Thực tế đã gặp sự thắc mắc, khiếu nại của sản phụ và người nhà trong việc xin chuyển tuyến bệnh viện nhưng không được đáp ứng; vì vậy cần có sự hiểu biết về vấn đề này.
Chuyển tuyến cấp cứu sản khoa là công việc phải thực hiện của các tuyến y tế cơ sở từ xã, phường, thị trấn đến quận, huyện, thị xã, thành phố; đây cũng còn là nhiệm vụ của tuyến trên cần chi viện cho tuyến dưới khi cần thiết và chuyên chở sản phụ từ các tuyến dưới về bệnh viện. Các tình huống cấp cứu sản khoa có thể gặp ở sản phụ trước, trong và sau khi sinh bao gồm: sốc sản khoa; khó thở, suy hô hấp; trụy tim mạch, suy tim; chảy máu âm đạo; hôn mê và co giật; sốt cao; đau bụng dữ dội. Việc đánh giá xác định nhanh, phân loại và chẩn đoán hợp lý nguyên nhân của các cấp cứu sản khoa này rất quan trọng để giúp có phương án xử trí phù hợp và kịp thời sẽ góp phần cứu sống sản phụ.
Sốc sản khoa
Sốc sản khoa được xác định ở sản phụ với các dấu hiệu như có biểu hiện xanh mét, mệt mỏi, vã mồ hôi nhiều ở môi và trán, có vẻ mặt thờ ơ, chân tay lạnh; đôi khi có vật vã, giãy giụa do hiện tượng co rút cơ vì thiếu oxy mô tế bào tổ chức; thở nhanh, thở nông, thở hổn hển; mạch nhanh, nhỏ, khó bắt hoặc không có mạch tay quay nếu bị mất máu nặng từ 1.000ml trở lên; huyết áp hạ thấp, có khi không đo được nếu bị mất máu nặng hoặc sang chấn nặng hay bị sốc về thần kinh và tinh thần nặng nề... Đây là những dấu hiệu lâm sàng mà ở tuyến nào cũng có thể thấy và cần có thái độ xử trí kịp thời, tích cực, đúng kỹ thuật.
Việc chuyển tuyến cấp cứu sản khoa cần phải có những yêu cầu, tiêu chuẩn cần thiết
Xác định nguyên nhân ban đầu có thể do mất máu nhiều trong chấn thương gây chảy máu như rách phần mềm âm hộ, âm đạo; rách cổ tử cung, vỡ tử cung, thủng tử cung chảy máu và thường kèm theo triệu chứng đau đớn làm tình trạng sốc thêm trầm trọng; nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau bong dở dang, nhau cài răng lược, đờ tử cung sau đẻ, sau phá thai và nhất là thai chết lưu; đồng thời có thể do nhiễm trùng, nhiễm độc từ độc tố của vi khuẩn gây ra vì viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng ối, trong đó đặc biệt nguy hiểm là trường hợp sốc do nhiễm vi khuẩn gram âm gây rối loạn chuyển hóa và giảm khả năng sử dụng oxy của tế bào; ngoài ra cũng có thể bị đau đớn nhiều do sang chấn xảy ra khi đẻ khó, can thiệp các thủ thuật không được gây mê, gây tê và hồi sức hỗ trợ đầy đủ, có biểu hiện tâm thần không bình thường. Việc xử trí ban đầu tùy theo nhóm nguyên nhân, nếu bị sốc do mất máu phải bồi phụ đủ thể tích máu đã mất hoặc dịch thay thế máu, cung cấp oxy cho tế bào, trước khi chuyển sản phụ lên tuyến trên thì tuyến dưới phải loại bỏ hoặc hạn chế tối đa nguyên nhân gây chảy máu; nếu bị sốc nhiễm trùng phải cải thiện rối loạn huyết động học bằng cách truyền các dung dịch để hồi phục thể tích máu, kể cả máu khi có thiếu máu nặng thể hiện ở số lượng hồng cầu, huyết cầu tố thấp..., cung cấp đầy đủ oxy, cải thiện những rối loạn chức năng của tim, gan, thận, hô hấp và loại trừ tác nhân vi khuẩn gây bệnh.
Khó thở, suy hô hấp
Xác định suy hô hấp căn cứ vào các dấu hiệu tím tái, khó thở; bệnh cảnh lâm sàng thường gặp trong các trường hợp thiếu máu nặng, suy tim, hen phế quản, viêm phổi, phù phổi cấp. Xác định nguyên nhân suy hô hấp dựa vào triệu chứng xuất hiện như xảy ra đột ngột do dị vật, nang, tràn khí màng phổi; xảy ra nhanh do phù phổi cấp, hen phế quản, viêm phồi...; xảy ra từ từ do u phổi, tràn dịch màng phổi, suy tim mất bù...; nếu bị đau ngực có thể do tràn khí màng phổi, nhồi máu phổi, viêm màng phổi, nhồi máu cơ tim; nếu bị sốt nhiễm trùng có thể do viêm phổi, viêm phế quản... Trong trường hợp này cần thăm khám kỹ về hô hấp để phát hiện ran ẩm, ran rít, hội chứng 3 giảm; về tim mạch để phát hiện dấu hiệu suy tim; về thần kinh để phát hiện ý thức, triệu chứng liệt cơ hô hấp...
Xử trí ban đầu tình trạng suy hô hấp cần phải bảo đảm nguyên tắc của xử trí cấp cứu như phát hiện ngay tình trạng suy hô hấp nguy kịch để can thiệp thủ thuật theo trình tự của dây chuyền cấp cứu ABCD, dùng thuốc điều trị, theo dõi và kiểm soát tốt chức năng sống của bệnh nhân, Khai thông đường thở bằng cách đặt cổ sản phụ ưỡn ra để dẫn lưu tư thế, đặt canule Grudel hoặc Mayo để chống tụt lưỡi; hút đờm dãi, hút rửa phế quản; đặt tư thế nằm nghiêng an toàn nếu có nguy cơ sặc; thực hiện nghiệm pháp Heimlich nếu có dị vật đường thở; đặt nội khí quản hoặc mở khí quản để khai thông đường thở. Kiểm soát sự thông khí đối với các trường hợp cần hỗ trợ thông khí bao gồm giảm thông khí khi có dấu hiệu toan hô hấp với pH dưới 7,25; có nguy cơ giảm thông khí hoặc giảm thông khí sẽ tiến triển nặng thêm với PaCO2 tăng dần; thở nhanh và có cảm giác thiếu khí; liệt hoặc mệt cơ hoành với thở bụng bất thường, dung tích sống dưới 15ml/kg, áp lực hít vào tối đa từ -30cm H2O trở xuống; thiếu oxy máu nặng, kém đáp ứng với thở oxy. Có thể chỉ định đặt nội khí quản khi bị tắc nghẽn đường hô hấp trên, mất phản xạ bảo vệ đường thở, khả năng khạc đờm giảm nhiều hoặc mất, thiếu oxy máu nặng không đáp ứng thở oxy, cần thông khí nhân tạo xâm nhập.
Còn tiếp