Hà Nội

Chuyện về người phụ nữ ở Bắc Giang vượt qua định kiến hiến tạng chồng cứu người dưng

15-10-2019 15:07 | Y học 360
google news

SKĐS - Chúng tôi gặp Giang, người phụ nữ đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang dũng cảm bước qua rào cản quyết định hiến tạng chồng cứu 4 người đang ở lằn ranh sinh tử. Giang 32 tuổi nhưng sự khắc khổ, lam lũ nên nhìn em già trước tuổi. Người phụ nữ ấy có cái dáng nhỏ liêu xiêu, mỏng mảnh như chiếc lá cô đơn lẻ loi trên cành, thế nhưng lại có một quyết định táo bạo đậm lòng nhân ái đó là hiến tạng chồng để hồi sinh sự sống cho 4 người.

Thế nhưng, quyết định táo bạo đầy tính nhân văn ấy lại khiến gia đình cô  chịu thêm những lời cay đắng vì sự hiểu lầm.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Có thể nói 10 ngày qua, cô gái nhỏ bé ấy đã phải nén trong mình bao nhiêu niềm đau, nỗi nhớ khi người chồng đầu ấp tay kề cùng cô gánh vác việc gia đình bỗng chốc ra đi mãi mãi để lại gánh nặng trần gian cho cô gánh vác với ba đứa con thơ và mẹ già đau ốm triền miên. Nỗi đau mất người thân, người trụ cột trong gia đình tưởng như đã là tận cùng của sức chịu đựng, ấy thế mà Giang còn phải mang thêm cái tiếng “bán tạng chồng” để lấy tiền tỷ. Những lời nói vô tâm của người làng như hàng ngàn, hàng vạn lưỡi dao đâm vào trái tim vốn đang rỉ máu của cô.

Căn nhà của gia đình Giang đơn sơ, nằm sâu hun hút trong con ngõ nhỏ, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá nay lại trống trải hơn vì thiếu đi đôi bàn tay của người đàn ông trụ cột trong gia đình.

Ông Trịnh Yên Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia trao Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho gia đình anh Ngọ Văn Soái

Giang tâm sự, khi bác sĩ nói chồng em không thể sống được, anh ấy đã bị chết não, và gia đình có thể hiến tạng thì sẽ có thêm nhiều người khác được hồi sinh. Em đã bàn bạc với gia đình và ký vào Đơn đăng ký hiến tạng, khi đó em chỉ biết bác sĩ nói, nếu chồng em chết mà hiến tạng thì nhiều người sẽ được sống, em nghĩ chồng em đã mất mà lại để lại sự sống cho người khác thì tại sao mình lại không làm. Em nghĩ đơn giản vậy thôi, thế nhưng không ngờ về nhà người làng bán tán nói em mang bán tạng chồng được hơn 1,3 tỷ, em nghe mà đau lắm, nhưng em không thể giải thích được, có ai nghe, ai hiểu!. Xót xa hơn cả là những đứa con của em, khi đi học bị bạn bè nói “bố mày chết, mẹ mày bán tạng bố mày để lấy tiền” chúng nó đã xấu hổ, đã mặc cảm cúi gằm mặt xuống  không dám đến trường. Nỗi ám ảnh vì bị bạn bè trêu đùa đến về nhà đêm nằm chúng còn ú ớ gọi bố trong cơn mơ…

Lau vội những giọt nước mắt, Giang bảo, chồng em lúc sống là người hiền lành, tốt bụng ai cũng quý mến, em chắc rằng việc em và gia đình đăng ký hiến tạng anh ấy để cứu sống những người khác anh ấy cũng sẽ đồng tình và ủng hộ quyết định của anh em họ hàng.  Với em và các con cũng phần nào được an ủi khi  khi biết một phần cơ thể của anh ấy vẫn được sống.

“Bây giờ em đã phần nào “trút” được “tiếng ác” bán tạng chồng lấy tiền rồi”, Giang khẽ nói nhẹ. Hỏi về dự định của mình sau này ra sao, Giang nói, trước anh ấy là trụ cột chính giờ anh ấy ra đi chỉ còn mình em chăm lo cho các con và mẹ già hơn 80 tuổi nên trước mắt em nghỉ làm công ty, tập trung chăm sóc các con và mẹ già, sau đó cũng phải kiếm việc làm để nuôi con, nuôi mẹ.

Cũng trong buổi sáng ngắn ngủi ấy, tôi không thể quên được hình ảnh của cậu bé Còn cháu Ngọ Văn Đức con trai lớn anh Soái, đứa trẻ bị bạn bè trêu trọc đến nỗi không dám đến trường, không dám ngẩng mặt lên nhìn bạn bè vì xấu hổ thì hôm nay cũng đã nói : “Con có thể ngẩng cao đầu, tự hào về bố mình rồi ạ, con sẽ tiếp tục đến trường và đi học”.

Gia cảnh anh Soái rất khó khăn nhưng chị Giang và gia đình đã làm một việc đầy nhân văn

Còn anh Ngọ Văn Chinh, (anh trai của anh Soái cũng chia sẻ) : “Gia đình tôi đã đồng lòng  hiến tạng của em tôi để cứu người. Tôi nghĩ đến ba đứa con của em tôi, dù bố cháu đã mất nhưng tôi muốn các cháu được tự hào về bố mình.

Nghĩa cử nhân văn của gia đình chị Giang sẽ được lan tỏa, chia sẻ

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Sáu, trưởng thôn Ngọ Xá, xã Minh Châu, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang cho biết, những lời đồn ác ý về việc vợ anh Soái và gia đình bán tạng để lấy tiền giờ đã được giải tỏa hết. Theo bà Sáu,  đó là do mọi người chưa hiểu việc hiến tạng có thể cứu người khác nên đã có những lời nói không hay. Sau đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền phổ biến về việc đăng ký hiến tạng đã được làm ở nhiều nơi, nhiều tỉnh và nhiều người được cứu sống thì người dân đã hiểu. Những người mà nói lời ác ý với gia đình anh Soái đều đã nói với tôi có gì bỏ qua vì không hiểu. Và vì thế tại buổi lễ Truy tặng kỷ niệm chương những người đó cũng đến dự.

Bà Sáu cho biết thêm, gia đình anh Soái là người đầu tiên của thôn, có lẽ cũng là của huyện của tỉnh làm một việc nhân văn cao đẹp này, qua trường hợp của gia đình anh Soái thì thôn chúng tôi cũng có ý tưởng  lồng ghép tuyên truyền về việc hiến ghép mô tạng để người dân được hiểu hơn về việc làm giàu ý nghĩa này bên cạnh việc hiến máu nhân đạo đang được thực hiện rất tốt ở địa phương.

Trước nghĩa cử cao đẹp và việc làm đầy tính nhân văn của gia đình anh Ngọ Văn Soái, trước sự chứng kiến của bà con nhân dân xã sáng 10/10, tại UBND xã Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, BV Hữu nghị Việt Đức, UBND huyện Hiệp Hòa đã tổ chức lễ tri ân và Truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe Nhân dân cho anh Nguyễn Văn Soái khi gia đình anh chấp nhận hiện tặng một phần cơ thể cứu người sau khi qua đời: 1 trái tim, 1 lá gan, 2 quả thận, 2 giác mạc, 10 gân và 3 đoạn mạch máu của anh đã giúp hồi sinh sự sống cho rất nhiều người.

Thống kê của BV Việt Đức, trong khoảng 10 năm trở lại đây (2009 – 2019), tại BV có 57 bệnh nhân chết não hiến tạng. Các bác sĩ đã tiến hành 25 ca ghép tim, 2 ca ghép phổi, 54 ca ghép gan và 99 ca ghép thận.

Buổi gặp gỡ hôm ấy tuy ngắn ngủi nhưng lại chứa đựng biết bao giá trị, lòng trắc ẩn, sự sẻ chia tình thương cảm giữa con người với con người. Mọi hiểu lầm đã được giải tỏa, sau cơn mưa trời lại sáng. Nghĩa cử cao đẹp giàu tình nhân văn của gia đình chị Giang sẽ được lan tỏa và chia sẻ trong làng xóm, những đứa con của chị sẽ luôn tự hào về bố của mình. Thế nhưng, để những việc làm nhân văn như của gia đình chị Giang không phải chịu thêm những "nỗi đau kép" vì sự hiểu lầm cần lắm sự cảm thông, lắng nghe và chia sẻ của mọi người.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn