Hà Nội

Chuyện về cô Bích “xóa mù”

16-06-2013 08:00 | Thời sự
google news

Dường như với những người dân trong khu chung cư người nghèo, khối phố Thành Vinh 10, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Ðà Nẵng thì hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Bích (57 tuổi) hơn 5 năm qua vẫn cần mẫn đêm đêm lên lớp học tại gia để “gieo chữ” đã trở nên quá thân quen.

Dường như với những người dân trong khu chung cư người nghèo, khối phố Thành Vinh 10, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Ðà Nẵng thì hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Bích (57 tuổi) hơn 5 năm qua vẫn cần mẫn đêm đêm lên lớp học tại gia để “gieo chữ” đã trở nên quá thân quen. Người dân nơi đây gọi lớp học của cô Bích là lớp học tình thương, bởi cô đã dạy miễn phí để xóa mù chữ cho những người dân nghèo nơi đây. Học trò cô Bích phần nhiều là những phụ nữ nghèo tóc đã hoa râm, còn phần ít là trẻ em khuyết tật nghèo không có điều kiện được đến trường.

Gõ cửa từng nhà “gieo chữ”

Chúng tôi tìm đến lớp học của người giáo viên ấy trong một buổi tối những ngày cuối tháng 12. Hôm chúng tôi đến, trời mưa tầm tã. Bên trong tầng trệt của Khu chung cư S vang lên tiếng đọc ê a bảng chữ cái của người lớn và trẻ em. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một căn phòng rộng khoảng 20m2, một chiếc bảng lớn, bên dưới là chiếc bàn giáo viên đã cũ và ba dãy bàn ghế. Trên bục giảng, một người phụ nữ tóc đã lấm tấm bạc, ăn mặc giản dị với cặp kính lão, chăm chú hướng về các học trò.

Chuyện về cô Bích “xóa mù” 1
 Lớp học của cô Bích phần nhiều là phụ nữ nghèo, phần ít là những trẻ em khuyết tật.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Bích cho biết: “Đây là lớp thứ ba kể từ khi tôi mở lớp dạy xóa mù chữ đầu tiên cho phụ nữ nghèo giữa năm 2007. Các học trò là những phụ nữ đã lớn tuổi và cả trẻ em thiểu năng. Trẻ nhất là 8 tuổi, cao nhất gần 50 tuổi”.

Hằng tối, cứ đến 18h30 là cô Bích lại cặm cụi cắp trang giáo án đến gõ cửa từng nhà. Hầu hết là những phụ nữ đã có tuổi, sau khi lo cơm nước cho chồng con lại tất bật đem vở theo cô đến lớp học. Có một số trẻ em bị thiểu năng trí tuệ, gia đình không cho đi học, được cô Bích động viên, thuyết phục xin cho đến lớp của mình học cho biết mặt chữ.

“Khó khăn có nhiều lắm! Những ngày đầu đến động viên chị em bị mù chữ theo học, tôi đã bị các anh chồng quở trách rằng không lo chuyện gia đình mình mà đi lo bao đồng, học có kiếm ra tiền đâu, để vợ con tôi được yên đi. Lúc đó, tôi thấy buồn lắm chứ nhưng tôi đã quyết tâm. Không biết chữ chị em thiệt thòi lắm! Tuy việc dạy học của tôi không đem lại vật chất nhưng sẽ giúp chị em phụ nữ mù chữ hiểu biết. Có thể biết tính toán tiền bạc chi tiêu cuộc sống, viết đơn thư, đọc sách báo... Đó là những việc đơn giản nhất góp phần giúp chị em bản lĩnh hơn trong cuộc sống đang phát triển từng ngày” - Cô Bích tâm sự.

Trong mỗi buổi họp phụ nữ, cô Bích lại nhỏ to mềm dẻo khuyên răn, phân tích cái được của việc học để nói với chồng con cho đến lớp của cô học chữ. Nhờ thường xuyên đến nhà, tiếp xúc với các anh chồng, khuyên bảo một thời gian, sau hơn một tháng đã có hơn 15 chị em phụ nữ đến lớp.

Để học trò đến lớp thường xuyên đầy đủ, không sẽ quên mặt chữ, cô Bích sắp xếp học tất cả các ngày trong tuần để rèn thường xuyên. Bất kể thời tiết mưa gió, gia đình bận chuyện, tất cả chị em vẫn cố gắng thu xếp đến học cho đầy đủ. Nếu ai bận thì ngày hôm sau cô đến tận nhà để dạy lại.

Cô Bích tâm sự: “Chị em trong lớp đã luống tuổi, phải quán xuyến việc gia đình nên khó khăn trong việc tiếp thu. Nhưng thật sự là ai cũng quyết tâm học cho biết cái chữ nên đến nay đã có 30 người phổ cập xong bậc văn hóa tiểu học. Hơn chục em nhỏ vẫn đang tiếp tục được học tiếp chương trình trung học cơ sở”.

Em Lê Thịnh, 8 tuổi, thiểu năng trí tuệ, học trò ít tuổi nhất trong lớp hồ hởi, ngọng nghịu khoe: “Cháu thích được đi học cô Bích lắm! Cô dạy dễ hiểu lắm ạ! Cô cầm tay giúp cháu viết chữ. Đến nay cháu đã đọc và tập viết được rồi!”.

“Tôi đã học và viết được chữ thành thạo là nhờ cô Bích tận tình giúp đỡ. Thật sự thì ban đầu khi cô Bích đến nhà động viên đi học chữ, tôi đã rất ngượng, lại sợ chồng la nên không dám đi. Sau khi cô thủ thỉ việc học giúp hiểu biết công việc giấy tờ hơn, lại được chồng ủng hộ nên tôi đi học. Giờ việc đọc sách báo hay viết đơn từ gì nó cũng dễ, ngay cả đi chợ tính toán cũng nhanh hơn, chi tiêu cũng hợp lý hơn. Hiện tại, tôi cũng đã đi làm nhân viên ở Khu du lịch Bãi Bụt, đến tối về tranh thủ lo cơm nước cho chồng con xong là đến lớp cô học thêm nữa!” - Chị Nguyễn Thị Hường, 49 tuổi, Khu chung cư S không giấu nổi niềm vui mừng khi đã biết đọc, biết viết.

Chuyện về cô Bích “xóa mù” 2
Hơn 5 năm qua, cô Bích vẫn thầm lặng tối tối lên lớp đều đặn để gieo chữ.

Bén nghiệp “gieo chữ” như một cơ duyên...

Cô Bích tốt nghiệp trung cấp kế toán, sau khi ra trường xin làm việc tại một công ty tư nhân dệt may tại Đà Nẵng. Năm 1998, chồng cô là chú Hoàng Đức Tâm bị tai biến mạch máu não, cô bán hết nhà cửa, chuyển đến sống ở khu chưng cư người nghèo để dành tiền chạy chữa cho chồng nhưng không có kết quả, đành đưa về tự chăm sóc.

Chứng kiến cảnh chồng nằm liệt một chỗ không có ai lo lắng, ba đứa con đang trên con đường học vấn có nguy cơ bỏ dở giữa chừng, cô Bích đã quyết định thôi việc. “Đó là một suy nghĩ đúng, nếu được chọn lại tôi cũng sẽ làm vậy. Là một người phụ nữ, tôi phải quán xuyến mọi việc trong nhà, chăm nom chồng lúc ốm đau, bệnh tật để anh ấy có thêm niềm tin, các con có thể chuyên tập học tập là việc tôi nên làm!”.

Nhờ có trình độ học vấn, lại hăng hái trong công tác phụ nữ tại địa phương, cô Bích được cấp ủy, chính quyền phường Thọ Quang tín nhiệm bầu làm cán bộ Hội phụ nữ Khu chưng cư S. Tâm sự về lý do mở lớp dạy học xóa mù chữ cho phụ nữ nghèo và trẻ em kém may mắn, cô Bích nói: “Tôi cũng đã từng phải cố gắng lắm mới theo nổi mặt chữ. Lớp học tôi thời đó chỉ có hai người con gái. Cái ăn còn không có lấy đâu ra mà đi học. Sau khi tôi nghỉ làm, ở nhà chăm sóc chồng con, chứng kiến các chị em mỗi khi có việc viết đơn thư, muốn đọc bài báo là lại tìm đến nhà tôi nhờ đã thôi thúc tôi quyết định mở lớp để dạy.

Nhưng có ai biết, trước khi đi đến quyết định, cô Bích đã phải trăn trở rất nhiều vì còn phải lo chăm sóc cho người chồng bị liệt và các con. Không có lương hưu hay trợ cấp gì nên mọi gánh nặng được chia sẻ với người con trai cả đã đi làm thêm.

Thời gian đầu, cô Bích phải mượn căn phòng của Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng để làm lớp học. Sau đó, cô đã phối hợp với Hội Khuyến học và Trung tâm Học tập cộng đồng phường Thọ Quang liên hệ với các trường học trên địa bàn phường xin lại những bộ bàn ghế cũ, hư hỏng về cho con trai mình sửa chữa. Còn bảng đen, khăn lau, phấn viết... cô đều tự bỏ tiền để mua.

Khi mở lớp được một thời gian, quản lý chung cư không cho phép dạy nữa, một mình cô phải lật đật chạy lên chính quyền năn nỉ xin được mượn lại phòng để dạy. Nhiều khi trời mưa gió, sợ chị em và các cháu không đến lớp, cô phải giao lại việc chăm sóc chồng cho các con rồi cắp nón đến gõ cửa từng nhà để động viên học trò đến học. Đã hơn 5 năm qua, tiếng gõ cửa của cô đã trở nên quen thuộc đối với các học trò trong lớp.

Hiện tại, lớp học của cô Bích có 14 người, cả chị em phụ nữ và trẻ em theo học. Trong đó có 3 cháu bị thiểu năng trí tuệ, học chậm hơn rất nhiều nên được bố trí ngồi riêng để kèm cặp. Việc làm ý nghĩa của cô Bích đã được chính quyền phường Thọ Quang và Hội phụ nữ TP. Đà Nẵng ghi nhận. Cô đã được tặng nhiều bằng khen cho sự nghiệp xóa mù chữ, nâng cao tri thức cho phụ nữ nghèo và trẻ em kém may mắn.

Cô Bích chia sẻ: “Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mỗi lần thấy các chị em và các cháu nơi đây cặm cụi tập đánh vần và viết nên từng nét chữ khiến tôi cảm thấy như được tiếp thêm động lực. Tôi sẽ mãi gắn bó với công việc dạy học này vì nó đã là một phần cuộc sống của tôi rồi!”.

Chia tay cô Bích, trong lòng mỗi chúng tôi đều cảm thấy ấm nồng và cảm phục trước tấm gương sáng của cô giáo già với khát khao xóa mù chữ cho những mảnh đời bất hạnh, không được may mắn đến trường. Ra về, chúng tôi cứ mãi trăn trở, nhiều năm qua đi, không biết cô Bích đã bao đêm thức trắng bên trang giáo án “không công” như thế, chỉ biết rằng, đằng sau ấy là niềm vui, là phần cuộc sống mà những ngày cuối đời mình cô may mắn được làm, được cống hiến...        

  Bài, ảnh: Vĩnh Đại - Hà Kiều


Ý kiến của bạn