Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
- Không phải gần chục năm, mà chính xác là... 25 năm, từ... thế kỷ trước. Cũng không phải ý kiến của tôi, mà là một ông già cựu chiến binh từng vào sinh ra tử, trong suốt mấy cuộc chiến tranh. Ý kiến của ông, tôi đã đưa trong mấy kỳ báo... Tuy nhiên, mình cũng chỉ là một người dân. Nói thì cũng chỉ dân nghe, cùng lắm cũng chỉ giải toả được chút bức xúc của một vài người dân. Nhưng khi đại biểu Quốc hội đem tiếng nói của dân ra bàn thì đã là chuyện khác rồi. Người báo cho tôi chuyện này cũng là ông già cựu chiến binh. Cũng may là ông vẫn còn sống, còn minh mẫn khoẻ mạnh, dù đã ở cái tuổi 93. Cứ như lời ông thì bà con khu phố ông ở đều rất ủng hộ đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc. Ông còn khoe là Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm cho biết là Bộ Công an sẽ tiếp nhận đề xuất của đại biểu Quốc hội về hình thức tù tại gia để nghiên cứu. “Đây là nội dung mới, chúng tôi sẽ xem xét”, ông Tô Lâm đã nói như vậy.
- Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
- Điều ấy là bình thường bà ạ, nhất là trong đời sống dân chủ của chúng ta hôm nay. Ngay trong Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Quốc hội Cà Mau cũng cho rằng, vấn đề tù tại gia rất mới đối với Việt Nam nên đề xuất này cần được nghiên cứu thận trọng, trong đó phải đánh giá tác động của vấn đề này lên xã hội. Đặc biệt, đại biểu Lê Thanh Vân còn nhấn mạnh đến những tác động về mặt đạo đức, tâm lý xã hội, như đặt trong mối quan hệ thành viên với người phạm tội trong gia đình: “Chẳng hạn, người cha là phạm nhân bị giam trong lồng sắt, có ảnh hưởng gì tới các con đang đến tuổi hình thành nhân cách? Ngược lại, tình cảm người cha, người mẹ hàng ngày nhìn con cái giam cầm trong chính không gian gia đình nhà mình như thế nào?...” Đại biểu Lê Thanh Vân còn cho rằng từ lâu không gian gia đình là nơi tác động đến các hành vi đạo đức, nhân cách con người, cuộc sống nhiều bức bối, áp lực, làm sao trở về nhà ai cũng thấy ấm áp, hạnh phúc. “Nhưng nếu áp dụng, khi ta trở về nhà lại có một không gian giam cầm, thử xem nó tác động đến tâm lý, đạo đức, giáo dục của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con trẻ như thế nào?”. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cũng đánh giá rất cao đề xuất ấy. Ông cho rằng, đó là một ý tưởng rất hay nhưng cần phải được nghiên cứu thấu đáo để tránh rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra. Theo giải thích của ông Nhưỡng, tù tại gia có nghĩa là người đó vẫn là một người tù bị giam giữ, nhưng địa điểm không phải trại giam mà bị giam tại chính gia đình mình. Theo cách thức áp dụng của Trung Quốc, thì trong gia đình sẽ có phòng giam, cũi để giam người tù tại nhà. Việc giam giữ, trông coi được giao cho người trong gia đình thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền. Đây là hình thức để giảm tải cho các trại tạm giam, trại giam của Nhà nước. Cũng theo ông Nhưỡng, hình thức giam giữ trên cũng là cách để chính bản thân gia đình cũng phải có trách nhiệm đối với thành viên, tạo điều kiện cho gia đình không phải đi thăm nom, người nhà của phạm nhân chăm sóc phạm nhân luôn. Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Bến Tre cũng băn khoăn và cho là sẽ rất khó thực thi. Rồi ông đặt ra một số giả thiết: Nếu gia đình để tù nhân xổng thì sao? Chìa khóa công an có thể cầm nhưng người ta phá khóa thì sao? Hơn nữa, việc quy định đối tượng thuộc diện tù tại gia cũng phải đưa ra các tiêu chuẩn, quy định cụ thể. “Trong trường hợp đối tượng có đồng bọn đến giải cứu hoặc thủ tiêu tại gia đình thì sao? Chúng ta có thể thấy rất khó để xử lý vấn đề này”. Cũng theo ông Nhưỡng, muốn áp dụng cách này, cần có đề tài nghiên cứu khoa học, lấy ý kiến của nhiều nhà chuyên gia, khoa học thậm chí lấy ý kiến của người dân để đánh giá tác động, thậm chí lấy cả ý kiến của những người đang thụ án tù để xem quan điểm của người ta như thế nào, có mong muốn thế không”. Tất nhiên, tham chiếu nhiều góc độ là cần thiết, nhưng người đã đi tù thì có ai muốn mình là phạm nhân, lại còn bị giam nhốt, dù là giam tại gia. Một ý kiến của đại biểu Đoàn TP.HCM cho rằng, tù tại gia là một đề xuất cũng đáng chú ý. Đặt trong hoàn cảnh như hiện nay, các nhà giam của chúng ta luôn trong tình trạng quá tải. Đề xuất này cũng phù hợp với Hiến pháp 2013 đó là đề cao quyền con người để việc cải tạo giúp phạm nhân thực sự nhìn được lỗi lầm của mình, sau đó tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đại biểu này cũng băn khoăn: “Nếu chúng ta không quy định rõ ràng trường hợp nào áp dụng tù tại gia và trường hợp nào không. Tù tại gia có nhiều điểm tương tự với án treo, như vậy làm cách nào để không có nhầm lẫn giữa hai loại trên. Bởi đối với án treo hoặc tù trong trại giam thì trong Bộ luật Hình sự đã có mức phạt rõ ràng, cụ thể. Do đó, với loại hình tù tại gia này chúng ta cũng cần có những nghiên cứu hết sức thận trọng”. Thận trọng là đúng rồi. Tuy nhiên, “án treo” với “tù tại gia” là khác nhau chứ. “Án treo” là người có tội, nhưng chưa đến mức bị tù, nghĩa là bị giam nhốt”. Còn “tù tại gia” là một tội phạm, bị giam nhốt. Chỉ có cách giam nhốt và địa điểm giam nhốt là có khác nhau. Tù tại gia rất nhân đạo...
Vấn đề “tù tại gia” rất mới đối với Việt Nam nên đề xuất này cần được nghiên cứu thận trọng.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, như thế là vi hiến...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
- Đấy là ý kiến của vài ba người Việt hải ngoại chưa hiểu chuyện. Đến đây thì tôi xin nhường lời lại cho ông già cựu chiến binh. Ông bảo, có vài ba người hải ngoại, chẳng biết chuyện gì trong nước, cũng cứ đưa tin vịt. Mà bịa đặt rất trắng trợn. Không còn biết xấu hổ là gì. Người rất khoẻ mạnh thì bảo người ta chết. Người đang bình thường thì bảo người ta đã bị bắt. Chẳng có tin nào đúng. Thế mà vẫn cứ nói ra rả. Có cậu còn kết án ông Hồ Đức Phớc, cho là ông ấy vi hiến, biến gia đình thành nhà tù, cả nhà khác nào bị giam nhốt? Ơ hay, chỉ có kẻ phạm tội bị nhốt thôi chứ ai nhốt người không phạm tội? Mà nhà ấy đâu phải nhà tù. Ngay người bị giam nhốt cũng sẽ thấy sướng hơn rất nhiều, vì mình vẫn được sống trong chính căn nhà của mình, ngày nào cũng được gặp người thân, được chính người thân chăm bẵm, nuôi nấng. Còn hơn ở nhà tù, lại ở với lũ đầu gấu. Có người còn bị chúng đánh đập, hành hạ. Nhiều người còn chết trong tù, mà chết rất oan khiên. Thế thì tù tại gia là một may mắn chứ. Đi tù mà vẫn được sống trong vòng tay thương yêu của người thân. Thế thì sao lại bảo là vi phạm nhân quyền? Vi phạm ai? Vi phạm cái gì? Còn nếu bảo người nhà, những người không có lỗi gì mà lại bị hệ luỵ thì hệ luỵ gì? Anh nuôi con anh, nuôi bố anh... hay người ruột thịt của anh, thì có phải ai xa lạ vào đấy đâu. Anh có tội thì anh phải chịu chứ. Anh không dạy được con anh, anh không khuyên nhủ, ngăn cản được bố anh thì anh cũng phải chịu. Anh đâu có vô can. Kẻ nào mắc tội, cứ nhốt vào cũi giam ngay tại nhà. Gia đình phải nuôi nấng phục dịch. Cũi cứ để chềnh ềnh giữa nhà hay giữa phòng khách. Thế thì đứa nào không khiếp. Tiền đóng cũi gia đình phải chịu. Công an chỉ đánh dấu niêm phong, rồi thi thoảng qua kiểm tra. Ai vi phạm quy định thì phạt thêm nữa. Phạt bằng tiền và cùng với tiền là tăng thêm thời gian giam nhốt. Thế thì ai không sợ. Biết sợ là tốt. Sợ thì bảo nhau hãy làm người tử tế. Nếu một xã hội đi đâu cũng toàn người tử tế thì làm sao có người tù mà giam tại gia! Có phải thế không ạ?
- Cảm ơn ông!