Nhưng rồi có những bệnh nhân cũ bạn sẽ nhớ mãi, bởi họ đã mù, cuộc đời họ đã rẽ sang một ngả khác, bất hạnh và khó nhọc hơn khiến cơ hội để bác sĩ gặp họ chỉ tính bằng lần trong vài năm hay có thể lâu hơn nữa... Mỗi lần nghĩ đến họ, trái tim người thầy thuốc lại nhói đau, những thước phim về họ lại tua về, thảng thốt nhớ thương.
Hà kém tôi khoảng 5-6 tuổi. Một buổi sáng chủ nhật, bác Như - bố em đèo em đến căn nhà tập thể bệnh viện của gia đình tôi giới thiệu với cả nhà: Đây là con nuôi của bố tôi. Ngạc nhiên và thú vị quá! Nhà tôi nghèo làm sao nuôi được thêm ai nữa mà có thêm đứa em nuôi lớn đùng thế này? Bố tôi giải thích thêm Hà bị viêm màng bồ đào, đã có lúc mù hẳn, được bố tôi chữa trị đã nhìn được và tiếp tục đi học. Để ghi ơn bố tôi, muốn chúng tôi thân thiết với nhau hơn, em và gia đình xin được nhận làm con gái nuôi út...
Chúng tôi hân hoan lắm, bữa cơm nhận con nuôi, cô em nuôi hiền chỉ cười và ngồi một chỗ. Sau này học y rồi học bác sĩ mắt tôi mới biết: Hà bị viêm màng bồ đào bẩm sinh, các đợt viêm có thể tạm dừng nhưng rồi lại tái phát, biến chứng và mù lòa trước khi đến tuổi trưởng thành là khó tránh khỏi. Mắt em không tốt lắm nên chỉ chơi nghịch với chúng tôi cầm chừng. Mặt tròn, phù dạng Cushing nên tính đã hiền và mặt càng hiền hơn. Hai gia đình đông con: Một gia đình bác sĩ nghèo và một gia đình công nhân Nhà máy Thuốc lá Thăng Long dần trở nên thân thiết. Mỗi dịp giỗ, Tết, nghỉ hè, mấy anh em chúng tôi lại xuống nhà Hà chơi và ngược lại. Được ăn ngon, trêu đùa thoải mái vì Hà là phận em nên nó nhường chúng tôi hết, cần mẫn phục vụ các trò chơi nghịch của chúng tôi... Những năm tháng ấu thơ đẹp đẽ sao qua nhanh thế!
Cứu chữa các bệnh về mắt để phòng ngừa mù lòa là trách nhiệm của các bác sĩ nhãn khoa.
Thời buổi hậu bao cấp ập đến. Tôi vào học Trường Y, hai bố mẹ Hà mất việc ở nhà máy, mấy anh chị em Hà bươn trải kiếm sống. Kinh tế nhà em trước vốn khá hơn nhà tôi nhiều, nay sập xuống. Bệnh của em ngày càng tái phát mau và thêm biến chứng. Chúng tôi đã lớn nên không chơi được với nhau nữa. Thế nhưng mỗi năm Tết đến, Hà và bác Như đều thăm bố tôi. Chúng tôi vẫn nhớ mình có cô em nuôi mắt kém nhưng buồn ở nỗi càng lớn thì mắt càng kém đi, gia đình càng nghèo túng. Thuốc men, phương tiện hiện đại theo thời buổi kinh tế thị trường tràn vào. Bố tôi và gia đình em bàn bạc mãi rồi cũng đành thử phép màu cuối cùng, hiện đại nhất thời bấy giờ. Đó là mổ cắt dịch kính điều trị bong võng mạc và teo nhãn cầu cho em. Lòng người hy vọng biết bao nhiêu nhưng trời lại không thương em, sau mổ, thị lực em không cải thiện. Một bên mù hẳn, một bên chỉ còn chút ánh sáng. Tôi ra trường, đi làm, thỉnh thoảng bác Như - bố Hà vẫn đến chơi với bố tôi. Họ cùng đau khổ vì có một người con gái tật nguyền, khó lấy chồng và biết trông cậy vào ai khi cha già, mẹ héo... Họ thân với nhau hơn, như anh em vì là đồng hương, học cùng trường cấp III, người bác sĩ bó tay thúc thủ trước bệnh tật quái ác và người kia là người cha đau khổ tột cùng.
Kinh tế nhà chúng tôi đã cải thiện hơn, xây được nhà và đi xe máy nhưng bố Hà vẫn đi chiếc xe đạp Phượng Hoàng, dép tổ ong đến thăm bố tôi. Bộ râu hiếm khi cạo, ông già xọm đi, mỗi lần chúng tôi hỏi thăm Hà, mắt ông lại ầng ậc nước... Tội nghiệp! Hà đã phải nhập Hội người mù của quận, làm việc văn phòng cho Hội. Sáng sáng, hai bác dẫn Hà ra đường cái để xe ôm đưa Hà đi làm ở Hội. Hà thông minh, làm việc tốt nên được cử làm phó chủ tịch hội người mù quận rồi chuyển tiếp lên Thành hội...
Một ngày đông, bác trai kêu mệt, lên gác nằm nghỉ rồi mãi không dậy được nữa. Mẹ Hà nghĩ ngợi nhiều bị glocom, lại phải dùng thuốc cả đời.
Đoán gần ngày giỗ bố em, mấy anh em chúng tôi đến chơi và thắp hương cho bác. Dễ gần 10 năm không gặp em. Em trẻ hơn tuổi nhiều và thuộc loại “tinh nhuệ” của người mù. Chuyện như ngô rang, tay gọt hoa quả mời chúng tôi thoăn thoắt. Chúng tôi tặng em chút tiền, em cứ đòi trả lại, phân trần là có lương cao, đi làm có Hội đón, không phải nuôi ai...Phải rồi, cái em cần là ánh sáng, là cuộc sống gia đình có chồng con bên cạnh. Đồng tiền của chúng tôi chẳng ý nghĩa gì? Tôi hẹn em hôm nào qua viện xem có vớt vát được gì ở mắt còn lại không? Hà ậm ừ, rồi năm tháng lại trôi tiếp cho đến ngày hôm nay.
Bố tôi mất sau bố em khoảng 2 năm. Hai ông chắc vẫn đến chơi với nhau và thầm chăm sóc cho đứa con chung ngoan hiền nhưng kém may mắn của mình. Tôi chẳng biết làm gì cho em mà chỉ viết ra những dòng này.
Em và những người mù hãy tha thứ cho chúng tôi!