Tôi nghe ở làng Thanh Khiết, xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định có một người tên là Lưu Công Huyền (sinh năm 1949) chơi móng tay dài cả mười ngón. Lời đồn: móng tay dài nhất của ông ta nuôi 34 năm nay đã vươn ra nửa thước. Nghe thấy ghê, chả thế trẻ con nơi đây khiếp vía gọi là móng tay quỷ. Còn nhiều người thích thú lại đặt tên là dị nhân “Móng rồng” bởi ông là người rất tài hoa. Có thể nói hiện ông là người có thú chơi độc đáo nhất nước.
Vì sao ông Huyền có cái thú chơi oái oăm đến vậy?
Đó chính là câu hỏi mà tôi cứ bị ám ảnh khi tìm về làng Thanh Khiết, xã Giao Yến. Thật may tôi đã gặp được ông Huyền, ông đang bận túi bụi, ở nhà làm bộ phù điêu 20 chiếc và đôi sư tử cho một ngôi chùa ở xã bên. Tôi chào hai vợ chồng ông Huyền rồi nói ông cứ làm việc như thường và tôi ngồi bệt bên hàng rào hỏi chuyện. Sau chút ngỡ ngàng nhìn tôi, ông Huyền cười hồ hởi vì biết chắc tôi lại là một trong hàng trăm người tò mò về bộ móng tay rồng của mình. Sau đó, ông tiếp tục lấy bay đắp những hình bông hoa trên phù điêu. Thế là tôi bị hút vào mười ngón tay với mười móng dài loằng ngoằng, tua tủa trước mắt.
Tôi có cảm giác thật lạ, cho dù móng tay dài vậy mà ông như một họa sĩ đang vẽ sơn dầu, dùng bay để tạo hình. Nghe nói ông là người có năng khiếu hội họa bẩm sinh từ nhỏ. Hiện ông còn là một nghệ nhân của làng, chuyên dựng tượng và đắp phù điêu cho hàng trăm đình chùa khắp vùng này. Khoảng một giờ sau khi hoàn thành bức phù điêu, ông ngồi bên tôi trò chuyện và giơ bộ móng tay cho tôi tha hồ chụp ảnh ở các tư thế khác nhau.
Ông kể, thú chơi móng tay bắt đầu từ khi mới lấy vợ và tưởng như mình sẽ hành nghề thầy cúng bắt ma. Ông phải để móng tay dài như mọi thầy cúng ở khắp trong vùng. Ông có năng khiếu của một diễn giả với những kiến thức phong phú và có sức thu hút lòng người. Thế là ông đi học nghề làm thầy cúng. Nhưng bố ông lại gàn, nếu dùng tài ăn nói của mình làm phù thủy để lừa đảo thì bất nhân lắm. Hãy phát huy sở trường của mình là hội họa, vẽ và đắp tượng làm phúc cho đình chùa thì cũng không lo đói. Ông vâng lời cha và thành lập nhóm thợ chỉ chuyên tâm vẽ rồng, đắp phượng cho đình chùa... Nhưng rồi ông lại nói, những ngón tay đã trót nuôi móng khi định làm thầy cúng, thấy đẹp nên vẫn giữ. Ông bỗng nảy sinh thú chơi móng tay dài, bắt đầu từ năm 1980.
Vậy là câu chuyện chơi móng tay của ông Huyền tính đến nay đã diễn ra 34 năm với nhiều điều thú vị đã xảy ra trong cuộc sống. Đặc biệt, ông có nhiều tài lẻ, từ ca hát đến việc làm MC. Hơn thế nữa, ông có khả năng đọc thuyết minh và tường thuật tại chỗ cho những sự kiện hoạt động xã hội. Đây là sở trường mà ông đã phát huy trong thời kỳ đi bộ đội trong thời chiến. Chính vì cái duyên ăn nói mà ông lấy được vợ đẹp ở làng. Ông mỉm cười thú nhận rồi liếc bà vợ đang lọc cát giúp ông ở giữa sân.
Sau đó, ông xòe những ngón tay của mình bắt đầu kể, vào nhiều đêm trở trời, các đầu ngón tay cũng tê buốt lắm, nhưng đã chơi thì phải chịu thôi.
Tôi hỏi, thực tình chơi móng tay dài thế kéo theo quá nhiều phiền toái, vậy mà ông không hề có ý định cắt đi, vì sao vậy? Ông khẳng định, cuộc chơi nào cũng lắm công phu và có những rủi ro rình rập, mình phải đón nhận. Tôi bất ngờ phản biện: Cuộc chơi của ông lại làm phiền mọi người thì có nên không. Ông đòi ví dụ, tôi liền nói việc ông phải kiêng nước để giữ bộ móng tay nên việc tắm rửa phải để vợ lo chẳng hạn. Bất ngờ ông phì cười bật lại, nhưng bà ấy, vợ tôi lại thích thế thì sao. Ờ..., cuộc chơi của cả hai người đều thích thì có sao. Tôi ớ người không thể bắt bẻ được về cách trò chuyện của người tài hoa này. Nhưng ông vẫn liếc vợ thú nhận...
Tài hoa mấy vẫn phải nhờ vợ
Nghe chúng tôi trò chuyện, bà Nguyễn Thị Thuận dừng công việc, xởi lởi bước đến. Quả bà nói thực tình, giời chẳng chịu đất thì đất đành phải chịu giời thôi, ông ấy thích thì để, bắt bỏ đi cũng chẳng được. Thì chiều. Phải chịu trận. Rồi bà kể một thôi một hồi về cái chuyện tắm gội cho ông suốt 34 năm nay quen rồi. Hai tay ông cứ phải giơ lên để tránh nước nom cứ như một cậu bé vậy. Nhiều khi có việc đi trong trời mưa là ông xã phải mặc áo mưa cho riêng bộ móng. Ấy được cái hay là ông đi xe máy diệu nghệ lắm, không hề ảnh hưởng tới mười móng tay. Vậy mà có lần ngã suýt chết vì tập trung giữ những ngón tay rồng của mình. Cả hai cùng cười. Ông nói vui, bà lại kể xấu tôi, rồi cười hể hả. Bỗng dưng bà nhớ lại kỷ niệm đã 34 năm, tình yêu đến...
Ngày ấy, anh Huyền, chị Thuận là một mối tình son trẻ làm bao người trong làng Thanh Khiết này thấy đẹp đôi, vừa lứa. Nhưng rồi cả hai đã xếp lại tình duyên ở phía sau, cùng lên đường nhập ngũ. Chị vào lính quân nhu còn anh được phiên chế vào đơn vị bộ binh. Họ cùng nhau chung lưng, sát cánh ngoài chiến trường. Lúc này, ông Huyền lại kể, khi đó, ông cũng được đơn vị phát huy khả năng hội họa của mình. Anh lính trẻ tài hoa ngày đêm vẽ sơ đồ mặt trận để cả đơn vị diễn tập cho cuộc chiến đấu đỡ tốn xương máu nhất. Đôi mắt ông Huyền sáng lên với những ký ức bên chiến hào...
Nắng lên cao chói chang hơn, bà Thuận bất ngờ chạy vào nhà vì nghe thấy tiếng điện thoại. Tôi lại thêm ngạc nhiên khi bà áp chiếc điện thoại cầm tay vào tai cho ông nghe. Một lúc, ông cười rồi hẹn khách hàng chắc chắn 2 ngày nữa sẽ xong. Lúc này, bà lại vội nhào xi măng để giúp ông đắp tiếp chiếc phù điêu hình con phượng. Bà chỉ vào đống xi măng mới trộn nói, hai vợ chồng bà chắc phải làm suốt đêm mất vì ông trót hứa làm cho xong hai mươi bức phù điêu. May mà hai tượng sư tử đã làm xong giờ chỉ việc phơi khô rồi vẽ chi tiết lên sau. Bà hể hả nói, thường một tháng vợ chồng bà phải làm đến 40 ngày. Thấy tôi ngơ ngác, bà giải thích hai vợ chồng bà đêm nào cũng chẳng được ngủ trước 12 giờ đêm. Tổng cộng số giờ làm việc tính ra cả tháng của gia đình phải tính là 40 ngày là vì vậy. Tôi chợt hỏi vì sao lại phải ham kiếm tiền thế, ông Huyền giơ tay lên đầu gãi nhẹ. Ông xoa đầu thì đúng hơn, vì những móng tay dài đâu có tác dụng gì. Sau đó, ông dang hai cánh tay ra với mười ngón tay dài ngoẵng kể...
Kiếm tiền để trả nợ
Nghe ông nói, tôi không tin vì theo tiền công mà ông Huyền tính thì mỗi năm ông bà kiếm tới cả năm, bảy chục triệu ngon ơ. Vậy tiêu sao cho hết ở cái xứ quê biển này. Những móng tay dài lại xòe ra kể, phải trả tiền nợ cho 4 đứa con ăn học biết bao năm nay. Bà Thuận còn kể hiện vẫn còn nợ mấy chục triệu vì hàng tháng vẫn còn phải nuôi cậu út học đại học. Tôi thật sự cảm phục vì hai người đã lao động cật lực để nuôi bốn con tốt nghiệp đại học. Nghe ông nói, người con thứ ba đang học tiếp cao học nên hai vợ chồng ông lại càng phải làm mọi việc được thuê mướn để kiếm tiền.
Nhìn bà Thuận nhanh nhẹn cầm thước đo giúp cho chồng chia đều tấm đan, tôi càng thấy trân trọng bà biết bao. Ông Huyền kể, không biết bao việc đều đến tay vợ mình, suốt ngày đêm. Nào như cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chạy chợ và phụ ông trong công việc và còn chăm sóc ông từ việc lớn đến việc nhỏ. Nhìn bàn tay hoang dại của mình, có lúc ông nghĩ để làm gì. Đẹp ư? Hẳn ông thấy đẹp mới nuôi mới giữ. Có ích gì không? Chắc khó giải thích vì chỉ để cho riêng mình. Nhưng ông tiếc công đã chơi suốt hơn 34 năm qua. Rồi ông lại nghĩ miễn sao mình vẫn vẽ được và đắp tượng được cho các đình làng, chùa chiền và những móng tay dài này đã trở thành niềm vui trong lao động và sáng tạo của mình thì cái ích lợi là đó chứ ở đâu.
Lại có lúc ông nghĩ kiểu chơi lập dị của mình cũng được người vợ thân yêu chăm chút, không thấy phiền toái và còn thấy hay là đằng khác. Rồi ông nói thầm với tôi, vợ còn chịu tắm cho chồng là còn chơi những cặp móng rồng kỳ quái này. Tôi cũng nghĩ vợ ông khó mà thay đổi cái nghĩa đối với chồng mà chiều đến mức 34 năm tắm gội cho chồng và còn tiếp tục nữa chứ, quả là một tình yêu vĩ đại!
Châu Ê