Những người lính cũ của Trung đoàn 271 và đặc biệt là lính Đại đội trinh sát 21 của trung đoàn này trở về, không ai không biết đến Đinh Xuân Tục bởi đó là con người luôn tự thấy mình may mắn và bao năm nay bền bỉ đi trả và san sẻ cái may ấy cho đồng đội.
- Cái “hay” mà thiên hạ đồn việc gì phải giới thiệu! Có một nhân vật này viết được đấy... Gặp là mê ngay...!
Thế là leo lên ôtô của Đại tá nhà văn do ông tự lái để tìm với tất cả sự tò mò. Và rồi xuống Đồ Sơn đúng lúc “cái tay hay hay” ấy đi thăm và họp mặt với đồng đội cũ của Đại đội trinh sát C21 tận Thái Bình, anh em chúng tôi theo ngay. Sống giữa những người lính cựu chiến binh, tóc đã phơi sương, nhìn họ, nghe họ thì đúng là... mê thật!
“Cái tay hay hay” ấy là Đinh Xuân Tục, 58 năm về trước sinh ở Đồ Sơn trong một gia đình nghèo có 9 anh chị em. Năm 1970, Tục vào bộ đội, 6 năm sau khi nước nhà thống nhất anh giải ngũ ra Bắc rồi 3 năm sau - năm 1978 lại tái ngũ đến tận năm 1997 mới rời tay súng. Sơ sơ lý lịch là như thế. Nhưng cái gây nên hấp dẫn ở mỗi người lại không phải là lý lịch mà nằm ở chỗ khác người. Sau khi làm dân, anh cựu chiến binh Đinh Xuân Tục lao vào cuộc mưu sinh, làm thuyền trưởng tàu đánh cá cũng gọi là tạm đủ ăn. Thế rồi trời đất xoay vần thế nào mà cái rẻo đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở góc Đồ Sơn mà gia đình ông khai phá từ xưa bỗng được giá trong cơn lốc thị trường với nhà hàng, nhà nghỉ mọc lên như nấm. Có tiền, ông bàn với vợ vay thêm ngân hàng rồi đầu tư... cho con đi học nước ngoài. Cảnh nghèo, các con anh ở xứ người vừa học, vừa lao động hùng hục để gửi tiền về “hồi vốn đầu tư” cho bố mẹ. Kể chuyện này, Đinh Xuân Tục cười:
- Tôi là người may mắn anh ạ. Mình trình độ lớp 7, tài cán gì đâu. Cũng nhờ làn gió “đổi mới”, so với thiên hạ chẳng bằng ai nhưng so với mình bỗng thấy giàu!
Những tưởng “bỗng giàu” người ta thường hay “xả láng” hưởng thụ cho bõ lúc cơ hàn nhưng Đinh Xuân Tục khác người ở điều này. Cái hôm lần đầu cầm mớ tiền to, người khác thì cười, Tục lại khóc và câu đầu tiên thốt lên là: “Đồng đội của tôi ơi !”. Vợ con ngày ấy chửa hiểu ngang dọc ra sao chỉ biết an ủi là “nhà mình gặp may” nào ngờ Đinh Xuân Tục vẫn chẳng cười cho lại “mắng” vợ con xơi xơi:
- Anh em cũng như mình, vậy mà thằng nằm lại, thằng bị thương, riêng mình may nhất là lành lặn trở về... Hôm bố bị sốt nằm ven đường hành quân, bác Lưu Đình Thành cõng bố suốt 5 ngày 5 đêm về đến cứ lại rơi cái ảnh của mẹ mày vẫn để ở cái túi áo cổ vuông không nắp. Vậy mà bác ấy quay lại tìm bằng được để giờ vẫn treo ở trong khung ảnh kia...- Lặng một lúc, ông nhìn vợ - nhiều anh em cựu chiến binh ở các vùng quê còn khổ lắm...
Cả nhà lặng đi. Hơi thở chiến tranh ùa vào trong căn nhà với ký ức của người chồng, người cha khiến vợ con ông cảm thấy điều thiêng liêng trong ông từ cái hôm “gặp may” ấy và cho đến tận bây giờ, hễ có tiền là cả nhà lại gom góp để ông chia cái may ấy cho đồng đội. Sức một mình không đủ, Đinh Xuân Tục tìm đến những đồng đội thành đạt và những trái tim lính gặp những trái tim lính làm nên những “quỹ” vô hình. Gọi là “quỹ” thì không phải vì không có tiền dư, và tất nhiên không sổ sách ghi chép nhưng cần thì điện thoại ới nhau rằng chỗ ấy chỗ nọ “anh em mình điện thoại cũng chưa có” hoặc “Thằng ấy thằng nọ (cách gọi thân mật của lính) đan rổ rá đem bán không mua nổi cái đài. Giá có bên cạnh để nghe thời sự...”, thế là gom góp trang bị đủ cả mà chẳng cần anh này đóng bao nhiêu, anh kia đóng bao nhiêu. Không phải là quỹ mà như có quỹ thường xuyên là vì vậy. Tết này họ bàn nhau để cánh lính cựu đang là lão nông phải đàng hoàng, kiểu gì cũng phải có 20 ký thịt lợn và một “chai rượu lịch sự” cho đàng hoàng. Đinh Xuân Tục hay nhắc đến “ngày ấy”:
- Ngày ấy, tớ và tay Nguyễn Văn Nói ở đơn vị đặc công 409 nhặt được mẩu giấy gói muối rơi, hai thằng xé đôi chia nhau liếm. Sướng như ăn tiệc. Thằng nào cũng chỉ mong sống đến hòa bình. Nay hòa bình đã 35 năm mà nhiều thằng vẫn khổ quá...
Kỷ niệm hay đúng hơn là nỗi ám ảnh của chiến tranh nặng lòng người lính khiến tình đồng đội cũ thêm sâu nặng. Có người quen miệng gọi việc Đinh Xuân Tục đi giúp đỡ đồng đội là “từ thiện” , ông bực :
- Từ thiện là cho, còn tôi không cho ai cả! Tôi may mắn trở về, may mắn có tí tiền do bán đất, do con cái gửi về thì đi chia cái may cho đồng đội của tôi thôi!
Cách “chia” của Đinh Xuân Tục không chỉ là quà tặng chiếc đài, chiếc điện thoại hoặc đôi giày, bộ quần áo để ấm lòng đồng đội cũ đang khó khăn ở Đồ Sơn, ở Thái Bình, Hà nam, hay ở Hòa Bình, Bắc Giang... mà lạ hơn là cách nghĩ. Ông lo cho gia đình đồng đội hy sinh cái cần câu hơn là con cá. Ngoài đóng góp giúp cho hội người nghèo, người mù, ông còn nuôi hai cháu mồ côi, góp tiền cho Hội chữ thập đỏ nuôi một cụ già neo đơn, dựng 3 nhà tình nghĩa, 2 căn ở Hải Phòng, một căn ở Bắc Ninh. Đấy là tư cách công dân. Với đồng đội cũ, ông cùng “chiến hữu thành đạt” không chỉ thấy ai khó thì giúp mà còn lo cho con liệt sĩ. Chị Đồng Thị Doanh, con liệt sĩ Đồng văn Đang nay đã là chủ trại lợn có vài trăm con ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Thái Bình. Đồng đội của ông ngày đầu khó khăn được giúp đỡ có người đã thành “chuyên gia” nuôi nhím ở Kim Bảng, Hà Nam như như cựu chiến binh Trương Lang Ổn. Và còn bao người khác nữa khi thoát nghèo lại cùng ông chung tay giúp đỡ đồng đội khác còn nghèo.
Sự giàu có nhất của người lính là tình đồng đội. Nỗi ám ảnh lớn nhất của Đinh Xuân Tục ngày trong chiến trận là trường hợp hy sinh của đồng đội Nguyễn Văn Thắng. Thắng là anh cả trong gia đình 4 anh chị em Thắng, Lợi, Hòa, Bình. Cách đặt tên con như thế cũng là khát vọng của cả một dân tộc. Trong trận chiến ấy, Tục là trung đội phó trinh sát rút lui cuối cùng suýt hy sinh vì định cướp xác bạn về chôn. Địch phục kích với hỏa lực mạnh, anh đành bỏ. Quay lại trận địa cũ, anh chỉ biết thắp hương ở quả đồi bạn mất. Ra Bắc, mãi tận năm 2005 anh mới tìm được địa chỉ bà Soi, mẹ anh Thắng để trao lại cho bà ảnh người yêu, cùng nắm đất trên quả đồi bạn hy sinh mà anh khư giữ suốt bao năm. 5 năm nay, năm nào anh cũng đến nhà bạn và cách “chia” sự may mắn ấy đã sưởi ấm nỗi lòng người mẹ Việt.
Hồi niệm về đồng đội người còn người mất... |
Với đồng đội hy sinh, Đinh Xuân Tục cũng “chia” sự may mắn của mình với gia đình muốn đón người thân về nhưng không có điều kiện. Liệt sĩ Nguyễn Quang Thắng ở Đồ Sơn cưới vợ được 3 ngày thì ra trận và hy sinh ở Tiền Giang, hài cốt được quy tập ở Nghĩa trang Cai Lậy. Anh để lại một đứa con. Đinh Xuân Tục nghĩ đứa con chưa biết mặt bố phải được hương khói thường xuyên. Nghĩ là làm. Anh gác lại tất cả để dò tìm mộ đồng đội và cùng con liệt sĩ về tận Tiền Giang đưa hài cốt bạn về. Đận đem hài cốt đồng đội đang quy tập ở Long An về quê nhà Đông Anh (Hà Nội) còn “bi hùng” hơn. Số là dù có đơn từ, chứng nhận, giấy phép nhưng thủ tục tiếp theo ở ta cũng còn khá rườm rà mà chờ được cũng phải mươi ngày. Sốt ruột, Đinh Xuân Tục được sự “đồng lõa” của người quản trang cũng là cựu chiến binh nửa đêm đào mộ đem hài cốt bạn ra Bắc. Việc xong nhưng ông bị mang tiếng khi Long An có công văn ra chê trách về chuyện “ăn cắp hài cốt”. Ông nổi tiếng trong cánh CCB E271 từ đấy do mang tiếng “ăn cắp” vì tình đồng đội.
Tôi và nhà văn Chu Lai đến Đồ Sơn tính hỏi chuyện Đinh Xuân Tục nào ngờ lọt thỏm giữa vòng vây những người cựu chiến binh Đại đội C21 thuộc Trung đoàn 271 khi theo ông về cuộc họp mặt lính cũ ở tận Thái Bình. Những người lính một thời đạn lửa giờ tóc đã hai màu, có người cụt cả hai chân đang quây quần bên nhau. Nhìn anh em cười mà lòng chợt khóc vì xúc động. Những giọt nước mắt ấy là châu ngọc rửa sạch tâm hồn. Vâng, cuộc chiến nào cũng sẽ kết thúc nhưng tình đồng đội từ cuộc chiến ấy thì mãi lớn lên, sống cùng năm tháng.
Tôi nhìn Đinh Xuân Tục và thầm nghĩ: cuộc sống hẳn còn biết bao những người lính bình thường như ông lấy sự trở về của mình sau chiến trận là cái may nhất trong đời và 35 năm trôi qua vẫn lấy cái may ấy chia sẻ cho đồng đội, gia đình liệt sĩ. Điều gì làm nên sự nhân văn ấy nếu không phải trong từng lồng ngực kia vẫn vẹn nguyên một trái tim người lính...
Lê Quý