Hà Nội

Chuyện “ưu tiên xét tuyển”

17-05-2015 19:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chuyện ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học đang được dư luận quan tâm lúc này. Ưu tiên cho học sinh giỏi trong tiêu chí “tuyển thẳng” là cần thiết để động viên

Chuyện ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học đang được dư luận quan tâm lúc này. Ưu tiên cho học sinh giỏi trong tiêu chí “tuyển thẳng” là cần thiết để động viên, khuyến khích học sinh cố gắng ngay khi ngồi trên ghế trường phổ thông cũng như là “phần thưởng” cho học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thế nhưng ưu tiên như thế nào, “tuyển thẳng” ra sao lại là vấn đề cần bàn bởi giáo dục phổ thông và đào tạo lao động với từng nghề nghiệp là hoàn toàn khác nhau.

Không chỉ các ngành văn hóa nghệ thuật mới cần năng khiếu mà thực tế, ngành nào, nghề nào cũng cần có năng khiếu nhất định để hành nghề. Học giỏi ở phổ thông không có nghĩa có thể giỏi trong mọi nghề ở lĩnh vực đào tạo. Thực tế trong nước và trên thế giới không hiếm người tài giỏi, có những cống hiến xuất sắc nhưng “học bạ” phổ thông chỉ đạt mức khá, chưa bao giờ biết đến các cuộc thi học sinh giỏi hay tham dự thi Olympic quốc tế. Chỉ tiêu tuyển sinh có hạn, học sinh giỏi không ít nên nhiều trường hạn chế chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển là hợp lý. Phần lớn các trường như Đại học Y Hà Nội, ĐH Dược, ĐH Huế… chỉ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không quá 10% chỉ tiêu của ngành, nhóm ngành. Thậm chí như Trường ĐH Luật Hà Nội cũng hạn chế chỉ tiêu cho ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH chính quy của trường.

Cụ thể như Trường ĐH Y Hà Nội chỉ tuyển thẳng đối với những thí sinh liên quan khoa, ngành đào tạo như đoạt giải nhất kỳ thi các môn toán, hóa, sinh thì vào ngành bác sĩ đa khoa, đoạt giải nhì chỉ có cơ hội được tuyển thẳng vào ngành y học cổ truyền, y học dự phòng, điều dưỡng, xét nghiệm y học, y tế công cộng, dinh dưỡng và cử nhân khúc xạ. Tất nhiên cũng không quá 10% chỉ tiêu của mỗi chuyên ngành. Sẽ có số lượng đăng ký tuyển thẳng vượt quá 10% chỉ tiêu, nhà trường sẽ xét tiêu chí ưu tiên theo thứ tự: Tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp, điểm thi tốt nghiệp môn toán. Những thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế và quốc gia đã tốt nghiệp THPT sẽ được xem xét cụ thể kết quả dự án hoặc đề tài mà thí sinh đoạt giải để tuyển thẳng vào một số ngành hệ cử nhân cũng là một cách chọn thí sinh “năng khiếu”. Có những ngành như bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt được Trường ĐH Y Dược TP.HCM chỉ ưu tiên thí sinh giải nhất kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn hóa, môn sinh!

Đó là cách tuyển không hình thức và cào bằng. Tất nhiên, những giải khác cũng được quan tâm nhưng vào các ngành học khác như ngành bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng, cử nhân điều dưỡng đa khoa, cử nhân điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, cử nhân điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, cử nhân y tế công cộng, cử nhân xét nghiệm y học, cử nhân vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, cử nhân kỹ thuật y học hình ảnh và cử nhân kỹ thuật phục hình răng. Đối với môn hóa, thí sinh phải giành giải nhất quốc gia mới được tuyển thẳng ngành dược, các giải khác chỉ được tuyển vào ĐH ngành cử nhân xét nghiệm y học hoặc CĐ ngành dược.

Đã tới lúc nên giảm “ưu tiên” những trường hợp lý do ưu tiên không liên quan tới ngành đào tạo bởi xã hội cần lao động có năng lực chứ không cần cán bộ có “tiêu chuẩn ưu tiên”. Có thành tích, có “tiêu chuẩn” thiết nghĩ cần được thưởng, hỗ trợ xứng đáng, song lấy đó thay vào việc tuyển chọn người có khả năng nghề nghiệp lại là điều bất cập, nhất là trong ngành y vốn liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người.

Lê Quý

 

 

 

 


Ý kiến của bạn