Chuyện về lá cờ cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

29-04-2025 14:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Hình ảnh hào hùng của Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 với hình ảnh lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cắm trên nóc Dinh Độc Lập cũng là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.

Chuyện về lá cờ cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước- Ảnh 1.

Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Những ngày qua, khắp mảnh đất hình chữ S thân yêu đã và đang diễn ra nhiều hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Bất cứ người dân từ già trẻ, gái trai, đến các em nhỏ đều hướng trái tim mình với tình yêu dân tộc, đất nước hưởng ứng các hoạt động trong Lễ kỷ niệm. Đặc biệt, sáng 30/4/2025 tới đây, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được hàng triệu trái tim mong chờ.

Chuyện về lá cờ cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước- Ảnh 2.

Chiến sỹ Bùi Quang Thận (cầm cờ, phía trước) cùng 3 chiến sỹ của Quân đoàn 2-Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. (Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN)

Thước phim cảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Dinh Độc Lập được ghi lại khiến hàng triệu người không thể quên. Đó là lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong bài thơ "Nước non ngàn dặm" của nhà thơ Tố Hữu, có một khổ thơ viết:

Lá cờ nửa đỏ nửa xanh

Màu đỏ của đất, màu xanh của trời

Ngôi sao, chân lý của đời

Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay.

Càng nhìn ta, lại càng say

Biển Đông lồng lộng gió lay ngọn cờ...

Chuyện về lá cờ cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước- Ảnh 3.

Cờ "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam" trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Đông Phạm.

Theo đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam… Ngay sau khi được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vị trí của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đối với sự nghiệp Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận xét: "Một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ rộng rãi là một lực lượng tất thắng ... đồng bào ta ở miền Nam cũng có "Mặt trận Dân tộc giải phóng" với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".

Chuyện về lá cờ cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước- Ảnh 4.

Mặt tiền Dinh Độc Lập rực sáng bằng hiệu ứng 3D mapping. Ảnh: ĐSPL.

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Với ý nghĩa: nửa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới (màu xanh dương) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập.

Chia sẻ với TTXVN, Đại tá Trần Văn Đẩu (nguyên quyền Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116, Sư đoàn đặc công 305 miền Đông Nam Bộ) kể lại: Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (Trưởng xe tăng 843) đã tháo lá cờ Tổ quốc trên tháp pháo xe tăng để lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ chiến thắng. Ngay sau đó, Đại đội 1 đặc công của Trung úy Phạm Duy Đô cũng vào đến nơi. Trung úy Đô tiếp tục lấy lá cờ Tổ quốc mang sẵn bên người, chạy lên tầng hai Dinh Độc Lập và ra ban công vẫy cờ để báo hiệu cho quân ta tiếp tục tiến vào.

Chuyện về lá cờ cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước- Ảnh 5.

(Từ trái sang) Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (thứ nhất), cựu Trưởng xe 390 Vũ Đăng Toàn (thứ ba), đại tá Bùi Quang Thận (thứ sáu) và cựu pháo thủ xe tăng 390 Ngô Sĩ Nguyên (thứ 9) trong một cuộc gặp năm 2009. Ảnh: TP.

Còn Đại tá - Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) - đơn vị của hai xe tăng 390 và 843 từng chia sẻ trên Tiền phong, ngày 19/3/1975, khi đại đội 4 đang đóng quân tại A Lưới (Thừa Thiên-Huế) nhận được lệnh lên đường. Trước khi xuất phát, mỗi xe tăng của đại đội đều được cấp một lá cờ giải phóng, kích thước 60x90cm, may bằng vải phin thông dụng.

Mục đích của việc phát cờ nhằm phân định rõ đây là xe tăng của Quân giải phóng để các đơn vị của ta dễ nhận và tránh bắn nhầm nhau. Ngoài ra, mỗi khi xe tăng di chuyển, lá cờ trên tháp pháo thường bay phần phật càng làm cho việc xung trận khí thế hơn. Với ý nghĩa đó, nên từ lúc xuất quân vào ngày 20/3/1975 cho đến trận đánh cuối cùng để vào Dinh Độc Lập, lá cờ trên tháp pháo xe tăng của đại đội 4 chưa lúc nào hạ xuống.

Trở lại câu chuyện khi xe tăng 390 và 843 đến được Dinh Độc Lập, thì nhiệm vụ quan trọng của người lính trong thời điểm đó là cắm cờ. Lúc đó, do không có cờ được chuẩn bị sẵn nên đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã tháo lá cờ trên tháp pháo xuống để vào Dinh. Lá cờ trận mạc này tuy không to, nhưng đã đồng hành cùng xe hàng ngàn cây số, trải qua nhiều trận đánh nên là một biểu tượng rất có ý nghĩa ở thời khắc lịch sử này khi được cắm tại Dinh Độc Lập. Lúc lên tới nóc Dinh, để cắm được cờ, Bùi Quang Thận phải hạ lá cờ "ba sọc" của Việt Nam Cộng Hòa xuống. Lá cờ này to, vải dày nên khá mất thời gian đại đội trưởng Bùi Quang Thận mới hạ được cờ. Trước khi kéo cờ của ta lên nóc Dinh Độc Lập, vì muốn lưu lại khoảnh khắc này, anh đã ghi vào góc cờ: "Bùi Quang Thận -11h30 ngày 30/4/1975".

Sau khi cắm cờ tại Dinh Độc Lập, ông Bùi Quang Thận tiếp tục phục vụ quân ngũ tại Binh chủng Tăng-Thiết giáp, đến năm 2000 nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Năm 2013, đại tá Bùi Quang Thận được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, sau khi ông mất một năm.

Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976 tiến hành tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; Quốc hội thành lập Nhà nước, Chính phủ, thống nhất, đồng thời quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam. Điều đó thể hiện hai miền Nam, Bắc đã được thống nhất, non sông thu về một mối.

(Nguồn: Đại Đoàn Kết - Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Ngọn cờ đoàn kết và chiến thắng; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự Thật, Hà Nội; TTXVN- Những ký ức không thể nào quên về Đại thắng mùa Xuân năm 1975; Tiền phong - Chuyện cắm cờ tại Dinh Độc Lập).

50 năm thống nhất đất nước: Vị tướng anh hùng chia sẻ về thế trận lòng dân50 năm thống nhất đất nước: Vị tướng anh hùng chia sẻ về thế trận lòng dân

Khi giải phóng Sài Gòn rồi thì tất cả các lực lượng của ta có nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn phải bảo đảm toàn bộ các khu vực được phân công, bảo vệ tài sản của nhân dân, không để xảy ra tình trạng tàn phá, hôi của.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hàng vạn người xuyên đêm xem lễ Tổng duyệt diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30_4 _ SKĐS


Lê Bảo (t/h)
Ý kiến của bạn