Nữ nạn nhân duy nhất trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng kể lại 4 ngày đêm bị 'chôn sống' trong hầm và gọi tên con trai trong tuyệt vọng.
Gọi tên con trong tuyệt vọng
Đến ngày 22/12, sức khỏe của 11 nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã hồi phục và chờ xuất viện. Riêng chị Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, quê Nghệ An) do vẫn còn yếu nên cần được các bác sĩ theo dõi chăm sóc.
Sau ba ngày được các chiến sỹ công binh giải cứu thần kỳ, chị Ngọc đã có những chia sẻ về ký ức khủng khiếp 4 ngày bị “chôn sống” trong hầm thủy điện Đạ Dâng.
Chị Ngọc kể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị theo chồng vào làm ở công trình thủy điện Đạ Dâng. Công việc thường ngày của chị là phụ nấu cơm nước cho công nhân tại công trường, những khi rảnh rỗi chị hay đi dọn vệ sinh ở ngoài miệng hầm.
Video: Toàn cảnh giải cứu 12 công nhân vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng
Thời gian ít ỏi làm việc ở đây, chị mới hai lần theo anh rể (anh Phạm Viết Nam - nạn nhân trong vụ sập hầm) vào trong hầm, đến lần thứ 3 thì hầm bị sập. Ngọc là người phụ nữ vui tính, hay giúp đỡ người khác nên được anh chị em ở công trình thủy điện yêu mến.
Chị Ngọc nhớ lại, khoảng 7h sáng 16/12, chị theo nhóm công nhân vào hầm buộc dây thép để gia cố bờ hầm. Khi đang làm việc được khoảng 20 phút thì nghe nhiều tiếng động "ầm", "ầm" như trời sập.
Một số công nhân thi công ở bên ngoài nhanh chân chạy thoát, chị Ngọc và 11 nam công nhân còn lại bị “chôn” trong hầm.
Thời điểm hầm mới bị sập, chị Ngọc và đồng nghiệp vẫn bình tĩnh vì cứ nghĩ ít tiếng đồng hồ sau sẽ có người giải cứu. Nhưng chờ đến 2-3 ngày trời không có chuyển biến, chị Ngọc bắt đầu nghĩ đến việc có thể sẽ chết thảm trong hầm.
Khi mực nước trong hầm dâng cao, ngấm trong cái lạnh, cái đói chị Ngọc thêm tuyệt vọng. Tựa lưng vào chiếc máy trộn bê tông bị đất đá đổ đè lên phân nửa, chị khóc gọi tên con trai ở quê nhà đang ngày đêm trông mong mẹ về. Rồi chị nghĩ đến chồng, bố mẹ già bệnh tật đang trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chị.
Giữa sự sống và cái chết rất mong manh, người phụ nữ yếu đuối đã ôm chầm lấy các các đồng nghiệp bật khóc: “Các anh ơi, em không muốn chết đâu. Em nhớ con lắm!”.
Nhật ký 4 ngày đêm sống trong hầm
Theo chị Ngọc, nếu ngày đầu tiền hầm sập chị không lo lắng thì đến ngày thứ hai chị bắt đầu nghĩ đến tình huống xấu khi nước dâng lên quá ngực. Cũng may khi đang trong tình cảnh tuyệt vọng nhất chị được các nam đồng nghiệp và mọi người bên ngoài động viên tinh thần.
Là người phụ nữ duy nhất nên chị Ngọc được mọi người trong hầm ưu tiên cho ngồi trên chiếc xe máy trộn bê tông để khỏi ướt. Khi trời trở lạnh mọi người đều ngồi quây tròn sưởi ấm cho chị, vì thế mà chị mới đủ sức chịu đựng đến ngày được giải cứu.
Khu vực 12 công nhân ‘chạy nước’ đến chỗ ống sắt thông vào hầm cách khoảng 70m. Mỗi ngày khi có tiếng gọi của lực lượng cứu hộ bên ngoài, các công nhân nam phải thay nhau bơi qua dòng nước lạnh đến chỗ ống sắt lấy lương thực và nghe ngóng tin tức.
Mỗi lần bơi đi lấy cháo, sữa… các công nhân phải cởi bỏ đồ đang mặc trên người, để dành quần áo khô khi lấy đồ xong sẽ lại mặc vào.
“Thấy mấy anh bơi qua dòng nước lạnh cóng như thế em cảm động đến chảy nước mắt. Ở tình cảnh như trong này em mới thấy con người ta càng yêu thương và quan tâm đến nhau nhiều hơn. Giống như đồng nghiệp đã bảo vệ và dành tất cả sự quan tâm cho người phụ nữ duy nhất trong hầm như em vậy”, chị Ngọc nói trong xúc động.
Chị Ngọc kể từ ngày chị bị "chôn" trong hầm thủy điện, gia đình không cho con trai 4 tuổi ở quê biết chuyện. Khi cháu gọi điện vào xin gặp mẹ thì anh Phạm Viết Bắc (chồng chị Ngọc) nói dối rằng mẹ đang vào hầm làm việc chưa về…
“Hôm em tỉnh lại, con trai gọi điện vào khóc nức nở bảo tại sao mẹ ở trong hầm bị sập mà nói dối con. Em chưa kịp giải thích thì cháu nói đã xem thấy mẹ và mọi người được các chú công an giải cứu ra khỏi hầm trên ti vi rồi”.
Vẫn còn lo lắng, chị Ngọc cho hay, sau tai nạn này chị không dám làm công việc tại hầm thủy điện Đạ Dâng nữa. Ít ngày tới khi sức khỏe bình phục, chị sẽ về quê ổn định lại tinh thần rồi tìm công việc khác.