Chuyện về một ấp vùng sâu có nhiều người không ngủ

16-03-2016 18:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Rất nhiều câu chuyện đồn thổi về hiện tượng một địa phương vùng sâu có gần 10 người bị bệnh mất ngủ nghiêm trọng khiến chúng tôi tìm về ấp Trường Trí B, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long để tìm hiểu thực hư.

Ông Võ Hoàng Thêm, 88 tuổi cư dân cố cựu tại đây nói với vẻ dè chừng “…vùng nầy đâu có bị bom đạn chiến tranh nhiều, cũng không bị chất độc da cam rãi xuống, nhưng không hiểu sao có nhiều người mắc căn bệnh “ lạ” đến như vậy…”

Người mất ngủ đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc là ông Cao Văn Hùng, 71 tuổi ngụ số nhà 167. Tiếp chúng tôi với thể trạng khỏe mạnh, vui vẻ, ông Hùng cho biết mình đã bị bệnh mất ngủ trên 20 năm. Dù đã chữa chạy khắp nơi nhưng đến nay kết quả chưa khả quan. Các bệnh viện từ địa phương đến Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh đều cho rằng ông bị suy nhược thần kinh và điều trị bằng nhiều phác đồ khác nhau nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Điều kỳ lạ là dù bị mất ngủ kéo dài nhưng việc ăn uống và sức khỏe ông vẫn tốt như bao nhiêu người khỏe mạnh. Ông vẫn lao động hàng ngày và vui chơi giải trí bình thường.

Ông Cao Văn Hùng.

Ông Cao Văn Hùng cho biết “…trước đây tôi có xắc lá Vông nem để uống thì mỗi đêm ngủ được khoãng 30 phút, hiện nay ông đang uống thuốc đông y được chiết xuất từ là Vông nem nên mỗi đêm thời gian ngủ được khoãng 60 phút, sau đó lại thức trắng đêm đến sáng…”

Ông còn kể thêm : phải uống thuốc đúng 20 giờ đêm thì mới hiệu nghiệm. Sau khi uống khoãng 22 giờ là ngủ thiếp, đúng 23 giờ lại thức. Qui trình nầy lập đi lập lại bất di bất dịch hàng chục năm qua.

Nhân vật thứ 2 mà chúng tôi tìm đến là người phụ nữ 24 năm không ngủ. Đó là bà Lê Thị Huệ, sinh năm 1958. Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá đơn sơ, bà Huệ kể lại “…tôi mất ngủ đến nay đã 24 năm từ sau cú “ sốc” mẹ tôi qua đời, tôi đã chữa chạy khắp nơi từ Đông đến Tây y nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Tôi rất buồn và lo lắng…”

Bà Huệ kể thêm: ban đầu khi chợp mắt, tôi thường bị ám ảnh về những câu chuyện hoang đường, thường nghĩ đến những cơn ác mộng sẽ xảy đến nên không ngủ được, tôi nghĩ mình bệnh thần kinh nên đã chữa trị theo hướng Tây Y từ Cần Thơ đến tận TPHCM. Thậm chí bà cũng đã đến khám và điều trị tại bệnh viện Tâm Thần Đồng Nai hơn 2 tháng nhưng không có kết quả. Sau đó bà chuyển sang điều trị Đông Y ở nhiều địa phương nhưng bệnh vẫn không chuyển biến. Thậm chí có nhiều người mách bảo bà phải thường xuyên đi chùa, đi chữa bệnh “ma quỷ đeo bám” ở khắp nơi, tuy nhiên bệnh lại càng trầm trọng hơn.

Bà Lê Thị Huệ.

Bà Huệ kể với vẻ ngậm ngùi “… nhiều người xa lánh vì cho rằng tôi bị bệnh “lạ” bị ma ám nên không dám tới lui thăm hỏi, thậm chí có người đồn thổi tôi làm bộ vậy để mọi người giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của tôi, thật oan ức cho tôi…”.

Ông Nguyễn Văn Nỉ, người thứ 3 cũng bị bệnh mất ngủ trên 10 năm ngụ ấp Trường Trí B cho biết “ …chuyện của tôi, bà Huệ, ông Hùng và nhiều người khác ở ấp này mất ngủ là có thật 100%, báo chí, rồi truyền hình đến đây làm phóng sự liên tục, các nhà khoa học, y học cũng đến tìm hiểu để có hướng giúp đỡ nhưng chưa hiệu quả…”.

Ông Lê Văn Hiền, trưởng ấp Trường Trí B cho biết “… nhiều nhà nghiên cứu y học đến đây cho rằng có thể những trường hợp trên bị mất ngủ do bị trầm cảm nặng hay bị suy nhược thần kinh cần điều trị dài hạn và tích cực hơn…”

Điều mong ước lớn nhất của các bệnh nhân là được trở lại trang thái bình thường như bao người khác để được hòa nhập cộng đồng và không còn bị người khác nghi ngờ, xa lánh.


Trương Thanh Liêm
Ý kiến của bạn