Chỉ trong 3 năm trở lại đây, người phụ nữ can trường vùng cát trắng Quảng Bình đang là bà mẹ một con đã liên tiếp chinh phục thành công các đỉnh cao quốc tế với 2 HCB ASIAD 2013, 3 HCV SEA Games 2015 và mới đây nhất là 1 chuẩn Olympic. Thế nhưng cuối cùng, Huệ đã không được dự tranh Olympic vì quy định nghiệt ngã của Ban Tổ chức.
Giấu chuyện mang thai giành Vàng SEA Games
Phạm Thị Huệ bén duyên thể thao từ cách đây 8 năm khi được phát hiện từ một cuộc chạy Hội khỏe Phù Đổng. Cũng kể từ đó, cô gái con nhà nông dân nghèo đất Quảng Bình Phạm Thị Huệ quanh năm suốt tháng mang phận “tập nhờ” hết qua Đà Nẵng lại ra Hà Nội do địa phương không có địa điểm và trang thiết bị dụng cụ. Không chỉ xa nhà biền biệt, trong mấy năm đầu, Huệ còn vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình vì không muốn con gái theo cái nghiệp còn khổ ải hơn cả nông dân làm ruộng. Mãi sau vì thấy con đam mê và nỗ lực quá, bố mẹ mới miễn cưỡng đồng ý, trong cảnh lúc nào cũng thấy xót con mỗi ngày phải phơi mặt 5-7 tiếng, gò lưng gắng sức đua thuyền trên hồ bất kể nắng mưa. Nó được kết đọng nơi khuôn mặt con gái đen sạm, mái tóc khô cong, làn môi nứt nẻ cùng đôi bàn tay sẹo chồng lên sẹo. Tiếng là tập luyện ở Thủ đô mà Huệ cùng một số đồng đội phải ở trong phòng trọ chưa đầy 10m2, ăn cơm bụi và thường xuyên thiếu cả nước tắm vì điều kiện của CLB đua thuyền Hồ Tây quá chật chội và tồi tàn.
Mặc dù vượt chuẩn nhưng vì quy định nghiệt ngã của quốc tế nên cánh cửa Olympic đã khép lại với Phạm Thị Huệ.
Tại SEA Games 2011, sau khi Huệ cùng các đồng đội xuất sắc đoạt HCV cự ly thuyền bốn hạng nhẹ, cả đội rowing Việt Nam mới tẻ ngửa vì hóa ra chị đang mang thai đứa con đầu lòng. Vì thấy mình rất khỏe, có thể tập luyện và thi đấu tốt nên chị quyết định giấu mọi người chuyện có bầu với quyết tâm cùng đứa con trong bụng lập chiến tích, bất chấp nỗi lo khôn tả của ông chồng. Cuối cùng, tuyển thủ đặc biệt ấy đã thành công ngoạn mục khi thi đấu nổi bật nhất, bên cạnh ba tay chèo khác, đánh bại đối thủ khó Thái Thái để mang về tấm HCV. Dù các nhà quản lý huấn luyện đều trách Huệ vì sự liều lĩnh song ai cũng phải thán phục bản lĩnh của Huệ.
Chỉ nghỉ đúng 1 năm, Huệ tái xuất và thậm chí còn sung mãn hơn trước nhiều, rõ nhất trong 3 năm trở lại đây. Bà mẹ một con ấy đã liên tiếp tạo nên những bước đột phá mới tại mọi giải đấu, từ 2 HCB ASIAD 2014, 3 HCV SEA Games 2015 và mới đây nhất là một suất Olympic 2016. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Huệ đang đạt tới độ “chín” nhất trong sự nghiệp, với đẳng cấp của một đấu thủ hàng đầu châu lục.
Vượt chuẩn Olympic vẫn không được tới Brazil
Tại vòng loại Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên Hàn Quốc 2 tuần trước, Phạm Thị Huệ đã tỏa sáng khi đứng hạng 4 chung cuộc nội dung thuyền đơn hạng nhẹ. Chiến tích này quá đủ để tuyển thủ người Quảng Bình giành suất tới Brazil do BTC trao vé cho các vị trí từ thứ nhất đến thứ bảy. Giấc mơ cuộc đời của chị đã được hiện thực hóa và niềm vui càng được nhân lên bởi đó chính là món quà giá trị mà chị dành tặng cô con gái luôn phải xa mẹ, vào đúng dịp sinh nhật tròn 4 tuổi.
Chỉ có điều, dù vượt chuẩn Olympic song ngay thời điểm ấy Huệ đã đứng trước nguy cơ giành suất Olympic vẫn phải... ở nhà vì quy định nghiệt ngã của quốc tế. Theo đó, ở vòng loại này, mỗi nước chỉ được trao tối đa 1 suất cho nam và 1 suất cho nữ, trong khi Việt Nam lại đoạt tới 2 suất. Ngoài Huệ còn có Phạm Thị Thảo/Tạ Thị Huyền cũng thành công ở nội dung thuyền đôi hạng nhẹ. Việt Nam buộc phải chọn 2 lấy 1 và phần bất lợi ngay từ đầu đã rơi vào bà mẹ một con của Quảng Bình. Trên thực tế, đôi Thảo/Huyền có kết quả tranh tài cao hơn của Huệ khi xếp hạng 3 nội dung của mình, ngoài ra, họ còn có ưu thế về số lượng.
Cuối cùng, Huệ đã phải đối diện với sự thật phũ phàng khi các nhà quản lý huấn luyện của rowing Việt Nam quyết định chọn đôi Thảo/Huyền là đại diện duy nhất dự tranh Olympic 2016. Còn Huệ trở thành tuyển thủ đầu tiên rơi vào một nghịch cảnh trớ trêu: Vượt chuẩn Olympic vẫn không được tới Brazil.
Dù khẳng định mình chấp nhận và cố gắng vượt qua, cũng như không thể trách ai song Huệ vẫn không giấu được nỗi buồn tê tái cùng sự nuối tiếc tới tận cùng. Việc dự tranh Olympic là giấc mơ cả đời của tất cả các VĐV và Huệ tưởng như đã nắm chắc cơ hội nhưng cuối cùng nó đã tan vỡ theo cách đầy tức tưởi. Càng đáng nói hơn, vì trong suốt 2 năm, Huệ đã miệt mài luyện tập, vượt khó chịu khổ, thậm chí phải xa cô con gái nhỏ 4 tuổi để phấn đấu cho mục tiêu lớn ấy.
Và có lẽ cánh cửa Olympic cũng đã khép lại với bà mẹ một con này, bởi gần như chắc chắn Huệ sẽ không thể duy trì được quyết tâm, thể lực và phong độ để chờ thêm 4 năm nữa.