Ngày 21/4/2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2009 - 2014 đối với ông Đặng Công Ngữ là chuyện bình thường theo quy định của pháp luật Việt Nam. Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 1/1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà nẵng 170 hải lý (khoảng 315km) với diện tích: 305km2, (bằng khoảng 1/4 diện tích thành phố Đà Nẵng).
Chủ quyền ông cha để lại
Đây chẳng phải là "chuyện bây giờ mới kể" mà suốt từ năm 1974 đến nay, Hoàng Sa luôn được nhắc đến như một phần máu thịt của Tổ quốc qua tuyên bố ngày 20/1/1974 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) phản đối hành động lấn chiếm của nước ngoài; qua hàng loạt sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố vào các năm 1979, 1981 và 1988. Tuyên bố của Chính phủ ta ngày 12/11/1982 đã khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Cùng năm này, ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Hoàng Sa từ xa xưa vốn là đất của ông cha khai phá, để lại, được ghi trong sử sách cổ không thể chối cãi như "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn vào thế kỷ XVIII kể việc người Việt Nam đã khai thác 2 quần đảo này ngay từ thời Lê mạt... Các tài liệu khác như Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1782-1840) hoặc bộ Hoàng Việt Địa Dư Chí được ấn hành vào năm Minh Mạng thứ 16, tức là năm 1834 cũng đều nói về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa trong khi tài liệu của nước láng giềng như Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 chỉ vẽ đế quốc Đại Thanh đến đảo Hải Nam. Tập Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư xuất bản năm 1906 cũng viết: "Điểm mút của Trung Hoa ở Đông Nam là bờ biển Nhai Châu, đảo Quỳnh Châu, vĩ tuyến 18 độ 13' Bắc" !
Chủ tịch Đặng Công Ngữ rất xúc động mỗi khi nhận tư liệu khẳng định chủ quyền. |
Tiếng gọi Hoàng Sa
Huyện đảo Hoàng Sa giữa trùng khơi nhưng luôn sống trong mỗi trái tim con dân nước Việt. Thật cảm động khi trước khi ra họp Kỳ họp Quốc hội khóa V này, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa được cử tri thành phố bày tỏ sự lo lắng về vấn đề tranh chấp chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa giữa nước ta với nước láng giềng, đồng thời gửi gắm đề nghị Đài truyền hình Việt Nam chỉ đạo các đài truyền hình khu vực lưu ý khi dùng cụm từ "quần đảo Hoàng Sa" trong chương trình dự báo thời tiết và thay cụm từ "quần đảo" bằng "huyện đảo" Hoàng Sa cho chính xác.
Theo ông Nguyễn Duy Nhất, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, thể theo nguyện vọng người dân, thành phố sắp có con đường mang tên Hoàng Sa, rồi Trường phổ thông Hoàng Sa, Bệnh viện Hoàng Sa. Chuyện huỵện đảo Hoàng Sa là sự gặp gỡ giữa ý Đảng và lòng dân khi cho đến nay, Ban Tuyên giáo đã có nhiều Hội thảo "Tăng cường quản lý Nhà nước về huyện đảo Hoàng Sa". Bản thân Sở Nội vụ Đà Nẵng và UBND huyện đảo Hoàng Sa cũng làm việc hết mình với tất cả trách nhiệm và tình cảm trước mảnh đất cha ông để lại. Chúng tôi bâng khuâng khi đứng trong trụ sở UBND huyện đảo. Tư liệu lịch sử từ bản đồ cổ, ảnh chụp, tài liệu đến những mảnh giấy bé nhỏ, vàng ố theo thời gian đều được lưu giữ. Trong mỗi vật chứng ở đây dường như bên trong đều có một trái tim thổn thức. Ấy là tình cảm và trách nhiệm, là lòng yêu quê hương đất nước từ mọi miền tụ hội về.
Báo chí đăng về cuộc gặp những nhân chứng sống từng có mặt ở Hoàng Sa nhưng để có cuộc gặp này chẳng dễ dàng. Chẳng dễ dàng bởi "người Hoàng Sa" không chỉ ở Đà Nẵng. Họ đều đã già và đang sống ở Huế, TP. HCM và các địa phương khác, thậm chí có người ra tận Quảng Ninh, Phú Thọ sống với con cái. Hành trình đi tìm nhân chứng sống không phải căn cứ vào địa chỉ cụ thể rõ ràng mà thường từ người này chỉ người kia với "hình như" và "nghe nói". Chỉ riêng chuyện tìm ông Hồi hay ông Hổi, ông Hội cụ thể nào đấy do dấu phát âm không rõ cũng là nỗi cam go của những người làm việc thầm lặng vì chủ quyền đất nước. Nhiều khi tìm được đến nơi nhưng người cần tìm vừa chuyển đi nơi khác. Thế là lại phải cần mẫn tiếp tục hành trình... Vất vả, khó khăn nhưng các anh, các chị vẫn bền chí bởi Hoàng Sa là sự thôi thúc của con tim.
Trời không phụ những tấm lòng thành. Sau cuộc gặp công dân Hoàng Sa lần đầu hôm 20/4 ấy cùng lời thiết tha của ông Chủ tịch huyện đảo Đặng Công Ngữ kêu gọi các nhân chứng hãy cung cấp những hiện vật, dữ liệu về Hoàng Sa và xin các cụ cố nhớ, giới thiệu những người khác, từng là bạn, là đồng nghiệp của mình ở Hoàng Sa trước đây, giờ còn sống, những tư liệu minh chứng chủ quyền gửi về UBND huyện đảo dầy thêm. Trụ sở UBND huyện đảo không chỉ còn là cơ quan hành chính theo luật định mà sâu thẳm bên trong còn là nơi gặp gỡ của những trái tim Việt tha thiết với cội nguồn bất kể trước đó họ là ai. Cho đến nay, công dân Hoàng Sa đã xuất hiện cỡ trên hai chục người. Có người ra đảo từ năm 1940, người là lính, người là nhân viên khí tượng ra đảo bơm và thả bóng, đo tốc độ gió mưa phục vụ việc dự báo thời tiết. Tất cả đều được ghi hình. Không chỉ "người Hoàng Sa" mà con cháu họ cũng cũng cung cấp tư liệu về cha ông để khẳng định thêm về chủ quyền. Mỗi lần nhận thư, tư liệu, có lẽ ông Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ là người hạnh phúc nhất. Đơn giản vì ông là người đầu tiên được đọc, được cầm và quan trọng hơn với ông, không chỉ là tài liệu có thêm mà trong mỗi lá thư, tư liệu ấy là cả tấm lòng với quê hương đất nước. Khi giở tư liệu từ trong phong bì cho PV xem, chúng tôi thấy trong mắt ông nguyên vẹn một tình yêu, nỗi xúc động bởi huyện đảo là của ông, của TP. Đà nẵng, của mỗi người dân trên đất nước này và của cả những trái tim Việt xa quê. Có một cụ già ngoài 90 tuổi lặn lội từ Mỹ về chỉ cốt tìm đến UBND huyện đảo Hoàng Sa. Cụ người Hưng Yên từng theo Việt minh rồi cuộc đời xô đẩy thế nào trở thành lính lê dương năm 1954 và sau đó thành trung úy hải quân chính quyền Sài Gòn lái tàu chở đơn vị thủy quân lục chiến tới quần đảo Hoàng Sa, năm 75 di tản và có quốc tịch Mỹ. Thế nhưng huyện đảo Hoàng Sa có sức hút kỳ lạ như một tiếng gọi ông cụ trở về. Đất nước quê hương là đây. Dân tộc là đây. Khi non sông thống nhất, Tổ quốc chỉ có một thì bất kỳ người Việt chân chính nào dù quá khứ ở chiến tuyến bên kia hẳn cũng đều vứt bỏ những cay cú, sĩ diện của kẻ bại trận để quay về với dân tộc mình, Tổ quốc mình để chung tay xây dựng đất nước mình.
PV báo SK&ĐS tại UBND huyện đảo Trường Sa. |
Sức mạnh của lòng yêu nước
Sáng ngày 9/4/2009, tại thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tộc họ Đặng đã tổ chức một ngày giỗ đặc biệt. Con cháu trong họ tề tựu đông đủ về nhà thờ tổ để chứng kiến cuộc dâng hiến báu vật của dòng họ mình được gìn giữ suốt 175 năm cho Nhà nước thành tài sản Quốc gia. Đó là tờ lệnh do quan Án sát và Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi chuyển về ghi ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) và kèm theo danh sách 10 người đi Hoàng Sa ra miền biên ải giữ chủ quyền đất nước. Ngày dâng hiến báu vật dòng họ cho Quốc gia, dòng họ Đặng đã tổ chức một bữa giỗ vô cùng đặc biệt với lễ vật bày trên các mâm cỗ là những thứ mà những người mẹ, người vợ Lý Sơn từ hàng trăm năm trước đã chuẩn bị cho chồng con mình để làm hành trang mang theo suốt trong những ngày lênh đênh trên biển phải chăng bắt đầu từ lòng yêu nước. Chuyện kể rằng trước đó có một số người giả danh cán bộ nghiên cứu văn hóa, muốn chiếm đoạt nguồn tài liệu này của dòng họ Đặng nhưng bất lực trước lòng yêu nước. Cả dòng họ đã cắt cử người canh giữ và báo cáo với chính quyền UBND huyện Lý Sơn chờ cơ quan chức năng, có cả CSCĐ đến hộ tống "tờ lệnh" về nơi cần thiết. Điều gì khiến người dân đảo Lý sơn không biết chữ Hán quyết bảo vệ báu vật để giao tận tay Nhà nước? Điều gì khiến các cụ xưa vốn dân thuyền chài ít học vẫn có ý thức lưu giữ tờ lệnh từ đời này qua đời khác suốt 175 năm? Câu trả lời chỉ duy nhất là lòng yêu nước, tự tôn dân tộc về chủ quyền của mình.
Tại TP. Đà Nẵng cũng có một người bình thường sống tại căn nhà nhỏ trong hẻm đầu đường Trần Quý Cáp suốt hơn 10 năm nay âm thầm ngược xuôi vào Sài Gòn, ra Hà Nội, lục tìm đến các thư viện, bảo tàng, các trung tâm lưu trữ quốc gia, lội về các vùng quê để tìm nhân chứng, tư liệu về Hoàng Sa. Đó là nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương đã qua tuổi bát tuần. Cụ Tương nguyên là một giáo viên ngành khoa học xã hội và nhân văn thời Pháp thuộc. Năm 1945, cụ lại đi học bác sĩ thú y và dạy ở Đại học Nông nghiệp 2 ở Hà Bắc, mãi đến năm 1977 mới về lại Quảng Nam quê nhà. Từ năm 1977 - 1999, cụ lao vào nghề kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp, rồi làm công tác nghiên cứu ở trung tâm thông tin tư liệu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Nhìn "núi" tư liệu của cụ để chuẩn bị cho công trình "Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam" mà đáng kính phục. Trong thời buổi kinh tế thị trường bây giờ, việc cụ làm chắc chắn không phải vì tiền. Vậy thì vì gì nếu không phải bắt đầu từ lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc.
Qua chuyện huyện đảo Hoàng Sa càng thấy rõ hơn phẩm chất của người Việt. Đấy là một sức mạnh chẳng ồn ào nhưng xoáy chảy như một động lực kỳ diệu đưa dân tộc vượt qua mọi thác ghềnh lịch sử. Để kết thúc, xin được dẫn bằng một tin trên Vietnamnet: "3 tàu câu mực với 61 thuyền viên Việt Nam và 5 thuyền viên Trung Quốc đang gặp nạn ở khu vực biển Hoàng Sa (...). Trong đó, tàu ĐNa 90151 có 1 thuyền viên người Việt Nam bị thương nặng và 4 thuyền viên khác của Trung Quốc (được tàu ĐNa90115 vớt trên biển trước đó)...".
Biển cả mênh mông, thiên tai rình rập, tai họa có thể giáng xuống đầu công dân bất cứ nước nào. Thời đại văn minh, sao không thể tôn trọng lịch sử, tôn trọng nhau dựa trên lịch sử, luật lệ quốc tế. Bất cứ sự phát triển của quốc gia nào dựa trên "cái lý của kẻ mạnh" chà đạp lên chân lý liệu có vững bền...
Lưu Thuỷ - Hoàng Dương