SKĐS - Những năm qua, Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã tham gia cứu hộ phục hồi, huấn luyện giúp rất nhiều cá thể mèo rừng quý hiếm đủ khả năng quay về tự nhiên, nhưng vẫn còn đó những cá thể mất khả năng hoang dã, đã không thể về với rừng...
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Cúc Phương (Ninh Bình) những ngày cận kề năm Quý Mão. Tại khu vực chăm sóc cá thể mèo rừng, anh Hoàng Văn Thái điều phối viên chia sẻ: "Cứu hộ những chú mèo rừng đã khó nhưng việc chăm sóc phục hồi huấn luyện giúp những cá thể quý hiếm đủ khả năng quay về tự nhiên và tái hoang dã lại là công việc khó khăn gấp bội".
Ở thời điểm chúng tôi có mặt, trung tâm đang nuôi, chăm sóc 3 cá thể mèo rừng có tên gọi là Đại Lải; Sáng, và cá thể tên Xinh đang phải nuôi cách ly. Hiện, Đại Lải và Sáng không còn khả năng tái thả về môi trường tự nhiên, bởi trước khi cứu hộ về, cả hai đã bị chủ bắt và nuôi nhốt từ bé.
Theo thông tin, Đại Lải là chú mèo rừng hoang dã đầu tiên được đưa về trung tâm vào ngày 18/04/2008 bởi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi được người dân tìm thấy và giao nộp.
Khi đến trung tâm, Đại Lải còn rất nhỏ, chỉ khoảng 3 tuần tuổi và nặng 290g. Đại Lải nhớ mẹ không chịu ăn, suốt ngày nằm dài với ánh mắt buồn, mệt mỏi - anh Hoàng Văn Thái nói.
Bằng tình yêu, sự quan tâm, nhiệt tình chu đáo của đội ngũ chăm sóc tại Trung tâm đã giúp Đại Lải linh hoạt trở lại. Các nhân viên tại Trung tâm thực sự đã trở thành gia đình thứ hai của Đại Lải, từ việc cho bú sữa, kiểm tra sức khỏe, tình trạng bệnh.
Có một điều đặc biệt, bình thường những chú mèo rừng khác chỉ chăm sóc tại Trung tâm khoảng 1 đến 2 năm thậm chí chỉ vài tháng là có thể đưa chúng về với rừng tự nhiên, nhưng với Đại Lải đã qua 14 năm mà vẫn chưa chịu rời "ngôi nhà" thân yêu của mình. Anh em Trung tâm vẫn thường hay nói đùa "Đải Lải không muốn rời vì trót yêu ngôi nhà thứ hai mất rồi" - anh Hoàng Văn Thái chia sẻ.
Khác với Đại Lải, một cá thể mèo rừng đến Trung tâm từ ngày 2/8/2012, và được đặt tên là Lục Ngạn. Được biết, Lục Ngạn bị thợ săn bắt khi còn rất nhỏ, do không thuyết phục thợ săn thả về rừng, một gia đình người dân ở Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã mua lại và giao nộp cho Chi cục Kiểm Lâm trên địa bàn tỉnh.
Để đến được Trung tâm, Lục Ngạn đã phải vượt quãng đường dài hơn 200 km và được chăm sóc cẩn thận bởi các nhân viên của Trung tâm.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Cúc Phương thả những cá thể mèo rừng đã có thể trở lại cuộc sống trong môi trường tự nhiên.
Với Sáng, cô mèo rừng đến với Trung tâm có hoàn cảnh rất éo le. "Sáng được một người dân tình nguyện chuyển giao về Trung tâm sau khi mua lại từ một nhà hàng tại Hà Nội. Khi được chuyển giao về Trung tâm, cá thể này mất gần hết cả bàn chân trước bên trái, chỉ còn lại duy nhất 1 ngón chân cái gắn liền vưới xương cẳng chân.
Dù được các cán bộ nhân viên tại Trung tâm tận tình chữa trị và chăm sóc nhưng 'cô mèo' Sáng không thể trở về với rừng tự nhiên do việc tự di chuyển và kiếm mồi trong tự nhiên hạn chế.
Ngoài Sáng và Đại Lải, ở Trung tâm còn đang chăm sóc một cá thể mèo rừng khác được giải cứu từ tỉnh Bình Định vào ngày 17/10/2022 trong tình trạng bị cụt chân. Hiện cá thể này này đang được các nhân viên Trung tâm điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt.
Sau một buổi trò chuyện về những chú mèo rừng gữa đại ngàn Cúc Phương, chúng tôi quyết định ở lại qua đêm để hòng được mục sở thị Sáng và Đại Lải xuất hiện.
Đêm dần buông, tiếng dế ăn đêm bắt đầu rền vang hòa chung tiếng gió của núi rừng tạo nên khúc ca giữa đại ngàn. Anh Thái bảo, nếu các anh muốn có những bức ảnh mèo đi ăn, hãy núp vào một góc khuất và ngồi yên tĩnh mới săn được. Sau gần một tiếng đồng hồ ngồi bất động bên góc chuồng, cũng là lúc tiếng rung lắc của lá cây, tiếng sột soạt rung lên, những âm thanh rất nhẹ và khẽ ấy ngày càng rõ hơn. Tôi bấm anh bạn "Đại Lải đã bắt đầu xuống tìm đồ ăn". Chỉ vài phút sau, tiếng sột soạt rất khẽ tiến về phía chiếc khay đồ ăn.
Theo chia sẻ của anh Thái trước đó, sau khi mèo vào ăn vài phút hãy bật đèn pin soi thẳng vào mắt nó, ánh đèn sẽ thu hút ánh nhìn của mèo và chúng sẽ không bỏ chạy. "Tuyệt đối không gây tiếng động, dù chỉ là một tiếng động nhỏ nhất" - Thái căn dặn.
Quả đúng như lời Thái dặn, hình ảnh Đại Lải hiện ra trước mắt chúng tôi với màu lông vằn vện tựa một chú báo đốm với đôi mắt sáng quắc. Đôi tai luôn dựng ngược, thỉnh thoảng lại rung lắc, giật giật như để lắng nghe từng thanh âm xung quanh dù là nhỏ nhất.
Phía chuồng của Sáng, nhóm mật phục khác của chúng tôi sau hơn hai giờ đồng hồ mật phục đành bỏ cuộc bởi Sáng "có xuống ăn nhưng có lẽ khi phát hiện có mối nguy hại nên đã lẩn trốn lên cây và ẩn mình vào bóng đêm".
Theo giải thích của những chuyên gia về mèo rừng: "Sáng khi bị thợ săn bẫy về đã là mèo trưởng thành, cộng với việc đã dính bẫy một lần nên chúng khá cẩn thận. Còn với Đại Lải, khi bị thợ săn bắt về mới là chú mèo con và bị nuôi nhốt nên nhiều nên mất dần đi tính hoang dại vốn có của chúng".