Lâu nay chuyên mục “Vượt qua bệnh tật” của báo Sức khỏe&Đời sống được bạn đọc chú ý, tìm hiểu, vì có nhiều tấm gương sinh động từ những nhà khoa học, nhà giáo, văn nghệ sĩ... Bằng ý chí, nghị lực lớn lao họ đã vượt qua bệnh tật (thường vào lúc tuổi già) để sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Trong bài này, người viết muốn nói về một tình huống tác động xấu vào cơ thể, thành bệnh tật, đó là tai nạn giao thông. Ở đây là trường hợp của một vị giáo sư khả kính từng nhiều năm làm việc ở Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Thời gian qua, ông đã gặp không ít tai ương trên đường và tất nhiên mỗi khi xui xẻo không khác bị đổ bệnh, ông cũng phải có nghị lực, ý chí rất cao chữa trị để “vượt qua tai nạn”, tiếp tục sống, làm việc, cống hiến...
Tìm đèn thắp sáng
Đó là trường hợp của Nhà giáo nhân dân, GS. Nguyễn Đình Chú, một “cây đa, cây đề” ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước hết, nói đến GS. Nguyễn Đình Chú là nói đến một nhà sư phạm uyên thâm, một người thầy tận tụy với nghề, rất được đồng nghiệp cùng nhiều thế hệ học trò kính trọng, yêu mến.
GS. Nguyễn Đình Chú quê xã Nghi Hợp (Nghi Lộc, Nghệ An) dòng dõi Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí đời Hậu Lê sơ, thế kỷ XV. Cụ thân sinh là bạn với cụ Giải nguyên Phan Bội Châu, bạn học với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Hồ Chủ tịch. Cụ đã truyền dạy cho con trai lúc nhỏ những câu như: Trời không phụ người có lòng tốt; Việc mà biết đâu là đủ lòng thường vui... Trong bài mở đầu thay lời tự bạch cho cuốn Nguyễn Đình Chú - Tác phẩm khoảng trên dưới 2.000 trang do Hội Nhà văn Việt Nam sắp xuất bản, ông có lời tự bạch: “Không biết cụ Nguyễn Gia Thiều khi giáng bút viết hai câu thơ: Cái quay búng sẵn trên trời/Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm, có biết hơn 200 năm sau trên đất nước của Vua Hùng có một chàng trai là tôi, chẳng được ông trời ban cho gì đáng kể về năng khiếu văn chương. Ấy vậy mà cái quay búng sẵn trên trời lại đã búng chàng trai đó vào cõi văn chương như một cái duyên không hẹn mà gặp, tới nay hơn sáu chục năm rồi...Điều may mắn cho tôi là được làm học trò những thầy nổi danh văn hóa học thuật của đất nước trong 3 năm học Đại học Sư phạm văn khoa Hà Nội(1954-1957). Đó là: Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu. Học xong được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, lúc đầu làm trợ lý cho triết gia Trần Đức Thảo về lịch sử triết học, nhưng chưa đến giữa đường đã đứt gánh. May lại được người đã tái sinh đời tôi là học giả Đặng Thai Mai gọi cho làm trợ lý về văn học Việt Nam...”.
Vợ chồng GS. Nguyễn Đình Chú kỷ niệm 55 năm ngày cưới.
Nhân dịp thầy thượng thọ 80 tuổi, học trò và các đồng nghiệp ở Đại học Sư phạm Hà Nội đã cho ra mắt bạn đọc cuốn Nguyễn Đình Chú - Tim đèn thắp sáng mãi (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2010). “Tim đèn” được giải nghĩa: chữ Chú, theo chữ Hán tức tim của lửa đèn, nơi để thắp lên ngọn lửa tỏa sáng. Và Tim đèn ấy luôn tỏa sáng với hơn 50 năm trong sự nghiệp trồng người của GS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú.
Người ta hay ví nghề giáo như nghề chở đò, sau mỗi chuyến đò mấy ai còn nhớ người đã đưa họ sang sông. Nhưng, GS. Nguyễn Đình Chú là người “chở đò” rất được học trò nhớ đến, là bởi ông có cái “tình”, yêu thương và hết lòng giúp đỡ mọi người, còn là bởi cái “tài”, ông thi vào trường, ra trường đều đỗ thủ khoa và nổi tiếng là người hiểu sâu biết rộng. Học trò gọi thầy là “hối nhân bất quyện” tức dạy người không biết mệt mỏi; đồng nghiệp thì yêu quý, trân trọng. PGS.TS. Nguyễn Công Lý hiện ở Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh thổ lộ: “Riêng với thầy Nguyễn Đình Chú tôi có may mắn được học thầy nhiều lần ở 3 bậc học đại học, cao học và nghiên cứu sinh... Với tôi, thầy mãi mãi là một vị ân sư, một người cha, một bậc sư biểu”. TS ngữ văn người Hàn Quốc Oh Eun Chul trong bài Thầy giáo yêu quý của tôi, có đoạn: “...sau 6 tháng tập trung, sản phẩm là quyển luận án gần 1.000 trang quả là không phải nhỏ với thầy giáo đã gần 80 tuổi. Tôi nghĩ thầy không khỏi ngạc nhiên, song thầy rất bình thản, đọc và đưa ra nhiều ý kiến quý báu giúp tôi hoàn thiện hơn về mặt học thuật. Nhờ thầy tôi bảo vệ luận án tiến sĩ với kết quả xuất sắc”. PGS.TS. Nguyễn Đăng Na (sinh năm 1942) vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp, từng phát biểu: Thầy Chú là một trong 3 thầy quan trọng nhất cuộc đời tôi! Trong bài Nguyễn Đình Chú: một lãng tử, một ông đồ Nghệ GS. Phan Trọng Luận ở Khoa Ngữ văn nhớ lại một kỷ niệm “... anh Chú là người dễ xúc động, chóng cảm thông với người khác. Có lần tôi đọc cho anh hai câu thơ khá chua xót về sự đời của cha tôi cho anh nghe. Cha tôi nói thời nô lệ, đất nước còn mà với người dân thì hóa ra mất. Còn ngày nay khi cha mẹ ly hôn tuy cha mẹ vẫn còn mà với con cái lại cũng hóa ra mất: Non nước vẫn còn mà hóa mất/Mẹ cha còn đó hóa ra không. Tôi đọc hai câu thơ và anh khóc. Sau đó, anh luôn hỏi thăm về gia cảnh đôi vợ chồng người bạn không may mắn đó”.
“Bạn cùng... Chaly”
Trong đời sống thường nhật, GS. Nguyễn Đình Chú ngoài việc lên lớp, hướng dẫn học trò làm khóa luận tốt nghiệp hay hướng dẫn nghiên cứu sinh... ông còn làm đủ mọi việc giúp đỡ vợ con và gia đình ông cũng nghèo, thanh bạch như nhiều nhà giáo khác chỉ sống bằng đồng lương “ba cọc ba đồng”. Mỗi khi đi đâu, ngày trước ông thường dùng phương tiện thô sơ là cái xe đạp, những năm gần đây có thêm phương tiện bán cơ giới (chạy bằng động cơ, khi cần có thể đạp chân) là chiếc xe Babet “nhè” (Babetta), sau lên đời bằng chiếc xe ga tay nhãn hiệu “Chaly”. Tất nhiên, với bản tính cẩn trọng của thầy giáo mực thước, ông bao giờ cũng đi sát hè đường bên phải, với tốc độ nhanh hơn người đi bộ tí chút, vậy mà không hiểu sao vẫn nhiều lần bị... va quệt. Nhẹ thì sứt chân sứt tay, nặng thì chấn thương vào phần mềm, hay vào xương khớp, mấy lần phải nghỉ việc hàng tháng chữa trị. Thật đúng là “họa vô đơn chí”!
Ở Tổ văn 2 của ông có người bạn đồng tuế, đồng niên là Tôn Gia Các (thầy Các mới qua đời vì bệnh hiểm nghèo ở tuổi gần 80), ngoài công việc giảng dạy, thầy Các còn là một nhà thơ trào lộng có hạng của trường. Lần nào GS. Chú bị tai nạn giao thông, thầy Các cũng vào bệnh viện thăm, ngoài trái cam, cân đường bồi dưỡng, thầy còn tặng bạn già thơ, mà người bị nạn dẫu đang đau đớn, nhăn nhó khi đọc lên cũng phải phì cười. “Vè ngã xe - Tặng Nguyễn Đình Chú”, là tựa chung cho các bài thơ của thầy Các, đã được học trò Khoa Ngữ văn thu thập và truyền tụng. Trích: Ngã xe lần 1: Ghé vào Bệnh viện Việt-Xô/Thấy chân ông Chú ngay đơ một bề/Tôi bèn nghiên cứu một khi/Để xem xem thử việc gì xảy ra/Một, vì cái Babetta/Ông chưa nắm vững tay ga đàng hoàng/Hai là ông cũng mơ màng/Ông đi ông liếc, ông quàng phải ai… Ngã xe lần 2 (qua mô tả biết chắc là môi bị vập xuống đường): Vào thăm ông Chú hôm nay/Phải rất nghiêm chỉnh không ai được cười… Mặt ông bôi thuốc đỏ hồng/Môi ông bằng nửa quả hồng gắn vô… Ngã xe lần 3: Ông Chú mới mua Chaly/Xe ngon máy tốt ông phi vù vù/Bỗng đâu trước mắt lờ mờ/Hình như là có con bò chạy ngang… Ngã xe lần 4
(Tác giả không dùng thể lục bát nữa mà là thơ ngũ ngôn): Lần này ông hồi phục/Lại phành phạch lên xe/Rủ bà Thâm đi nhởi/Mà bà Thâm cũng nghe/Đi đến đoạn Cầu Giấy/Ông lại bị ngã xe/Ông thì không đau đớn/Bà bị ông nằm đè…
Nhà hài hước nhắc đến “bà Thâm”, xin thưa, đó là phu nhân của GS. Nguyễn Đình Chú. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thâm, nguyên hiệu phó một trường trung học cơ sở ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), cũng là một người rất có khiếu hài hước. Mỗi lần ông gặp nạn là một lần bà lo lắng, đôn đáo chạy chữa cho ông, song là một người giàu chất “uy-mua”, mỗi khi ông đã tai qua nạn khỏi được xuất viện, bà đều tặng ông một bài, vừa để cảnh tỉnh, cũng là động viên khích lệ tinh thần ông sau cơn nguy biến. Các học trò đã sưu tầm đầy đủ thơ của cô giáo Minh Thâm tặng chồng, nhiều bài vui đáo để, như: Trường ca, nhớ ông Chú đi Tây Nguyên; Thơ vui giễu chồng; Tạ lễ (Giễu ông chồng ngã xe máy); Đừng buồn (Lời an ủi chồng); Kính dâng đức lang quân vài lời dặn dò trước khi chàng lên đường đi họp lớp; Giễu ông Chú đi xe máy phạm luật bị công an tóm…Xin đơn cử vài câu: Cụ ông tuổi 79/Cụ bà thời kém 3/Thế mà chẳng chịu buông tha/Chaly cứ phóng ngày ba bốn lần… (Xuân Đinh Hợi 2007); Hai cụ ngồi sát bên nhau/Cụ phi nước đại cụ thời ôm eo/Cụ ông tí tởn cười reo/Cụ bà khiếp hãi tái xanh mặt mày…(Hạnh phúc có cái Chaly)...
Trên phương diện dùng tiếng cười chữa lành những sang chấn tinh thần sau mỗi cú ngã, thì những bài thơ kể trên như bài thuốc góp phần chữa lành vết thương, đồng thời vị giáo sư “khổ chủ” cũng phải có nghị lực rất cao trên giường bệnh. Điều bất ngờ có phần kỳ diệu, GS. Nguyễn Đình Chú đến ngày hôm nay ở tuổi ngót “cửu thập” (GS sinh năm Kỷ Tỵ, 1929) vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, đặc biệt vẫn có công trình nghiên cứu văn học và thường xuyên đi hội thảo hoặc có mặt trong các hội đồng bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ. Chính vì sự đẹp lão của vị giáo sư hay gặp sự cố trên đường này, mà nhà trào lộng Tôn Gia Các thêm một lần phát huy cái nhìn tích cực thể hiện trong bài Thi hoa hậu Tổ văn 2: …Hoa hậu Tổ văn 2 là dân cà có đuôi, cà có cuống/Chính là ông Nguyễn Đình Chú đích danh/Tuổi đã nhiều mà mắt vẫn còn xanh/Cười tươi rói như chàng trai mười bẩy…
Sau bao lần gặp “đại hạn” như đã kể, hôm nay thầy Nguyễn Đình Chú vẫn không hề ruồng bỏ “con ngựa gầy” của mình, đôi khi cụ ông ra đường vẫn có cụ bà ôm eo, đúng như câu thơ “lạc quan” mà phu nhân đã tặng phu quân: Hạnh phúc có cái Chaly/Khắp nơi du hí Chaly bạn cùng/Què chân què cẳng mặc lòng/Trót đà thề thốt bạn cùng Chaly!