Loài rồng duy nhất có thật ở Việt Nam
Năm Giáp Thìn (2024) sắp đến là năm "rồng". Rồng (hay Long) là một trong 12 con giáp ở Việt Nam. Ngoài 11 con giáp từ "Tý" (Chuột), "Sửu" (Trâu)… đến "Hợi" (Lợn) là những con vật mà chúng ta thường thấy trong đời sống, chỉ có "Thìn" là con rồng thì chưa ai thấy con rồng thực sự.
GS.TSKH Trần Công Khánh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, rồng chỉ là con vật theo trí tưởng tượng của người Việt, không tồn tại trong sinh giới hiện thực. Vì được cấu tạo theo trí tưởng tượng nên hình "rồng Việt Nam" khác với hình rồng Châu Âu, rồng Trung Hoa và rồng ở các quốc gia khác.
Tuy nhiên, giới động vật trên cạn ở Việt Nam có rồng thật, một loài bò sát có tên là "rồng đất", còn gọi Kỳ tôm, Tu xả tảng (Thái), Bùng nhĩ loòng (Dao), Rình rình (Mường), v.v, tên khoa học là Physignathus cocincinus Cuvier, họ Nhông (Agamidae), bộ có vẩy (Squamata).
Con rồng đất, hay kỳ tôm, cùng họ với kỳ đà nhưng kích thước và trọng lượng nhỏ hơn. Thân rồng đất dẹt, có vẩy nhỏ đều với hàng gai nhọn trên lưng, có 4-8 lỗ ở mặt trong đùi (đặc điểm để phân biệt với các loài nhông). Mặt trên của thân có màu xanh lá cây, xanh thẫm, hay nâu đen nhạt (màu sắc thay đổi theo điều kiện môi trường sống), bụng màu trắng, đuôi có những khúc màu nâu xám xen kẽ với màu vàng. Khi trưởng thành, Rồng đất có chiều dài khoảng 15cm, phần đuôi dài hơn 30cm (khoảng 2/3 chiều dài cơ thể); trọng lượng trung bình khoảng 0,6 kg/con, hoặc hơn.
Loài này phân bố ở Đông Nam Á (gồm Đông Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và miền Nam Trung Quốc). Ở Việt Nam, loài rồng đất sống hoang dã trong tự nhiên, phân bố ở nhiều tỉnh từ Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hoà Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc (Tam Đảo); Hà Tây cũ (Ba Vì), Ninh Bình (Cúc Phương), Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm), Tây Ninh, Bình Phước (Vườn quốc gia Bù Gia Mập), Đồng Nai và Kiên Giang (Phú Quốc).
GS.TSKH Trần Công Khánh cho biết, rồng đất thường sống trong các hang hốc trên đồi núi, hoặc bụi cây ven bờ suối. Con vật này có đặc tính cứ vào buổi chiều, khi mặt trời lặn là leo lên đậu ở các cành cây gần mặt nước, đến sáng nhảy xuống nước tắm rồi lên cây phơi nắng. Dựa vào các đặc tính này nên việc săn bắt R\rồng đất thường diễn ra vào ban đêm.
Số lượng rồng đất trong tự nhiên hiện nay bị giảm sút nhiều, do xuất hiện những lời đồn là thịt Rồng đất rất ngon và bổ dưỡng, có thể chữa được một số loại bệnh nan y, mật Rồng đất chữa được bệnh hen suyễn, ho… nên chúng bị săn bắt làm thực phẩm đặc sản, bán cho các nhà hàng, quán ăn (giá 300.000 - 400.000 đồng/kg, tùy kích cỡ).
Sinh cảnh thu hẹp, bị săn lùng ráo riết
Rồng đất (tên khoa học: Physignathus cocincinus) là loài động vật bò sát quý hiếm được ghi nhận tại Việt Nam. Loài Rồng đất được đánh giá thuộc nhóm "Sắp nguy cấp" (Vulnerable) trong danh lục đỏ thế giới IUCN và trong sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên, loài bị khai thác, săn bắt và buôn bán với số lượng lớn ở trong nước và quốc tế từ khoảng 20 năm trở lại đây.
TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài Nguyên sinh vật cho biết, do có kích cỡ khá lớn nên Rồng đất bị người dân địa phương săn bắt làm thực phẩm, đồng thời một số nhà hàng đặc sản cũng cung cấp món ăn từ thịt Rồng đất. Ngoài ra, do có màu sắc và hình dáng đẹp, Rồng đất cũng được nuôi làm cảnh ở các vườn thú hoặc hộ gia đình.
Ở Việt Nam, quần thể loài rồng đất trong tự nhiên bị suy giảm mạnh do mất sinh cảnh sống và bị săn bắt quá mức. Loài rồng đất đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) ở bậc VU (sẽ nguy cấp). Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng của quần thể Rồng đất trong tự nhiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế để làm cơ sở đưa ra các giải pháp bảo tồn loài bò sát này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ở khu vực miền núi như A Lưới, Phong Điền và Nam Đông (Thừa Thiên Huế) là nơi có nhiều rồng đất sinh trưởng và phát triển nhưng hoạt động săn bắt ngày càng sôi động khiến số lượng ngoài tự nhiên giảm nhanh chóng. Ở Việt Nam, quần thể của loài rồng đất trong tự nhiên bị suy giảm mạnh do mất sinh cảnh sống và bị săn bắt quá mức phục vụ nhu cầu của con người.
Rồng đất loại to được các nhà hàng thu mua, còn loại nhỏ thường được bày bán ở các chợ địa phương. Nhóm nghiên cứu cũng điều tra tình hình buôn bán rồng đất tại thành phố Huế cho thấy giá bán cao nhất là 450.000 đồng/kg.
Thống kê của CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) từ năm 2010 -2017 có hơn 55.700 con rồng đất được xuất khẩu từ các nước châu Á vào thị trường châu Âu (Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh) và Hoa Kỳ, hầu hết để nuôi làm cảnh và một phần làm sản phẩm da. Trong số đó, có gần 49.000 cá thể được xuất khẩu từ Việt Nam.
Ngoài việc bị giảm số lượng rồng đất do săn bắt, hoạt động khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ (song mây, tre nứa, măng...) làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên, tác động tiêu cực đến sinh cảnh sống của loài rồng đất.
Tìm cách bảo tồn rồng đất
Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Quảng Trường đề xuất nhiều giải pháp kiểm soát săn bắt và phục hồi quần thể rồng đất nhằm ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó có việc đưa loài rồng đất vào Danh lục Đỏ IUCN và danh sách các loài hạn chế khai thác vì mục đích thương mại. Hiện rồng đất có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) nhưng không phải là loài động vật được ưu tiên bảo vệ theo các Nghị định của Chính phủ, vì vậy, chưa có chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm.
Với các nhà hàng, cơ sở mua bán cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật. Nếu động vật không có nguồn gốc hợp pháp có thể tịch thu hoặc xử phạt hành chính theo quy định, đồng thời thông tin về chế tài, các hình phạt khi có hoạt động săn bắt và buôn bán động vật hoang dã.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất nhân nuôi loài rồng đất tạo nguồn thay thế khai thác từ tự nhiên. Hiện các nghiên cứu nhân nuôi sinh sản loài rồng đất đã thành công. Trong môi trường nuôi nhốt, rồng đất sinh trưởng, phát triển và sinh sản tốt, tỷ lệ trứng nở cao, các con non sinh ra phát triển tốt. Mô hình nhân nuôi rồng đất trên quy mô hộ gia đình nếu được phát triển phù hợp sẽ giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương (nếu nuôi trong thời gian từ 3 năm trở lên và tìm nguồn đầu ra có giá trị cao), có sản phẩm cung cấp cho thị trường và giảm áp lực săn bắt từ tự nhiên.
Mặt khác cũng cần bảo tồn và phát triển sinh cảnh sống của rồng đất bằng việc trồng bổ sung các loại cây bản địa để tạo hành lang xanh kết nối giữa các khoảnh rừng, tạo không gian rộng lớn hơn cho các quần thể động vật hoang dã, trong đó có rồng đất.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống nước ép bưởi cho thêm mật ong, cơ thể bạn sẽ thay đổi ra sao? | SKĐS