Chuyện về cặp ghép thận đầu tiên ở Hải Phòng: Chỉ cần em được sống!

16-06-2023 19:03 | Y tế

SKĐS - 'Chứng kiến em trai cứ cách ngày phải lên viện để lọc máu một lần, tôi thực sự đau lòng. Lúc đó, chỉ kịp nghĩ, làm mọi cách cứu sống em. Khi bệnh viện vận động gia đình tham gia hiến tạng, tôi không ngần ngại, đăng ký ngay. May mắn, mọi chỉ số của tôi đều tương thích và đủ điều kiện hiến thận cho em'.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp sáng ngày 06/06/2023, hầu hết các kip mổ và nhân lực khoa phòng hồi sức của Bệnh viện đều dồn về Khoa Ngoại 7 - Thận tiết niệu để tập trung cho ca phẫu thuật ghép thận đầu tiên. Hơn 20 nhân viên y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đã được tham gia ca phẫu thuật đáng nhớ này. Sự hồi hộp, xen lẫn lo lắng và cả niềm mong chờ như bao trùm khắp bên ngoài hành lang khu vực ghép thận của Khoa Ngoại 7, BV Hữu nghị Việt Tiệp hôm đó.

Chuyện về cặp ghép thận đầu tiên ở Hải Phòng: Chỉ cần em được sống  - Ảnh 1.

Ca ghép thận đầu tiên của BV Hữu nghị Việt Tiệp đã thành công, giúp nâng cao vị thế hoạt động y tế, KCB Y tế Hải Phòng

Đúng 8h23 phút, dưới sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Tiến sĩ Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc bệnh viện; Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Công Bình - Trưởng kip ghép thận đã bắt đầu tiến hành phẫu thuật lấy thận từ người hiến, ghép cho bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối.

Người bệnh là Nguyễn Thành Đàn, nam giới, 32 tuổi ở Kiến An, Hải Phòng bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần suốt 1 năm nay.

Người hiến thận là anh trai của bệnh nhân, tên Nguyễn Thành Đạt, SN 1988.

Với việc sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất phục vụ ca ghép, các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi để lấy thận từ người hiến, sau đó ghép cho người nhận. Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca ghép thận đã được thực hiện thành công. Quả thận bắt đầu hồng hào, được tưới máu tốt và bắt đầu tiết nước tiểu. Các chỉ số sinh tồn bình thường. Hiện, cả bệnh nhân và người cho thận đều tỉnh táo, đang được theo dõi, điều trị hậu ghép tích cực.

Chuyện về cặp ghép thận đầu tiên ở Hải Phòng: Chỉ cần em được sống  - Ảnh 2.

Nguyễn Thành Đạt, 35 tuổi - quyết tâm hiến thận cho em trai để tiếp thêm cơ hội sống cho em

Chuyện về cặp ghép thận đầu tiên ở Hải Phòng: Chỉ cần em được sống  - Ảnh 3.

Mẹ của cặp ghép thận Nguyễn Thành Đạt, Nguyễn Thành Đàn chia sẻ về hành trình hồi sinh của con út

Nhớ lại khoảnh khắc 10 ngày trước khi đưa 2 con vào trong khu vực ghép thận, khoa Thận Tiết niệu của BV Hữu nghị Việt Tiệp để làm cuộc đại phẫu này, bà Phan Thị Thuấn (mẹ của Đạt và Đàn) xúc động kể: "Sáng đó (6/6), cả gia đình họ hàng hơn 20 người từ Kiến An sang đây, dõi theo ca phẫu thuật này vì ai cũng quan tâm. Bên ngoài hành lang, cũng rất đông các y bác sĩ dõi theo ca mổ. Thời gian phẫu thuật kéo dài khiến tôi cũng thấp thỏm theo. Khoảng 3 giờ đồng hồ thì kip mổ hoàn tất việc lấy 1 quả thận từ Đạt. Còn phần Đàn hơn tiếng sau cũng hoàn tất việc ghép. Suốt gần 5 tiếng, tôi không khỏi căng thẳng, có lúc không dám thở mạnh, chỉ cầu mong các con bình an và ca mổ thành công. Đến khi, các bác sĩ ra thông báo ca mổ đã thành công, tim tôi như nhảy lên. Cả gia đình ôm nhau mừng vui. Ai cũng được trút bỏ nỗi căng thẳng suốt mấy tiếng qua".

Bà Thuấn chia sẻ thêm: Tôi sinh được 3 người con, gồm 1 gái lớn và 2 trai, trong đó Đạt là anh lớn, còn Đàn là em. Từ nhỏ, chúng đều nhong nhỏng, gầy nhỏ như thế. Đạt đã lấy vợ và hiện có 2 con (1 trai, 1 gái), còn Đàn chưa lấy vợ. Năm 16 tuổi, Đàn bị ốm phải mổ sỏi bàng quang, sau đó lên Hà Nội kiểm tra thì phát hiện 1 quả thận bị nhỏ bẩm sinh, không có chức năng sống, còn 1 quả thận bên kia thì có 1 viên sỏi to. Đến năm 19 tuổi, quả thận lành lặn của Đàn bị phát hiện bị giãn. Kể từ đó, năm nào, Đàn cũng đi kiểm tra định kì. Trong 2 năm dịch COVID-19, gia đình không có điều kiện cho cháu đi kiểm tra. Đến năm 2022 khi kiểm tra lại thì Đàn đã rơi vào giai đoạn suy thận mãn tính.

Kể từ tháng 2/2023, cứ cách 1 ngày, Đàn phải đến BV Hữu Nghị Việt Tiệp lọc máu 1 lần. Sức khỏe Đàn rất yếu, đau đớn, không chịu được. Gia đình chúng tôi xin các bác sĩ ghép thận cho cháu, nhưng rất khó, có những người đợi 2 năm cũng không có. Tôi lo sức khỏe cháu yếu, khó chống chọi được nên có đặt vấn đề với bác sĩ cho người nhà hiến thận con. Tuy nhiên, khi kiểm tra, vợ chồng tôi đều không đạt điều kiện để hiến thận. Lúc đó, anh trai Nguyễn Thành Đạt đã quyết định hiến 1 quả thận để cứu em.

Ca ghép thận đầu tiên tại Hải Phòng: Anh ruột hiến thận cứu em trai bệnh nặng giai đoạn cuốiCa ghép thận đầu tiên tại Hải Phòng: Anh ruột hiến thận cứu em trai bệnh nặng giai đoạn cuối

SKĐS - Người hiến thận 35 tuổi là anh ruột của bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần trong một năm qua, từng có tiền sử mổ sỏi bàng quang 16 năm. Sau 7 ngày phẫu thuật, cặp ghép đã hồi phục hoàn toàn.

Lúc đầu, khi biết chuyện Đạt hiến thận cứu em, trong họ mạc cũng nhiều người không đồng tình vì lo lắng, không may xảy ra chuyên gì thì tôi sẽ mất cả 2 đứa cùng lúc. Nhưng khi ca phẫu thuật của hai anh em thành công, ai cũng mừng.

Trong tâm trạng vui mừng vì ca ghép thận cho em thành công, người hiến tạng Nguyễn Thành Đạt - anh trai bệnh nhân Nguyễn Thành Đàn bày tỏ: "Khi thấy em trai suốt ngày phải chạy thận, lọc máu bị nhiễm khuẩn ATE sốt run, tôi rất thương. Sau khi trao đổi với vợ, tôi quyết định đi kiểm tra xem có thích hợp để hiến thận cho Đàn không. Ngày 18/5, tôi lên Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để kiểm tra. Khi nhận được kết quả, báo đạt yêu cầu hiến thận cho Đàn, theo chỉ dẫn của bác sĩ, tôi đã kiêng hết rượu bia, thuốc lá, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, đảm bảo tốt nhất về sức khỏe cho ca phẫu thuật này. Sau nhiều giờ phẫu thuật, lúc tỉnh lại, được các bác sĩ báo tin ca phẫu thuật của 2 anh em rất thành công, tôi mừng vô cùng. Sau 3 ngày phẫu thuật, tôi đã xuống giường và đi lại được. Chiều nay (16/6), sau 10 ngày phẫu thuật, tôi cũng chuẩn bị được xuất viện, về nhà".

Chuyện về cặp ghép thận đầu tiên ở Hải Phòng: Chỉ cần em được sống  - Ảnh 5.

Bệnh nhân Nguyễn Thành Đàn, 32 tuổi-người nhận thận từ anh trai vô cùng hạnh phúc

Nằm trên giường bệnh sau cuộc ghép thận được tặng từ anh trai, bệnh nhân Nguyễn Thành Đàn lạc quan, phấn khởi tâm sự:" Khi nhận kết quả bị suy thận mãn tính, em thấy mình hết cơ hội sống. Lúc đó, em đã nghĩ, cả đời phải lọc máu để duy trì sức khoẻ. Em đã vô cùng cảm kích và biết ơn anh trai. Khi nào ra viện, em sẽ cùng chị dâu "quản lý" anh, không cho anh rượu bia, thuốc lá, thức khuya nữa để giữ gìn sức khỏe vì sau phẫu thuật, mất đi 1 quả thận, cơ thể sẽ không còn khỏe mạnh được như trước nữa. Em nhất định sẽ quản lý và chăm sóc anh tốt hơn", Nguyễn Thành Đàn vui vẻ nói.

Để triển khai phẫu thuật ghép thận tại đơn vị, bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã cử hơn 40 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng lên BV Hữu nghị Việt Đức để học tập, đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật ghép thận tại Trung tâm ghép thận, Bệnh viện Việt Đức

Cùng với đó, bệnh viện đã đầu tư nâng cấp phòng mổ, labo lâm sàng... để đáp ứng yêu cầu về việc phẫu thuật ghép thận. Ngoài ra, bệnh viện cũng thành lập tổ tư vấn hiến thận để qua đó, tìm được nguồn thận, giúp người bệnh có cơ hội được ghép tạng. Bệnh viện tuyên truyền, vận động từ chính người nhà của người bệnh như bố, mẹ, anh, chị em ruột... Tiếp đến, bệnh viện lấy tạng từ bệnh nhân chết não mà người thân của họ đồng ý hiến tạng hoặc chính bệnh nhân có di nguyện hiến tạng khi mất...


Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Tâm sự của nguời hiến thận cứu sống em trai ở Hải Phòng

Minh Lý - Phương Anh
Ý kiến của bạn