Các học trò "bí mật" của Bác Hồ
Kể về 7 chiến sĩ này, ông Hoàng Đức Lạc (74 tuổi, nguyên Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt – Xô Nghệ An) tự hào: "Đây là các chiến sĩ cách mạng ưu tú, được Bác Hồ bồi dưỡng, giác ngộ và lựa chọn cử sang Liên Xô học tập. Rồi các chiến sĩ này tham gia vào Hồng quân Liên Xô chống lại chủ nghĩa phát xít".
Theo ông Lạc, năm 1985 nhân kỷ niệm 40 năm – Ngày chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống chủ nghĩa phát xít Đức (1941-1945), Đài phát thanh Moscow – Ban tiếng Việt phát động cuộc thi tìm hiểu về Hồng Quân Xô Viết…
Lúc đó, ông Phan Xuân Thành – Phó Giám đốc Bảo tàng Xô - Viết Nghệ Tĩnh gửi bài dự thi "Vương Thúc Tình chiến sĩ cách mạng Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thành phố Matxcova – mùa đông 1941". Bài báo được cựu chiến binh và người dân Liên Xô đặc biệt quan tâm.
Sau bài báo này, Đài phát thanh Moscow, Hội hữu nghị Liên Xô – Việt Nam, các nhà sử học Nga… đã tìm hiểu, nghiên cứu rồi phát hiện thêm 4 chiến sĩ quốc tế người Việt Nam tham gia chiến đấu trên tuyến phòng thủ thành phố Moscow mùa đông năm 1941.
Đó là các ông Vương Thúc Thoại (bí danh Lý Thúc Chất, SN 1910, quê Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn); ông Nguyễn Sinh Thản (bí danh Lý Nam Thanh, SN 1908, cũng ở Làng Sen); ông Hoàng Thế Tư (bí danh Lý Anh Tạo, SN 1910, ở Hoàng Trù, xã Kim Liên). Những chiến sĩ này được xác định thuộc Trung đoàn quốc tế OMCBON.
Riêng cụ Phan Lê Chân (bí danh Lý Phú San, SN 1900, quê ở Hà Sơn Bình nay thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được xác định phục vụ trong quân y viện của một đơn vị Hồng quân Liên Xô vùng ngoại ô Moscow.
Ngày 12/12/1986, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô có quyết định tặng thưởng Huân chương chiến tranh vệ quốc hạng nhất, Kỷ niệm chương chiến thắng phát xít cho các chiến sĩ người Việt Nam này "Vì lòng dũng cảm và gan dạ trong các cuộc chiến đấu chống bọn phát xít Đức xâm lược trên tuyến phòng thủ thành phố Moscow".
Sai tên trong hơn 30 năm qua
Ông Lạc bùi ngùi, ngày 27/7/1987, các cơ quan chức năng tổ chức Lễ truy điệu và trao các vinh dự của Nhà nước Liên Xô cho gia tộc các chiến sĩ trên. Tuy nhiên, do có sự nhầm lẫn tên từ Vương Thúc Tình thành Vương Thúc Bình nên gia đình chiến sĩ này chưa được nhận các danh hiệu. Từ đó, các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh danh tính của ông Vương Thúc Tình.
Tại các cuộc Hội thảo khoa học: "Những học trò của Bác Hồ đã sống, học tập, chiến đấu tại Liên Xô trước năm 1945" nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 19/5/1988 tại TP Vinh – Nghệ Tĩnh, ông Đặng Duy Báu – Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy thay mặt Thường vụ tỉnh ủy giao Hội hữu nghị Việt Xô Nghệ Tĩnh lập nhóm nghiên cứu, xác minh về ông Vương Thúc Tình.
Qua nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi và dựa trên cứ liệu lịch sử khoa học, nhân chứng lịch sử, các cơ quan chức năng xác định Vương Thúc Tình (tên thật là Vương Thúc Liễn, SN 1903, quê ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn).
Năm 1925, Vương Thúc Tình sang Trung Quốc được Bác Hồ đặt tên là Vương Sĩ và gửi vào học trường quân sự Hoàng Phố. Đến năm 1938, Bác Hồ từ Liên Xô trở về Trung Quốc đã liên lạc với chiến sĩ người Việt Nam đang tham gia trong các đơn vị giải phóng quân Trung Quốc và gửi sang Liên Xô đào tạo. Khi phát xít tấn công các chiến sĩ này gia nhập trung đoàn quốc tế bộ binh cơ giới đặc biệt (OMCBON) trên tuyến phòng thủ thành phố Moscow.
Đầu xuân năm 1943, sau khi quân phát xít bị đẩy lùi khỏi phòng tuyến Moscow, Hồng quân Liên Xô tiến mạnh về phía Tây thì có lệnh "Điều tất cả các cán bộ người phương Đông kể cả những người quê Châu Á quay trở lại chuẩn bị chống Nhật ở mặt trận phía Đông". Ông Vương Thúc Tình nhận lệnh trở về Việt Nam nhưng không may khi đi qua Nam Kinh - Trung Quốc bị bắt và giết hại.
Trong quá trình tìm hiểu về ông Vương Thúc Tình xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới. Theo một hồi kí của tác giả Ivan Ivarốp (người Bungari) - chỉ huy trưởng Trung đoàn quốc tế OMCBON cho biết: "Ngoài những người chống phát xít quê ở Đức, Tây Ban Nha, Bungari… thì biên chế vào các bộ phận của Trung đoàn còn có 6 người Việt Nam".
Tại hội thảo năm 1989 ở TP Vinh tìm kiếm các chiến sĩ quốc tế Việt Nam tham gia chiến đấu chống phát xít bảo vệ Moscow năm 1941, ông Bùi Ngọc Tam (lúc đó là Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Nghệ Tĩnh) cho biết: "4 người đã tìm được. Vậy còn 2 người là ai? Có 2 cái tên mới là Lý Văn Minh và Lý Chí Thống. Hai người này cùng trong nhóm thiếu niên do Bác Hồ tổ chức, giáo dục để chuẩn bị gửi sang Liên Xô theo thư gửi của Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Liên Xô tháng 7/1926".
Hai cái tên này sau đó được xác định là chiến sĩ Đinh Chương Long (bí danh Lý Văn Minh, SN 1912, quê xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) và Ngô Trí Thông (bí danh Lý Chí Thống, SN 1912, quê ở Hà Tĩnh).
Từ những cứ liệu lịch sử này, ngày 15/2/1993, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An giao trách nhiệm cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội hữu nghị Việt Xô Nghệ An tổ chức trọng thể Lễ trao tặng Huân chương chiến tranh vệ quốc hạng Nhất, Kỷ niệm chương chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức, Bằng tổ quốc ghi công cho gia tộc cụ Vương Thúc Tình vào ngày 9/5/1993. Tuy nhiên, buổi lễ này cũng không thể thực hiện được.
Ông Lạc lý giải: "Có 2 lý do chưa trao các danh hiệu này cho ông Vương Thúc Tình vì các kỷ vật, Bằng tổ quốc ghi công (đáng lẽ trao vào năm 1987 cùng 3 gia đình khác ở Nam Đàn) đã thất lạc. Thứ 2, Bằng tổ quốc ghi công ghi tên Vương Thúc Bình (sai tên) thì cũng không thể trao được. Từ đó đến nay, chúng tôi gửi nhiều văn bản để sửa lại tên cho cụ và trao các danh hiệu nhưng vẫn chưa thành".
Liên quan đến 7 chiến sĩ này, ngày 17/6/2020, Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam có công văn 1215/CT-CS gửi 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đề nghị xác minh, giải quyết chế độ, chính sách đối với các chiến sĩ tham gia bảo vệ Moscow trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Công văn nêu rõ: "3 đồng chí đã được công nhận liệt sĩ gồm Nguyễn Sinh Thản, Vương Thúc Thoại và Hoàng Thế Tự (theo Quyết định số 160 CT/KT ngày 15/7/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). 3 đồng chí chưa được công nhận liệt sĩ gồm: Vương Thúc Liễn - đã được đề nghị công nhận liệt sĩ cùng 3 đồng chí nêu trên. Tuy nhiên, do có sự nhầm lẫn tên giữa Vương Thúc Bình và Vương Thúc Tình (bí danh của ông Vương Thúc Liễn - PV) nên đến nay chưa được Thủ tướng chính phủ cấp bằng "Tổ quốc ghi công"; đồng chí Đinh Chương Long, năm 1941 tham gia chiến đấu bảo vệ Moscow và đã anh dũng hi sinh; đồng chí Ngô Trí Thống do chưa xác định được thông tin về cá nhân, nhân thân nên chưa có cơ sở xem xét, đề nghị giải quyết chế độ, chính sách".
Khi nhận được công văn này, ngày 1/9/2020, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản gửi Bộ LĐTB&XH đề nghị xem xét, giải quyết chế độ chính sách với với chiến sĩ Vương Thúc Liễn (bí danh Vương Thúc Tình).
Văn bản có đoạn, trong Quyết định 160/CTKT ngày 15/7/1987 của Hội đồng Bộ trưởng tặng thưởng Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 5 gia đình liệt sĩ lại không có tên liệt sĩ Vương Thúc Tình và thay vào đó là tên liệt sĩ Vương Thúc Bình"... UBND tỉnh Nghệ An kính đề nghị Bộ LĐTB&XH xem xét, giải quyết cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho đồng chí Vương Thúc Liễn (bí danh Vương Thúc Tình).
Phúc đáp văn bản này của UBND tỉnh Nghệ An, ngày 28/9/2021, Cục người có công (Bộ LĐTB&XH) có công văn trả lời: "Chính sách Người có công hiện hành chỉ quy định giải quyết chế độ với cá nhân có công lao đóng góp đối với cách mạng Việt Nam. Trường hợp tham gia đóng góp cho phong trào cách mạng của các quốc gia khác mà không thuộc diện được cử làm nghĩa vụ quốc tế thì không thuộc diện xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công hiện hành".
Ông Lạc trầm ngâm: "Sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô viết rất rõ tên các chiến sĩ này. Ngoài ra, trong Quyết định 160/CTKT ngày 15/7/1987 của Hội đồng Bộ trưởng tặng thưởng Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 5 gia đình liệt sĩ ghi những người này là "liệt sĩ quốc tế". Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà sai tên nên gia đình, con cháu ông Vương Thúc Tình suốt hơn 30 năm nay chưa được trao tặng các danh hiệu. Tôi mong các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo lại trường hợp của ông Vương Thúc Tình".
Trao đổi về việc này, ông Hoàng Ngọc Châu – Trưởng phòng Người có công (Sở LĐTB&XH Nghệ An) cho biết: "Chuyện về cụ Vương Thúc Tình chúng tôi đã nắm được nhưng vì không có hồ sơ của cụ nên Sở không có cơ sở để giải quyết việc này".
Nhân kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1945-2020), 7 chiến sĩ Việt Nam từng tham gia Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức đã được trang trọng đưa vào cơ sở dữ liệu của tổ hợp bảo tàng "Con đường tưởng niệm".
Trong số này, 5 ông Phan Lê Chân, Vương Thúc Thoại, Vương Thúc Liễn, Hoàng Thế Tư và Nguyễn Sinh Thản đã được nhà nước Xô Viết tặng thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhất theo quyết định của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên xô ngày 12/12/1986 và có bảng lưu danh tại bảo tàng "Con đường tưởng niệm". Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng.