong Hội vẫn đều đặn làm các công việc từ thiện khác theo thông tin mà mình nắm được. Ví dụ như trao cặp bò cho ngư dân huyện đảo Bạch Long Vỹ, tặng 500 tạ gạo cho trẻ khiếm thị, cắt tóc cho các cụ già hay thương binh; trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở trường một số trường Tiểu học trên địa bàn thành phố; thậm chí có chuyến quyên góp áo ấm, cặp sách cho các em nhỏ vùng cao…
Theo anh Sơn, nguồn kinh phí để làm từ thiện chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ từ các hãng sản phẩm liên quan tới tóc hoặc đặt tranh từ họa sỹ nổi tiếng và tổ chức đấu giá, lấy nguồn kinh phí đi làm từ thiện. Hội cũng phải liên kết với các nhóm từ thiện khác trên địa bàn để cùng hỗ trợ nhau trong cập nhật thông tin hoàn cảnh người cần giúp và đặc biệt tăng lực lượng đi quyên góp, lấy kinh phí từ thiện.
Không chỉ đào tạo tay nghề cho các học viên, ngay với những thanh thiếu niên khuyết tật muốn học nghề tóc, Hội cũng sẵn lòng dạy. Tuy nhiên, cũng phải tùy từng bạn, tùy từng tình trạng khuyết tật... Ví dụ, khiếm thính thì học được nhưng khiếm thị thì không thể. Nếu học viên bình thường khi học nghề tóc cũng phải dày công ôn luyện mới có thể ra nghề nhưng với học viên khuyết tật, sự đầu tư cho việc dạy họ gian nan, vất vả muôn phần.
Để truyền tải được kiến thức, nội dung cho học viên, người dạy cũng phải tự tìm hiểu, học cách giao tiếp truyền thông tin cho học viên bằng ký tự. Hay học viên cũng phải cố gắng học và tương tác với thầy cô theo cách thông thường để nắm kiến thức cơ bản, học kỹ thuật cầm kéo, quấn khăn...
Nói về kỷ niệm vui buồn trong hành trình làm thiện nguyện cho những mảnh đời bất hạnh, chị Huyền Nguyễn tâm sự: "Làm thiện nguyện hầu hết đều làm thấy mình vui vì được làm những điều có ý nghĩa, giúp đỡ được mọi người. Ngay như trước khi đi từ thiện trung thu cho các bé ở trường Khiếm thị, có người nằm liệt 3 ngày, không dậy được. Đến khi đi làm từ thiện về, tự dưng tinh thần thấy vui lại khỏe ra".
"Đến giờ, hội Tóc Hải Phòng đã gắn kết với nhau được khoảng thời gian khá dài và ai cũng đều thấy vui vì được học hỏi nhau, giúp đỡ nhau và cùng nhau san sẻ yêu thương, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Cùng với đó, chúng tôi cũng mong qua những việc làm của mình sẽ giúp người dân thay đổi cách nghĩ về những người làm nghề tóc toàn " đầu xanh, đầu đỏ", không giúp được gì cho cộng đồng".
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Hội Tóc Hải Phòng tham gia cắt tóc cho các em nhỏ trường Khiếm thị